WHO: Các biện pháp chống lại Delta cũng có tác dụng đối với biến thể Omicron

03/12/2021 - 15:59

PNO - Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Tây Thái Bình Dương nói rằng, việc đóng cửa biên giới được một số quốc gia áp dụng có thể là cách "câu giờ" để đối phó với biến thể Omicron. Tuy nhiên, các biện pháp và kinh nghiệm trong việc đối phó với biến thể Delta vẫn nên là nền tảng để chống lại đại dịch.

Trong khi một số quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với việc các ca nhiễm COVID-19 gia tăng và các ca tử vong giảm, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sĩ Takeshi Kasai nói rằng: “Kiểm soát biên giới có thể trì hoãn việc virus xâm nhập và là biện pháp câu giờ để chờ các nhà khoa học đánh giá chính xác động lực của Omicron. Nhưng mọi quốc gia và mọi cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt tăng mới”, ông Kasai nói. 

“Tin tức tích cực trong tất cả những điều này là không có thông tin nào mà chúng tôi hiện có về Omicron cho thấy cần phải thay đổi hướng phản ứng đối phó và điều trị của mình”, ông nói thêm.

 

trên toàn cầu, hiện các ca bệnh đã gia tăng trong bảy tuần liên tiếp và số người chết cũng bắt đầu tăng trở lại, phần lớn là do biến thể Delta
Đã 7 tuần liên tiếp số ca nhiễm gia tăng trên toàn cầu, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại nhưng phần lớn là do biến thể Delta

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể mới Omicron, bao gồm cả những thắc mắc rằng liệu nó có dễ lây lan hơn hay không, hoặc nó có khiến mọi người ốm nặng hơn hay không cũng như liệu nó có thể cản trở hay làm giảm hiệu quả của vắc xin hay không.

Kasai cho biết, Omicron đã được chỉ định là một biến thể đáng lo ngại vì số lượng đột biến và vì thông tin ban đầu cho thấy nó có thể dễ lây truyền hơn các biến thể khác của virus.

Cho đến nay, bốn quốc gia và khu vực ở Tây Thái Bình Dương gồm Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc - đã báo cáo các trường hợp nhiễm Omicron, Giám đốc Khẩn cấp khu vực của WHO, tiến sĩ Babatunde Olowokure cho biết. Ông cũng nhận định rằng, con số đó có thể sẽ tăng lên khi nhiều ca bệnh được phát hiện trên toàn cầu.

Singapore, Malaysia cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong 24 giờ qua, cùng với Ấn Độ.

Ông Takeshi Kasai cho biết, đã 7 tuần liên tiếp số ca nhiễm gia tăng trên toàn cầu, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại nhưng phần lớn là do biến thể Delta. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca nhiễm gia tăng là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp bảo vệ. 

“Virus có thể tiếp tục đột biến và điều này nhắc nhở chúng ta rằng luôn luôn phải cảnh giác”, tiến sĩ Kasai nói.

Ông Kasai cũng đặc biệt cảnh báo rằng, trong thời gian tới, có khả năng số ca nhiễm và tử vong sẽ gia tăng nhanh chóng, khi nhiều người tụ tập và di chuyển trong kỳ nghỉ lễ. “Rõ ràng là đại dịch còn lâu mới kết thúc và tôi biết rằng mọi người đang lo lắng về Omicron”, ông nói, “Nhưng thông điệp của tôi hôm nay là chúng ta có thể điều chỉnh cách quản lý loại virus này để đối phó tốt hơn với các đợt nhiễm mới và làm giảm tác động đến sức khỏe, xã hội cũng như kinh tế".

Nguyễn Thảo (theo AP)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI