Vụ bê bối “thịt ngựa” chưa buông tha châu Âu

26/02/2013 - 10:35

PNO - PNO – Hãng nội thất khổng lồ của Thụy Điển Ikea đã trở thành nạn nhân mới nhất của vụ bế bối “thịt ngựa” đang lan rộng ở châu Âu, khi hôm 25/2 họ buộc phải rút món thịt viên khỏi các cửa hàng của mình ở khắp châu Âu...

Vu be boi “thit ngua” chua buong tha chau Au

Từ 25/2 Ikea rút các sản phẩm thịt viên của mình khỏi hệ thống cửa hàng ở châu Âu - Ảnh: AP

Tuy nhiên, các cửa hàng của hãng này ở Mỹ và Canada không bị ảnh hưởng, đại diện Ikea cho biết.

Ikea phản ứng như vậy sau khi nhà chức trách Cộng hòa Czech cho biết họ phát hiện DNA của ngựa khi xét nghiệm thịt viên loại đóng gói 1kg được dán nhãn thịt bò và thịt heo. Cơ quan Thú y Cộng hòa Czech nói rằng họ thử nghiệm hai lô thịt viên của Ikea và chỉ một lô có chứa thịt ngựa, nhưng không cho biết tỉ lệ thịt ngựa là bao nhiêu.

Thịt viên trong lô hàng này được một nhà cung cấp Thụy Điển gửi đến 12 quốc gia châu Âu khác là Slovakia, Hungary, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Síp và Ireland - và sẽ được đưa ra khỏi kệ hàng của tất cả các nước trên, Ikea cho biết.

Cuối ngày 25/2, công ty mở rộng việc rút các sản phẩm của mình khỏi hệ thống bán hàng ở 21 nước châu Âu và Hồng Kông, Thái Lan và Cộng hòa Dominica, tất cả đều nhận thịt viên từ cùng một nhà cung cấp Thụy Điển.

Ikea nổi tiếng là nhà sản xuất đồ gỗ lắp ráp hàng đầu thế giới, nhưng các cửa hàng khổng lồ với thương hiệu hai màu xanh và vàng cũng có hệ thống nhà hàng kiểu quán cà phê bán các món ăn Thụy Điển như thịt viên với khoai tây nghiền, nước sốt và mứt lingonberry.

Ngày 25/2 vừa qua, các quan chức Liên minh châu Âu đã gặp nhau để thảo luận về quy định ghi nhãn thực phẩm sau khi phát hiện ra thịt ngựa trong nhiều món ăn đông lạnh bán tại siêu thị mà lại được ghi nhãn là thịt bò hoặc thịt heo. Cho đến nay, các sản phẩm đó bao gồm thịt viên, bánh mì kẹp thịt, thịt nướng xiên, mì lasagna, bánh pizza, bánh bao ravioli, bánh nhân mặn empanadas và bánh hấp nhân thịt…

Tuy nhiên, nhà chức trách nói rằng vụ bê bối này là một trường hợp ghi nhãn gian lận, nhưng không gây nguy cơ đối với sức khỏe con người.

Vụ tai tiếng này đã tạo ra một sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu giữa các quốc gia như Anh, nước xem quy tắc như là một trở ngại mang tính bảo hộ đối với thương mại tự do trong một thị trường duy nhất của 27 nước trong khối, và các nước đòi có các quy định cứng rắn hơn, trong đó có Áo và Đức.

THANH HIỀN (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI