Vỡ đập thủy điện ở Lào: Sau một tiếng nổ, nước đổ như thác lũ!

26/07/2018 - 11:27

PNO - Đầu tiên, Petchinda Chantamart nghe thấy một tiếng nổ như bom cách mình vài dặm. Sau đó là một âm thanh kỳ lạ, như tiếng gió thổi mạnh.

Trong thâm tâm cô hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra: Một trong mấy con đập mới đang xây dựng gần ngôi làng của cô ở Nam Lào đã vỡ. Cô chạy đi đập cửa các nhà hàng xóm, cô nhớ lại, giục họ chạy ngay lên chỗ đất cao.

“Nước sắp đổ xuống!”, Chantamart gào lên. Và chỉ trong nửa giờ đồng hồ, nước đã nhấn chìm ngôi làng Xay Done Khong sâu hơn 9 mét, và tiếp tục dâng.

Hàng ngàn người dân chạy lũ từ tỉnh Attapeu đang ở tạm trong trung tâm sơ tán ở quận Pakxong, tỉnh Champassak. Nguồn clip: Vientiane Times. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times.

 Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết vẫn còn 131 người đang mất tích và hơn 3.000 người mất nhà cửa. Nhiều người đã được cứu khỏi các nóc nhà và ngọn cây sau khi làng mạc, đất đai của họ bị nhấn chìm trong biển nước. Theo báo cáo, ít nhất 26 người đã thiệt mạng.

Chantamart, 35 tuổi, và nhiều hàng xóm của mình đã thoát chết khỏi cơn lũ dữ. Nhưng nhiều người không may mắn như vậy khi con đập phụ của dự án thuỷ điện tỉ đô Xe-Pian Xe- Namnoy bị vỡ tối thứ Hai giữa mưa lớn, làm 0,5 tỉ m khối nước đổi xuống hạ du.

“Bước tiếp theo của chúng tôi là tìm và xác định thi thể những người thiệt mạng, nhưng ngay lúc này, chúng tôi phải tập trung tìm kiếm những người vẫn còn sống đang bị kẹt trong khu vực ngập”, ông Bounhom Phommasane, huyện trưởng huyện Sanamxay nói với tờ Thời báo Vientiane.

Chantamart cho biết hàng trăm người làng của cô đã chạy thoát, nhưng có 15 người đang mất tích, trong đó có 9 trẻ em. Bà và những người khác vẫn chưa thể về nhà được từ thứ Hai đến nay vì nước lụt vẫn còn quá cao. “Tôi lo cho họ đến thắt ruột thắt gan”, Chantamart nói.

Sau khi Chantamart và hàng trăm người làng kịp chen nhau lên các khu vực cao hôm thứ Hai, quân đội và cán bộ địa phương đã chuyển họ đến thị trấn Paksong, nằm về phía Tây khu vực đập, tá túc trong một nhà kho vốn hay dùng để chứa cà phê.

Video clip hàng tỉ khối nước tràn ra khỏi chỗ đập bị vỡ

Trong một video do Thông tấn xã Thái Lan phát đi, hàng tỉ khối nước đã tràn qua một công trình đập bị vỡ có tên là “Saddle Dam D”. Thông tấn xã Lào cũng đưa tin là con đập đã bị sập. Nhà thầu xây dựng chính của dự án thuỷ điện này là SK Engineering Construction của Hàn Quốc cho biết sẽ điều tra xem đập bị vỡ hay bị tràn cho mưa lớn.

International Rivers, một nhóm vận động chống lại việc xây đập thuỷ điện ào ạt ở Lào, đưa ra thông báo trên mạng rằng con đập phụ này đã bị sập sau khi nước lũ do mưa lớn chạy tràn vào. Nhóm này, vốn lên tiếng bảo vệ các dòng sông trên khắp thế giới, cho rằng thảm hoạ này cho thấy nhiều con đập không được thiết kế phù hợp để đối phó các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn hôm thứ Hai, 23/7.

“Các hiện tượng thời tiết khó dự báo và cực đoan đang trở nên ngày càng thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu, khiến sự an toàn của hàng triệu người sống ở hạ du các con đập càng bị đe doạ nghiêm trọng”, International Rivers nói. Theo nhóm này, người dân sống phía dưới con đập chỉ được cảnh báo di tản vài giờ trước khi đập vỡ.

“Các cộng đồng này không được cung cấp các cảnh báo tiến bộ kịp thời để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình”, thông báo của tổ chức này nhấn mạnh. “Sự cố này đặt ra những câu hỏi lớn về tiêu chuẩn và an toàn hồ đập ở Lào, bao gồm cả tính hợp lý khi đối phó với các điều kiện và nguy cơ thời tiết”. Bảy ngôi làng ở Sanamxay, thuộc tỉnh Attapeu, bị lũ nhấn chìm và hơn 6.000 người phải di tản do sự cố đập này, các quan chức cho biết.

Vo dap thuy dien o Lao: Sau mot tieng no, nuoc do nhu thac lu!
Người dân trèo lên mái nhà trú tạm ở tỉnh Attapeu ở Nam Lào, một ngày sau khi sự cố vỡ đập thuỷ điện nhấn chìm làng mạc và đất đai của họ. Thủ tướng Lào cho biết đến hôm thứ Tư 25/7 vẫn còn 131 đang mất tích. Ảnh: Reuters
Vo dap thuy dien o Lao: Sau mot tieng no, nuoc do nhu thac lu!
Đồ hoạ: Tim Wallace | Nguồn: Hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Không gian châu Âu, số liệu của Hệ thống điều phối cảnh báo thảm hoạ toàn cầu.

Xe-Pian Xe-Namnoy là một trong 70 dự án thuỷ điện được quy hoạch, đã và đang được xây dựng ở Lào, hầu hết do các doanh nghiệp tư nhân sở hữu và vận hành, International Rivers cho biết. Dự án này bao gồm các con đập chính trên 3 nhánh của sông Mekong và nhiều đập phụ nhỏ, trong đó có con đập vừa bị vỡ.

Hàn Quốc và Thái Lan đang huy động các nỗ lực cứu trợ. Các công ty của hai nước này có tham gia trong xây dựng và cấp vốn cho thuỷ điện Xe-Pian Xe-Namnoy, dự kiến xuất khẩu 90% lượng điện sản xuất được sang Thái Lan khi bắt đầu vận hành.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 25/7 đã chỉ đạo chính phủ triển khai một đội tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đến Lào. “Việc điều tra vẫn đang được tiến hành để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố đập thuỷ điện, nhưng chính phủ chúng tôi không lãng phí thời gian trong việc chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vì các doanh nghiệp của chúng tôi đang tham gia xây dựng ở đây”, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc chuyển lời của ông Moon. 

Báo chí cũng tìm cách liên lạc qua điện thoại với người phát ngôn của SK Engineering Construction ở đại bản doanh Seoul nhưng không có ai trả lời. Korea Western Power Company, công ty có hợp đồng vận hành nhà máy thuỷ điện khi nó hoàn thành, thì cho biết các cán bộ và công nhân của họ ở SK Engineering Construction tại Lào đang tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. SK đã cử một máy bay trực thăng và 11 thuyền đến, Korea Western Power thì cử 2 tàu và nhân viên y tế địa phương của mình đến.

Vo dap thuy dien o Lao: Sau mot tieng no, nuoc do nhu thac lu!
Người tình nguyện nấu ăn cho những người bị mất nhà cửa do vỡ đập. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times

Tối thứ Tư, 25/7, mưa lớn vẫn trút xuống mái tôn khu nhà tạm ở Paksong nơi hàng trăm con người đang tá túc. Trẻ con, người lớn quần áo giày dép dính đầy bùn đất, đang ăn xôi trong các bát nhựa, ngồi trên bạt trải trên sàn nhà và thất thần nhìn vào thinh không.

Chantamart lo rằng nhà cô và các nhà khác trong làng đều chẳng còn gì giữ lại được. Cô chẳng biết ai phải chịu trách nhiệm cho cơn lũ tồi tệ này. Nhưng chính phủ và các công ty đứng đằng sau con đập này phải làm nhiều hơn để giúp đỡ các nạn nhân.

“Mọi người đều bàng hoàng, sợ hãi và lo lắng cho nhau vì mất mát quá lớn”, cô nói. Khoảng 70% người làng cô là người dân tộc thiểu số, hầu hết trồng lúa và cà phê, thỉnh thoảng đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. 

Khamla Souvannasy, một cán bộ ở Paksong, cho biết chính quyền địa phương đang cố gắng hỗ trợ hàng trăm người đang trú tạm ở nhà kho. “Thời tiết vẫn đang là trở ngại lớn và chúng tôi vẫn đang tìm thêm nệm cho mọi người”, ông nói trong khi mưa vẫn quật trên nóc nhà kho. “Thảm họa xảy ra nhanh quá. Không có cách nào chuẩn bị kịp nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng”.

“Chúng tôi mất hết rồi - gia súc, nhà cửa”, Den Even Den, một nông dân ở làng Xay Done Khong nói. “Chỉ còn lại mạng sống”.

Đại An (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI