Việt Nam đứng đầu danh sách 'nô lệ' trẻ em ở Anh

19/10/2018 - 06:25

PNO - Hơn 250 năm từ khi chấm dứt làn sóng buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương, thế giới vẫn còn phải chứng kiến 41 triệu con người bị đổi chác như một món hàng, trở thành nô lệ thời hiện đại.

Nô lệ thời hiện đại ngày càng khó phát hiện

Viet Nam dung dau danh sach 'no le' tre em o Anh
Bức tranh tăm tối nô lệ thời hiện đại ở Anh.

Nhân Ngày Chống nạn nô lệ thế giới (18/10), Chính phủ Anh cũng đã công bố con số gây sốc: khoảng 13.000 nô lệ đang tồn tại ở quốc gia này. Trong khi đầu năm, con số này theo ước tính của Bảng Thống kê nô lệ tệ toàn cầu tại nước Anh là 136.000 người.

Chênh lệch về số liệu lớn như vậy là vì còn nhiều trường hợp cảnh sát chưa phát hiện, do hoạt động của những kẻ buôn người và băng nhóm tội phạm quá tinh vi. Hoặc có những nạn nhân không còn tin tưởng vào chính quyền nên đã không tìm kiếm sự hỗ trợ.

Nếu ở thời buôn bán người qua Đại Tây Dương, hoạt động dễ nhận diện và phát hiện thì trong thời nô lệ hiện đại, mọi thứ dường như khó xác định, ít khi để lại dấu vết. Những lĩnh vực được xác định có sử dụng nhiều nô lệ hiện đại ở Anh ngày nay là xây dựng, nông nghiệp, nhà hàng khách sạn, chăm sóc người già yếu, rửa xe, tiệm làm móng.

Viet Nam dung dau danh sach 'no le' tre em o Anh
Thống kê cho thấy nô lệ hiện đại tập trung bị bóc lột sức lao động trong những công việc nặng nhọc, làm nô lệ tình dục và các công việc khác. 

Những nạn nhân phải chôn chân trong những cánh cửa đóng kín và họ bị ngược đãi, hành hạ, bị nhục mạ về tinh thần mà không ai hay biết.

Trẻ em ngày càng trở thành đối tượng nạn nhân bị khai thác trong các đường dây phạm tội và những con số thống kê ở trên chỉ là phần nổi, còn phần chìm của tảng băng rất khó phát hiện hết được.

Theo ông Andrew Wallis, Giám đốc Điều hành tổ chức chống buôn người Unseen, con số trẻ em đang là nô lệ, bị lạm dụng sức lao động ở Anh cao hơn nhiều con số trên thống kê bởi vì chính những nhân viên xã hội vẫn chưa cập nhật hết được các hình thức buôn người của những băng nhóm tội phạm.

Trẻ em Việt Nam đứng dầu danh sách

Năm 2017, có 5.145 nạn nhân buôn người (66% trong số đó là trẻ em) được chuyển đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ, tăng 35% so với năm 2016. Họ đến từ 116 quốc  gia khác nhau. Tính trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, có 1.658 nạn nhân được xác định đến từ 81 quốc gia.

Trong số đó có 703 trường hợp là trẻ em, chiếm 42%. Trong số đó, trẻ em người Anh được xác định có 332 em, gấp bốn lần so với những đứa trẻ đến từ các quốc gia khác.

Viet Nam dung dau danh sach 'no le' tre em o Anh
Thống kê từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, trẻ em Việt Nam đứng đầu danh sách trẻ em nước ngoài làm nô lệ lao động ở Anh.

Trong số những nạn nhân là nô lệ trẻ em còn lại thì phần lớn đến từ Việt Nam, Sudan, Eritrea và Albania. Những em đến từ Việt Nam thường là những đối tượng được chuyển đến các tiệm làm móng hoặc nơi thu hoạch cần sa.

Năm ngoái, một nhóm đối tượng tổ chức buôn phụ nữ Việt Nam đến làm việc tại các tiệm làm móng và một gia đình Slovakia ép buộc nhiều đối tượng có vấn đề sức khỏe tâm thần làm việc cho mình mà không trả lương đã bị kết án theo Đạo luật Nô lệ hiện đại ở Anh.

Vụ buôn người Việt Nam sang Anh làm móng là vụ đầu tiên cảnh sát Anh triệt phá thành công đường dây buôn người liên quan đến trẻ vị thành niên sau khi Đạo luật Nô lệ hiện đại ở Anh có hiệu lực từ năm 2016. 

Viet Nam dung dau danh sach 'no le' tre em o Anh
Thu Huong Nguyen nhận án tù 5 năm vì hành vi buôn trẻ em.

Những trẻ em gái bị bắt đến các tiệm chăm sóc móng làm việc mà không được trả lương hoặc nhận khoản tiền rất ít.

Kẻ cầm đầu đường dây là Thu Huong Nguyen (còn được gọi là Jenny) và Viet Hoang Nguyen (Ken) lần lượt nhận mức án 5 và 4 năm tù.

Trong nhóm nạn nhân là người trưởng thành, người Albania có mặt đông nhất, kế đến là người Trung Quốc, Việt Nam Romania và người Anh. Hầu hết nạn nhân ở Albania là phụ nữ, bị khai thác làm nô lệ tình dục. Những người trưởng thành từ các quốc gia khác hầu hết bị ép lao động cực nhọc.

Viet Nam dung dau danh sach 'no le' tre em o Anh
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nô lệ lao động là người trưởng thành nhiều nhất ở Anh.

Nhóm người vô gia cư cũng là nhóm đối tượng dễ rơi vào tầm ngắm của những kẻ buôn người. Tổ chức Hestia ở London năm nay đã phát hiện 218 nô lệ lao động là nam giới bị ép làm việc trong các nông trại, công trình xây dựng và các cánh đồng thuốc phiện. 92% số người ấy có những vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần.

Nô lệ lao động có mặt dường như ở khắp nước Anh, đặc biệt tập trung ở London, West Yorkshire, West Midlands, Scotland, Merseyside.

Từ năm 2010 đến năm 2017 có 1.671 vụ liên quan đến cáo buộc buôn người bị khởi tố, trong đó chỉ 1.109 trường hợp bị kết án. Trung bình, mất ba năm cho khâu tố tụng một vụ việc buôn người, tốn hết 330.000 bảng Anh tiền thuế, gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế.

Anh Thông (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI