Viêm não, viêm màng não vào mùa cao điểm

15/07/2022 - 06:27

PNO - Nhiều phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc hai tuổi.

 

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em ngay từ những năm tháng đầu đời

Các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Mỗi ngày, trung tâm đều tiếp nhận bệnh nhân, có những ngày lên tới 4-5 trường hợp. Đơn vị này hiện đang điều trị 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau, trong đó có năm trường hợp đã khẳng định và một ca nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản. 

Vốn là cậu bé khỏe mạnh, nhưng những ngày này, N.V.M. (chín tuổi, tỉnh Thái Nguyên) chỉ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh với đường ống, dây nhợ chằng chịt trên cơ thể. Cậu bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy, tiên lượng để lại nhiều di chứng ngay cả khi vượt qua cơn nguy hiểm. Trước đó, sau trận sốt cao ly bì, không đáp ứng với thuốc, M. được gia đình đưa tới trạm xá rồi bệnh viện tuyến huyện nhưng tình trạng không thuyên giảm. M. dần rơi vào tình trạng lơ mơ, giảm ý thức và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kết quả chẩn đoán cho thấy, M. đã mắc viêm não Nhật Bản. Điều đáng nói, khi khai thác tiền sử tiêm chủng của bệnh nhi, cha mẹ cậu bé chỉ nhớ mơ hồ đã cho con đi tiêm phòng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng, có thể trong đó đã có mũi phòng viêm não Nhật Bản. Chỉ có điều chắc chắn là M. đã không tiêm nhắc lại vắc xin theo khuyến cáo. 

Nằm cạnh giường bệnh của M. là bé P.T.T. mới chỉ năm tuần tuổi. Bé phải nhập viện vì viêm não, viêm màng não do vi khuẩn. Nhìn em bé đỏ hỏn nằm trên giường bệnh, dù đã cai được thở máy, nhưng bác sĩ điều trị cho hay, tương lai của em còn rất nhiều khó khăn do phải đối mặt với nhiều vấn đề như giãn não thất và các di chứng khác.

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - cho hay: So với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc hai tuổi. 

Do đó, bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Mũi 1 tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. 

Vị chuyên gia cũng cảnh báo, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Một triệu chứng khác là trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho.

Tuy nhiên, đây có thể là các dấu hiệu của bệnh viêm não. Việc các bà mẹ không nhận ra, đợi đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến việc điều trị khó khăn và có thể để lại di chứng. Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI