Vì sao phải giữ bí mật tiêm vắc xin ở Trung Quốc?

30/10/2020 - 18:08

PNO - Những người tiêm vắc xin phải ký một thỏa thuận bảo mật, điều này có nghĩa nếu họ tiết lộ với ai ngoài lãnh đạo công ty về việc chủng ngừa COVID-19 – dù có thể mới nằm trong kế hoạch – cũng sẽ bị kỷ luật.

 

Kiểm tra ống tiêm vắc-xin COVID-19 do Sinovac sản xuất tại nhà máy ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AP
Ống tiêm vắc xin COVID-19 do Sinovac sản xuất tại nhà máy ở Bắc Kinh - Ảnh: AP

Nếu xảy ra sự cố thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Người công nhân này cho biết nhà sản xuất vắc xin - Tập đoàn Biotec của nhà nước Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm vắc xin này trên hàng trăm nghìn tình nguyện viên ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Peru, Maroc và các quốc gia khác.

Anh nói, khi chứng kiến ​​hàng trăm đồng nghiệp xếp hàng xung quanh để tiêm vắc xin tại một phòng khám ở Bắc Kinh: “Ít nhất, các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm ở nước ngoài cũng được giám sát, kiểm soát, còn đối với chúng tôi, họ không thể đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Họ biến chúng tôi thành vật hy sinh cho đất nước”.

Người công nhân giấu tên này là một trong số hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc được tiêm vắc xin COVID-19 trước khi chúng được chứng minh là an toàn qua các thử nghiệm lâm sàng.

Nhân viên y tế và nhân viên các công ty quốc doanh làm việc ở nước ngoài đã sớm được đưa vào chương trình "sử dụng khẩn cấp". Tháng trước, Giám đốc điều hành Công ty Biotec Quốc gia Trung Quốc cho biết 350.000 người ngoài thử nghiệm lâm sàng đã được tiêm vắc xin này.

Một kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm Sinovac ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images
Một kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm Sinovac ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Không có loại vắc xin nào đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 có các phản ứng phụ hiếm gặp mà không được phát hiện trong các giai đoạn trước đó. Nhà chức trách y tế Trung Quốc nói rằng vắc xin an toàn, không có tác dụng phụ nghiêm trọng, và việc “sử dụng khẩn cấp” là hợp lý để bảo vệ con người chống lại các ca bệnh nhập cảnh hoặc sự trở lại của COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế bên ngoài Trung Quốc đang đặt câu hỏi về tính an toàn và đạo đức của chiến lược tiêm chủng như vậy, đặc biệt là khi Trung Quốc về cơ bản đã khống chế được đại dịch COVID-19.

Lawrence Gostin, Giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết: “Đó là một canh bạc lớn, bởi vì bạn tiêm vắc xin cho những người khỏe mạnh”. Điều này có ý nghĩa đối với một quốc gia đang có virus lây lan nhanh chóng và các nhân viên tuyến đầu thường xuyên tiếp xúc với COVID-19, nhưng các chuyên gia y tế phương Tây và các nhà sản xuất vắc xin đã cảnh giác với việc sớm tung ra vắc xin. Ông Gostin nói, cách làm như vậy “phi đạo đức và nguy hiểm”.

Công nhân đóng gói vắc-xin phòng bệnh dại tại một phòng thí nghiệm thuộc công ty Yisheng Biopharma ở Thẩm Dương (Trung Quốc), nơi các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển một loại vắc xin ngừa virus COVID-19 - Ảnh: AFP/Getty Images
Công nhân đóng gói vắc xin phòng bệnh dại tại một phòng thí nghiệm thuộc Công ty Yisheng Biopharma ở Thẩm Dương (Trung Quốc), nơi các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển vắc xin ngừa virus COVID-19 - Ảnh: AFP/Getty Images

Người công nhân dầu mỏ, thường làm việc tại một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư nhưng bị mắc kẹt ở Bắc Kinh từ tháng Giêng, đã gửi bản sao cho tờ Los Angeles Times về các mẫu đơn đồng ý và thỏa thuận bảo mật mà anh ta phải ký trước khi được tiêm vắc xin. Anh cũng cung cấp ảnh chụp màn hình các cuộc thảo luận trên WeChat về việc tiêm chủng với các đồng nghiệp của mình.

Anh nói, một số nhà quản lý dự án đã gấp rút tiêm vắc xin bằng cách khuyến khích nhân viên tiêm hai mũi cùng một lúc thay vì đợi 14 hoặc 28 ngày giữa các lần tiêm như được khuyến nghị. Anh viết: “Tôi thấy một số người đã tiêm hai mũi cùng lúc, nhưng bạn phải nói rằng bạn sắp đi nước ngoài gấp”.

Các ống tiêm vắc-xin tiềm năng CoronaVac được nhìn thấy tại Sinovac - Ảnh: Getty Images
Các ống tiêm vắc xin tiềm năng CoronaVac được nhìn thấy tại Sinovac - Ảnh: Getty Images

Mặc dù chưa quan sát thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc xin được tiêm, nhưng biểu mẫu do người công nhân cung cấp cảnh báo về khả năng sốt cao, mệt mỏi, tiêu chảy và nhức đầu.

Các vắc xin khác trên thị trường đôi khi gây ra các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Nếu điều đó xảy ra với đối tượng tiêm chủng, họ cần "tìm cách điều trị kịp thời", biểu mẫu viết.

Quế Lâm (theo Los Angeles Times, News.yahoo.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI