Vì sao nhiều cặp vợ chồng châu Á chọn không sinh con?

12/03/2024 - 06:01

PNO - Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trên khắp châu Á chọn mô hình “thu nhập gấp đôi, không có con” (DINK) vì nhiều lý do khác nhau, ngay cả khi họ phải đối mặt với sự soi xét của gia đình và xã hội.

Xu hướng gây tranh cãi

Khi Seema 14 tuổi, cô nói với mẹ rằng mình không muốn có con. Mẹ cô cười và nói rằng một ngày nào đó cô sẽ thay đổi quyết định. Gần 20 năm sau, nhà phân tích tài chính Seema 34 tuổi ở New Delhi, Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường và điều này khiến mối quan hệ của cô với cha mẹ trở nên căng thẳng. Seema kể: “Họ đã không nói chuyện với tôi gần 3 năm rồi. Tôi không biết liệu cuối cùng họ có đồng tình với quyết định của tôi hay không”. Seema và chồng tự nhận họ là cặp đôi DINK. Dù thuật ngữ này đã có từ nhiều thập niên trước, sự lựa chọn lối sống DINK chỉ mới trở nên phổ biến ở châu Á gần đây. 

Xu hướng DINK gây tranh cãi ở nhiều nơi, đặc biệt là giữa lúc các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore đang phải vật lộn với tỉ lệ sinh thấp. Seema gặp chồng cô - Rajiv - khi cả hai đang học đại học. Cặp đôi nhận ra họ có chung quan điểm về việc không muốn có con. Họ đã kết hôn được 6 năm.

Corinne Chow và Ryan Tan (Singapore) đã đăng video lên TikTok chia sẻ về 1 ngày trong cuộc sống của họ với tư cách là cặp đôi DINK - Nguồn ảnh: SCMP/HANDOUT
Corinne Chow và Ryan Tan (Singapore) đã đăng video lên TikTok chia sẻ về 1 ngày trong cuộc sống của họ với tư cách là cặp đôi DINK - Nguồn ảnh: SCMP/HANDOUT

 

Bất chấp những thách thức từ gia đình và xã hội, các đôi DINK ở châu Á ngày càng cảm thấy thoải mái, cởi mở hơn về quyết định của mình. Một phần động lực cho sự thay đổi đến từ mạng xã hội như TikTok, nơi các cặp đôi chia sẻ trải nghiệm của họ với hashtag #DINKLife. Cặp vợ chồng người Singapore là Corinne Chow (chuyên viên truyền thông) và Ryan Tan (làm việc trong lĩnh vực tài chính) đã chia sẻ video trên TikTok, kể cho người xem cuộc sống của một cặp vợ chồng DINK. Video đã khơi dậy một số chủ đề bàn luận thú vị.

Theo anh Tan, quyết định không có con của cả 2 không phải do áp lực tài chính. Họ chỉ đơn giản là cảm thấy thích việc có nhiều quyền quyết định hơn về cách “phân bổ các nguồn lực” trong cuộc sống. Vào năm 2021, cặp đôi quyết định triển khai 2 học bổng trị giá 8.900 USD để hỗ trợ những sinh viên chưa tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn tại trường cũ của Tan là Đại học Quản lý Singapore.  Anh Tan bộc bạch: “Thành thật mà nói, nếu Corinne và tôi có con cách đây 2 năm, quá trình quyết định thực hiện một điều gì đó như trao tặng học bổng có thể trở nên rất khó khăn. Chúng tôi sẽ muốn dành tiền để nuôi dạy con mình”.

Định kiến xã hội

Dù xã hội châu Á ngày càng cởi mở hơn với lựa chọn không sinh con của các cặp vợ chồng - đặc biệt là ở thế hệ trẻ - các nhà quan sát cho rằng sự kỳ thị kéo dài đối với lối sống này vẫn tồn tại ở cấp độ xã hội. Cặp vợ chồng Seema và Rajiv cho biết họ thường bị buộc tội là ích kỷ và theo chủ nghĩa cá nhân. Seema tiết lộ: “Tôi cảm giác như thể việc không có con khiến tôi không còn là thành viên có ích cho xã hội”. Tiến sĩ Parul Bhandari - nhà xã hội học tại Đại học Cambridge (Anh) - cho biết: các cặp DINK thường bị coi là “chống gia đình, ích kỷ và là vấn đề của thời hiện đại”. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống mang nhiều sắc thái hơn định kiến trên. Tiến sĩ Bhandari nói: "Không phải tất cả các cặp vợ chồng chọn không sinh con đều vì họ muốn sống một cuộc sống không trách nhiệm. Động cơ của họ có thể khác nhau, bao gồm niềm tin, quan điểm không muốn có thêm người xuất hiện trong cuộc sống chung, cảm thấy choáng ngợp khi thế giới quá đông dân hoặc vì những lo ngại về sức khỏe”.

Theo báo cáo công bố vào đầu năm 2024 của công ty tiếp thị Gitnux (Mỹ), số cặp đôi DINK ở Ấn Độ gia tăng với tốc độ 30% mỗi năm. Medha Verma và bạn đời Aditya Jha đến từ Ấn Độ. Họ đã ở bên nhau được 5 năm và hiện đang sống ở Dubai cùng 1 chú chó cưng. Verma nói: “Không có lý do cụ thể nào để chúng tôi không muốn có con. Chúng tôi chỉ cảm thấy việc làm cha mẹ không phải là điều chúng tôi muốn hoặc cần”. Nhìn nhận khách quan, tiến sĩ Bhandari cho rằng, xã hội Ấn Độ đang “chứng kiến những thay đổi quan trọng về quan điểm đối với những hộ gia đình phi truyền thống”. Các cấu trúc gia đình thường bị xem là không truyền thống - chẳng hạn như hộ gia đình có cha mẹ đơn thân và các cặp vợ chồng chưa kết hôn - đang được thừa nhận một cách công khai hơn và được pháp luật bảo vệ. Đây là dấu hiệu tích cực cho những cặp đôi lựa chọn không sinh con. 

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI