Vì sao người nổi tiếng vẫn mặc sức quảng cáo “lố” trên mạng xã hội?

17/03/2025 - 06:36

PNO - Ngày 14/3, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã tổ chức cuộc gặp giới báo chí để xin lỗi sau vụ quảng cáo kẹo rau củ Kera với lối nói thổi phồng quá mức về sản phẩm. 2 nhân vật trên đều là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL).

Quảng cáo sao sự thật, xin lỗi là xong

Thời gian qua, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên xuất hiện trong nhiều phiên quay, phát trực tiếp (live stream) bán hàng trên mạng xã hội. Trong đó, có nhiều phiên phát sóng lớn (megalive) bán hàng với doanh số cực lớn. Khi quảng cáo về sản phẩm có tên kẹo rau củ Kera do Công ty CER (TP Thủ Đức, TPHCM) tung ra thị trường vào cuối năm 2024, những người trên đã bị công chúng phản ứng mạnh do quảng cáo sai sự thật.

Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên trong phiên live stream quảng cáo kẹo rau Kera - Ảnh chụp màn hình YouTube
Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên trong phiên live stream quảng cáo kẹo rau Kera - Ảnh chụp màn hình YouTube

Trong khi vụ việc của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên chưa lắng xuống thì cộng đồng mạng lại “dậy sóng” với mẩu quảng cáo của Chu Thanh Huyền. Trong video nói về sản phẩm, Chu Thanh Huyền vừa đút sữa cho con uống, vừa giới thiệu: “Đây là dòng sữa mát đầu tiên đánh vào thẳng sự hấp thụ của bé, bảo sao nếu thiếu sữa này là các bé sẽ chậm lớn và còi lắm đó”.

Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng đã phát hiện, sản phẩm mà Chu Thanh Huyền quảng cáo không phải sữa mà là sản phẩm bổ sung lợi khuẩn, có xuất xứ từ Hàn Quốc. Loại nước lợi khuẩn này được khuyến cáo chỉ dành cho trẻ trên 12 tháng tuổi nhưng Chu Thanh Huyền lại dùng trực tiếp cho con mới 8 tháng tuổi. Hiện tại, Chu Thanh Huyền đã xóa clip quảng cáo trên khỏi trang cá nhân của mình, đồng thời lên mạng trần tình và xin lỗi: “Huyền xin nhận lỗi về mình vì trong clip đã không nói rõ ràng đây là quan điểm và chia sẻ cá nhân, gây hiểu lầm”.

Trên đây chỉ là 2 trong vô số trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, bị cộng đồng “bốc phốt” trong thời gian gần đây. Có nghĩa là, việc người nổi tiếng quảng cáo để bán sản phẩm đã trở nên quá phổ biến, loại sản phẩm cũng thiên hình vạn trạng. Trên các mạng xã hội TikTok, YouTube, Facebook, người tiêu dùng Việt Nam có thể bắt gặp vô số clip người nổi tiếng quảng cáo, bán hàng, nào miếng dán kích hoạt tế bào gốc, nào sữa trị tiểu đường, nào thuốc ngừa ung thư…

Ngày 9/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát cảnh báo về tình trạng người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng.

Phải xử phạt nghiêm người quảng cáo

Ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội Quảng cáo TPHCM - cho rằng, vấn nạn quảng cáo sai sự thật trên mạng đã tồn tại lâu nay với nhiều hình thức và trong nhiều lĩnh vực, nhiều nhất là thực phẩm chức năng. Báo chí, các cơ quan truyền thông chính thống và cộng đồng mạng đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình YouTube
Người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình YouTube

Theo ông, sở dĩ như vậy là do Luật Quảng cáo năm 2012 chỉ quy định trách nhiệm của 4 đối tượng, gồm người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, phương tiện truyền tải quảng cáo và người tiếp nhận quảng cáo, bỏ sót trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo, cụ thể là những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng. Luật mới đang được soạn thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo đi kèm biện pháp chế tài. Hội Quảng cáo TPHCM cũng đề xuất mức xử phạt nặng để tăng tính răn đe. Ông đề xuất: “Việc xử phạt bằng tiền đôi khi không đủ sức răn đe, nên cần kết hợp với các biện pháp hành chính khác để nâng cao ý thức của người nổi tiếng trong việc gìn giữ hình ảnh và trách nhiệm với công chúng”.

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM - cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ, muốn quảng cáo sản phẩm, người chuyển tải quảng cáo phải trực tiếp sử dụng và xác nhận hiệu quả của sản phẩm. Tuy nhiên, dù luật đã có hiệu lực từ tháng 7/2024, việc xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật vẫn chưa có chuyển biến. Hiện tại, việc xử phạt đối với hành vi này chỉ là yêu cầu xin lỗi. Theo quy định, muốn được bồi thường, người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại do quảng cáo sai sự thật gây ra.

Đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (tỉnh Ninh Thuận) nhận định, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng có các biện pháp ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng quy định, nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có tính quảng cáo được đăng trên mạng theo dạng bài viết, video mà nhiều thông tin trong đó chưa được kiểm chứng, gây ra các hiện tượng sai lệch như là trào lưu uống nước kiềm để chữa bách bệnh, dùng cà phê để thải độc ruột, thải độc đại tràng, dùng gạo lứt, nước tương chữa bệnh ung thư... “Trách nhiệm chính quản lý nhà nước về các vấn đề như trên là thuộc cơ quan nào? Vấn đề này rất cần được xác định rõ trong dự thảo Luật Quảng cáo đang được sửa đổi” - bà nói.

Theo bà, các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo phải phù hợp, khả thi, tránh tình trạng đùn đẩy. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành quy định về trình tự, thủ tục xác minh, kết luận về các thông tin quảng cáo, các thông điệp mang tính quảng cáo và mức độ xử lý vi phạm.

Thanh Hoa - Huyền Anh

Thận trọng với các mẩu quảng cáo thực phẩm chức năng

Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - khuyến cáo, người tiêu dùng cần đặc biệt thận trọng với những mẩu quảng cáo về thực phẩm chức năng. Với sản phẩm cụ thể, cần xem xét thành phần của nó. Ví dụ, nhiều người tiêu dùng tin rằng chỉ cần dùng hà thủ ô là tóc sẽ đen trở lại nhưng nếu hàm lượng hoạt chất chỉ đạt 1 - 2mg thì dù sử dụng trong thời gian dài cũng khó đạt được hiệu quả. Việc xem xét kỹ lưỡng hoạt chất chính trong sản phẩm, hàm lượng của chúng và các thành phần phụ gia đi kèm là vô cùng cần thiết. Người tiêu dùng nên tìm đến các chuyên gia. Chỉ những chuyên gia dinh dưỡng thực thụ, có khả năng đọc hiểu và phân tích các nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh mới có thể đánh giá được tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI