Trần Minh Sơn (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đang học lớp Ba. Trong tuần, ngoài 10 buổi học chính ở trường, Sơn còn có 6 buổi học thêm, gồm 2 buổi ngày thứ Bảy, 2 buổi ngày Chủ nhật và 2 buổi tối trong tuần. Sơn kể: “Thứ Ba, thứ Năm, mẹ đón cháu ở trường rồi đưa đến lớp học thêm, cháu học từ 17g30 đến 19g30. Thứ Bảy, Chủ nhật cháu thích ở nhà hơn. Ở nhà cháu được ngủ, được chơi với các em, chơi các trò chơi, nhưng cháu vẫn phải đi học từ 8 - 10g và từ 14 - 16g”.
Học sinh lớp Bốn trong một lớp học thêm chật hẹp ở quận Hà Đông, TP Hà Nội - Ảnh: U.N
Chị Lương Thu Hiên - mẹ Sơn - cho biết: “Khi cháu học lớp Một, lớp Hai thì xảy ra dịch COVID-19. Gần trọn năm lớp Hai, cháu phải học trực tuyến. Do đó, từ đầu năm học này, tôi phải cho cháu đi học thêm 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Cháu đi học thêm, mẹ cũng phải chạy xe thật nhanh từ chỗ làm về để kịp đưa cháu đến nhà cô giáo. Mẹ con đều cực hơn, nhưng để cháu củng cố lại kiến thức của năm học cũ và nắm vững kiến thức của năm học mới thì phải chấp nhận”.
Chị Nguyễn Thị Thủy (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) có 3 con, học lớp Bảy, lớp Năm, lớp Ba. Cả ba đều đi học thêm từ lớp Một. Sáng, chiều, các cháu học ở trường, tan học là đi học thêm. Ăn tối xong, đứa lớn nhất tự học, chị Thủy kèm 2 đứa nhỏ. Chị nói: “Các cháu học kín ngày, kín tuần, mới củng cố được kiến thức. Nếu không học thêm, sẽ không theo được các bạn. Nhiều bạn học cùng các cháu còn lên thị trấn, thậm chí vào nội thành học thêm ở các trung tâm. Tôi chỉ cho con học thêm toán, tiếng Việt, văn, tiếng Anh ở nhà các giáo viên dạy chính trên lớp”.
Chị Thủy là lao động tự do, chồng làm tài xế. Riêng tiền học thêm của 3 con đã tốn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tốn kém, mất nhiều thời gian đưa đón, nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ nghĩ đến việc ngừng cho các con đi học thêm.
Buổi sáng, anh em Phạm Đăng Khoa, Phạm Bảo Châu (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được bà Đỗ Thị Lựu đưa đến trường. Chiều tan học, 2 anh em sẽ theo các cô giáo về, ăn tạm chiếc bánh rồi vào lớp học thêm tại nhà cô. Cậu của các cháu làm công nhân, trên đường về sẽ qua nhà cô giáo đón 2 cháu.
Các bé mẫu giáo cũng học để chuẩn bị vào lớp Một (ảnh chụp tại một lớp học thêm ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - Ảnh: U.N.
Bà Lựu cho biết: “Cha mẹ các cháu kinh doanh ở TP Hà Nội, quá bận nên gửi con cho bà ngoại. Tôi chăm các cháu tốt, chỉ việc học của 2 đứa là tôi chịu. 2 đứa lớp Bốn, lớp Hai không kèm được nhau nên cha mẹ chúng nhờ các cô giáo đưa về nhà, nhờ cô lo cho cả bữa lót dạ trước giờ học thêm. Cuối tuần, có khi cha mẹ các cháu về thăm, có khi không nên sáng thứ Bảy, sáng Chủ nhật là tôi chở 2 đứa đến TP Ninh Bình học tiếng Anh ở trung tâm. Thấy các cháu học triền miên, tôi cũng thương nhưng cha mẹ chúng bảo, bây giờ, trẻ con phải học như thế kiến thức mới vững”.
Mới lớp Một, Nhật Phong (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã phải học thêm 3 buổi tối/tuần. Sau vài lần được cha mẹ đưa đến nhà cô giáo, Phong đã nhớ đường và có thể tự đạp xe tới lớp học thêm. Anh Quang Sơn - cha của Nhật Phong - nói: “Phong học 2 buổi tiếng Việt, 1 buổi tiếng Anh. Sắp hết học kỳ I mà cháu vẫn chưa đọc trơn tru, viết thì chữ nhớ chữ quên”.
Phụ huynh đua thành tích
Sở GD-ĐT TP Hà Nội quy định, các trường tiểu học không được thi tuyển đầu vào lớp Một và tuyển sinh lớp Sáu cũng theo hình thức xét tuyển. Nhưng việc có quá nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập, trường công lập chất lượng cao, trường chuyên buộc trường phải kết hợp hình thức xét tuyển và thi tuyển. Bên cạnh đó, do có nhiều cuộc thi lấy huy chương, lấy giải thưởng quốc tế nên phụ huynh muốn con em mình học thêm ngay từ những năm đầu tiểu học để có dịp thi thố, làm rạng danh gia đình.
Chị Ánh Vân (quận Đống Đa, TP Hà Nội) xác định, sẽ cho con gái học một trường liên cấp có tiếng ở quận Cầu Giấy nên ngoài việc cho con học trường mầm non quốc tế, chị còn đưa con đến trung tâm tiếng Anh, học thêm 2 buổi/tuần.
Cũng xác định cho con vào trường THCS công lập chất lượng cao nên anh chị Tuấn Anh, Thu Trang (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) thay nhau đưa con đến quận Hà Đông học thêm ở một trung tâm gia sư từ khi cháu học lớp Ba. Ngoài học thêm các môn văn hóa, anh chị còn cho con học thêm mỹ thuật, âm nhạc vào 2 ngày cuối tuần. Anh Tuấn Anh cho biết: “Vợ chồng tôi đã tham khảo kỹ những phụ huynh đi trước, các cháu trúng tuyển vào lớp Sáu của trường đều có thành tích học tập “khủng”. Nếu không cho con học thêm kiến thức nâng cao từ sớm, khó mà có “vé” vào trường”.
Chị Ngô Thu Hà (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vừa nhận bản đăng ký trực tuyến, tham gia kỳ thi toán quốc tế Kangaroo (IKMC) 2023 do nhà trường gửi. Ban tổ chức giới thiệu: “Cuộc thi thu hút hơn 100.000 thí sinh đến từ hơn 900 trường tiểu học, trung học cơ sở trên toàn quốc”.
Kỳ thi này diễn ra vào cuối tháng 3/2023, nhưng nhiều phụ huynh trong lớp của con chị đã chia nhiều hướng khác nhau: một số đưa con đến nhà một phụ huynh trong lớp để phụ huynh này kèm học nhóm, một số khác tìm đến các lớp học thêm do các thầy cô giáo chuyên luyện thi những kỳ thi tương tự đảm trách. Những học sinh lớp Một - mới học phép tính trong phạm vi 10, đọc tiếng Việt chưa thạo - đã phải luyện đề với những phép tính cộng, trừ 7 đến 10 con số, làm bài bằng song ngữ Việt - Anh.
“Hiện nay, nhiều phụ huynh đặt ra thời gian biểu dày đặc cho con em mình. Ngoài học các buổi chính và học thêm ở trường, học sinh tiểu học còn phải học thêm bên ngoài. Không ít phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái nên đã nhồi nhét cho các em quá nhiều kiến thức”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trước đó, chưa kết thúc tháng Chín - tháng đầu tiên của năm học, trường của con chị Hà đã gửi kế hoạch do phòng GD-ĐT ban hành, về việc tổ chức sân chơi “Đấu trường VIOEDU” (toán học) dành cho học sinh tiểu học, từ lớp Một đến lớp Năm.
Từ những năm đầu tiểu học, học sinh đã quen với kỳ thi Olympic toán học trẻ quốc tế (ITMO), Olympic toán học quốc tế TIMO, kỳ thi toán học quốc tế PhIMO, kỳ thi đánh giá năng lực tư duy toán học quốc tế (IMAS), kỳ thi Olympic toán học châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS)…
Các cuộc thi này hầu hết đều thông qua nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để gửi bản đăng ký trực tuyến đến phụ huynh. Anh Ngô Minh Khôi (quận Cầu Giấy) cho biết, con anh đã tham gia các cuộc thi này ở tất cả các khối. Ở lớp, cũng có phụ huynh đưa con đi “luyện đề” như gia đình anh với hy vọng con giành giải quốc tế. Riêng con anh Khôi đã “gặt hái” gần chục huy chương các màu trong 5 năm tiểu học. Khi con anh trúng tuyển vào lớp Sáu của một trường có tiếng, hầu hết mỗi bạn trong lớp của cháu đều có vài huy chương tương tự.
Cuộc đua không có hồi kết
Sau khi cậu con trai lớp Một làm bài đánh giá đầu tiên, chị Ngọc Bích (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nhắn tin hỏi một số phụ huynh khác về điểm số. Ngay khi biết điểm môn tiếng Anh của mấy bạn trong xóm, chị Bích đã tức tốc tìm cô giáo dạy thêm tiếng Anh cho con bởi con chị chỉ được 2 điểm môn này.
Học sinh lớp Hai rời buổi học thêm ở nhà một giáo viên tại quận Đống Đa, TP Hà Nội - Ảnh: U.N.
Nhóm phụ huynh của chị tiếp tục hỏi điểm số của các cháu ở những bài đánh giá tiếp theo. Cháu nào có điểm thấp hơn các bạn ở môn nào, phụ huynh liền tìm lớp cho cháu đi học thêm môn đó. Một lần, vô tình thấy con mình vẽ tranh cùng cháu bé láng giềng, chị Bích hỏi: “Bạn vẽ đẹp thế này, sao con vẽ xấu thế kia?”. Mấy ngày sau, chị Bích cho con trai đi học vẽ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có con trai học lớp Ba. Phụ huynh của cả lớp và giáo viên môn tiếng Anh cùng chung nhóm Zalo. Thay vì quản lý bài tập điện tử theo tài khoản của từng học sinh, cô giáo yêu cầu các cháu làm bài tập, có kết quả (điểm) thì chụp ảnh màn hình để gửi vào nhóm cho cô. Phụ huynh biết điểm số của tất cả các bạn trong lớp. Con chị Ngọc và con của mấy phụ huynh khác thường nằm trong nhóm có điểm thấp nhất. Do đó, sau mấy lần có kết quả điểm, chị Ngọc đã cho con đi học thêm ở nhà cô giáo. Cháu đang học thêm 3 tối/tuần, thêm môn tiếng Anh nữa là 5 tối/tuần.
Chị nói với con: “Nhìn điểm của con, mẹ xấu hổ lắm. Các bạn khác đều được điểm cao, chỉ có con là điểm thấp”. Vừa rồi, chị cho cháu và anh cháu (lớp Năm) đi học thêm 2 ngày cuối tuần: “Các cháu sắp thi học kỳ I. Nếu không học thêm, điểm lại kém hơn các bạn”.
Không chỉ ở bậc tiểu học, mà từ bậc mầm non, nhiều cháu đã bị phụ huynh gò vào các lớp học thêm. Khi con gái mới 3 tuổi, chị Lê Thị Hải (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã có ý định tìm lớp “tiền tiểu học” cho cháu: “Trên diễn đàn đồng hành cùng con vào lớp Một, tôi thấy một phụ huynh chia sẻ về kinh nghiệm để con 4 tuổi đã đọc thông viết thạo. Vì vậy, tôi sẽ cho cháu học “tiền tiểu học” trước 5 tuổi”.
Đừng đánh mất cảm xúc, sự sáng tạo của trẻ
Trường tiểu học - THCS Thăng Long thực hiện rất nghiêm túc Thông tư 17/2012 về cấm dạy thêm ở bậc tiểu học. Tất cả các giáo viên trong trường không tổ chức dạy thêm. Trước năm học mới, năm nào trường cũng có buổi gặp gỡ phụ huynh khối lớp Một, lớp Sáu để chia sẻ với phụ huynh về quan điểm giáo dục của nhà trường. Với việc học 2 buổi/ngày trong trường, các em có thể tiếp thu được kiến thức, đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Sau các buổi học, thầy cô giáo còn ở lại trường từ 45-60 phút. Trong thời gian đó, các em chưa hiểu phần nào, môn học nào thì có thể hỏi để thầy cô giảng lại, hướng dẫn thêm. Giáo viên của trường luôn sẵn sàng kèm cặp cho tất cả học sinh chứ không riêng học sinh của lớp mình dạy.
Chúng ta đi làm cả ngày, tan tầm chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi thì sao lại bắt con em mình phải học tiếp 1-2 ca nữa? Việc so sánh các em có khác nào so sánh con khỉ và con cá - khả năng leo trèo và bơi lội là hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, rất khó thay đổi quan điểm của phụ huynh. Chúng tôi vẫn phải chứng kiến một số học sinh của mình đến các lớp học thêm. Giáo dục hiện đại, tiên tiến yêu cầu phát triển cả 4 chỉ số trong mỗi cá nhân, gồm trí thông minh (IQ), cảm xúc (EQ), sáng tạo (CQ) và vượt khó (AQ). Chúng ta dành quá nhiều thời gian để phát triển IQ, đồng nghĩa lấy mất cơ hội phát triển EQ, CQ, AQ.
Ông Bùi Quốc Hoàn - Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Thăng Long, TP Hà Nội
Không cho con đi học thêm, nhiều phụ huynh cảm thấy không yên tâm. Nhưng không phải cứ đi học thêm là có hiệu quả. Phụ huynh cần phải biết rõ con mình có đủ trí nhớ, đủ sức khỏe và tâm lý để học nhiều như thế hay không. Chỉ những học sinh yếu kém mới cần phải học thêm để theo kịp chương trình chứ không nên học thêm ồ ạt như hiện nay.
Tiến sĩ Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội
Uông Ngọc (ghi)
Học thêm quá nhiều sẽ đánh mất khả năng tự học
Dạy thêm, học thêm là do nền giáo dục Việt Nam nặng lý thuyết, nặng về truyền thụ một chiều, nặng kiểm tra, thi cử và trọng tâm của kiểm tra, thi cử là kiến thức khiến học sinh chịu áp lực dung nạp kiến thức, làm tăng nhu cầu học thêm trong xã hội. Tâm lý trọng thành tích, bằng cấp của phụ huynh cũng khiến việc học thêm tràn lan.
Việc dạy thêm, học thêm khiến học sinh bị quá tải, không đủ thời gian tự học, kéo theo nhiều hệ lụy như suy kiệt, trầm cảm, phát triển lệch lạc. Dạy thêm, học thêm cũng tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho các gia đình có con đi học, gây mất công bằng giữa gia đình nghèo và gia đình có điều kiện.
Để giải quyết căn cơ tình trạng này, phải thực sự giảm áp lực dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi cử. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải được triển khai một cách hiệu quả, thực chất, đảm bảo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhà trường chỉ phụ đạo đối với học sinh yếu kém. Giáo viên phải được trả lương xứng đáng để thực sự tâm huyết với việc dạy dỗ học sinh trên lớp. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh và học sinh thay đổi nhận thức, hiểu được rằng chỉ có tự học và tự học suốt đời mới đảm bảo cho sự thành công lâu dài, chứ không phải nhồi nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục, thuộc Trường đại học Sư phạm TPHCM)
Tỉnh Lâm Đồng phân công 2 Phó chủ tịch đảm nhận công việc thuộc thẩm quyền của ông Võ Ngọc Hiệp trong thời điểm ông Hiệp tạm nghỉ điều trị chấn thương.