Vì sao bác sĩ bỏ nhiệm sở?

09/12/2021 - 06:21

PNO - Dù thiếu hụt nhân lực y tế nhưng tại tỉnh Đồng Nai, từ năm 2008 đến nay, có nhiều bác sĩ ra trường theo đề án “Đào tạo sinh viên y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng” không về lại địa phương. Trong khi đó, không ít trường hợp về công tác một thời gian ngắn thì xin nghỉ.

Không thực hiện cam kết

Bác sĩ N.N.T. là một trong những người đầu tiên tham gia vào đề án “Đào tạo sinh viên y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng” năm 2008. Lúc đó, ông T. có điểm thi đại học 25 và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cử đi đào tạo theo địa chỉ tại Trường đại học Y Dược TPHCM (khóa 2008 - 2014). Với hộ khẩu ở H.Xuân Lộc, ông T. đã ký cam kết về địa phương này phục vụ sau khi tốt nghiệp. 

Năm 2014, ông T. tốt nghiệp và được Sở Y tế bố trí công tác tại Bệnh viện (BV) Đa khoa H.Cẩm Mỹ (nay là Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ). Tuy nhiên, vị bác sĩ trẻ này lại nghỉ việc và gửi đơn đề nghị được bồi thường chi phí đào tạo chỉ sau vài tháng ra trường. Điều đáng nói, dù UBND tỉnh chấp thuận cho đền bù và Sở Y tế đã nhiều lần gửi thông báo nhưng ông T. không chấp hành.

Dù được tỉnh, bệnh viện hỗ trợ đi học nhưng nhiều bác sĩ trẻ vẫn nghỉ việc sau khi học xong (ảnh minh họa)
Dù được tỉnh, bệnh viện hỗ trợ đi học nhưng nhiều bác sĩ trẻ vẫn nghỉ việc sau khi học xong (ảnh minh họa)

Bác sĩ Hà Đức Minh, Phó chánh văn phòng Sở Y tế, cho hay, qua các nguồn thông tin, sở được biết ông T. đã được tuyển dụng vào làm việc tại một BV công lập tại TPHCM và được cử đi đào tạo sau đại học tại Trường đại học Y Dược TPHCM. Ông T. cũng thay đổi địa chỉ thường trú nhiều lần. Do đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh khởi kiện ông T. Sau thời gian dài, đến nay, ông T. đã nhận lỗi và đồng ý bồi thường chi phí đào tạo theo quy định.

Một trường hợp khác là bác sĩ Đ.T.B. cũng xin nghỉ việc ngay sau khi được đào tạo theo đề án trên. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ B. đã thi đậu bác sĩ nội trú nên được phân về BV Đa khoa Đồng Nai công tác. Trong thời gian đi học nội trú tại Trường đại học Y Dược TPHCM suốt ba năm, bác sĩ B. không hề về BV trực. “Chúng tôi có liên hệ, bác sĩ này lấy lý do lịch học kín nên không về BV trực. Sau khi học xong, bác sĩ cũng không chịu về BV làm việc dù chỉ một ngày. Phía BV vẫn trả lương đầy đủ ba năm khi bác sĩ đi học. Đơn xin nghỉ việc, bác sĩ cũng nộp thẳng lên Sở Y tế, không thông qua BV”, bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai, kể lại.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai  hỗ trợ tiền lương cho các bác sĩ  đào tạo theo địa chỉ được phân về bệnh viện khi đi học nội trú nhưng  bác sĩ vẫn bỏ việc sau khi học xong
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ tiền lương cho các bác sĩ đào tạo theo địa chỉ được phân về bệnh viện khi đi học nội trú nhưng bác sĩ vẫn bỏ việc sau khi học xong

Năm 2018 là năm đầu tiên các bác sĩ học nội trú ra trường. Nhưng thay vì về làm việc tại BV Đa khoa Đồng Nai, họ cũng xin nghỉ việc sau khi tốt nghiệp. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm cho biết: “BV được tiếp nhận 10 bác sĩ học nội trú theo đề án đào tạo theo địa chỉ. Trong số này có ba bác sĩ nội trú về gây mê - hồi sức. Những bác sĩ gây mê mà được đào tạo nội trú có kinh nghiệm, kiến thức vững và luôn được các BV “săn lùng”. Tất nhiên, lương trả cho họ rất cao”. Khi đi học nội trú, UBND tỉnh chi trả học phí, còn BV Đa khoa Đồng Nai vẫn trả lương (theo hệ số). Nếu bác sĩ có tham gia trực, BV vẫn trả tiền trực, tiền thưởng theo quy chế. Trung bình, BV đã chi trả khoảng từ 150 - 250 triệu đồng/bác sĩ trong thời gian đi học. 

Cần chính sách đãi ngộ tốt hơn

Theo cam kết với UBND tỉnh, những bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia đề án nói trên phải phục vụ ngành từ 5 - 10 năm. Nếu họ nghỉ việc phải đền bù gấp 2 - 3 lần chi phí đào tạo của tỉnh. 

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho rằng, việc các bác sĩ được Nhà nước ưu tiên đào tạo mà lại nghỉ việc ngay sau khi học xong là điều không hay, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của đề án. Khi xin nghỉ, họ đưa ra rất nhiều lý do nhưng đa số muốn thay đổi môi trường làm việc và thu nhập tốt hơn. Họ cam kết với tỉnh sẽ về các cơ sở y tế tuyến huyện làm việc nhưng khi thấy có cơ hội ở BV tuyến tỉnh, Trung ương thì lại sẵn sàng đền bù để được bỏ việc. “Nhà nước đã tạo điều kiện cho những bác sĩ này được học ngành y. Họ vẫn được đi học sau đại học khi về công tác ở các đơn vị nhưng họ vẫn… quay lưng và dứt áo ra đi là điều đáng trách”, bác sĩ Trung nói. 

Khi nhận được đơn xin nghỉ việc của các bác sĩ này, các đơn vị đã gặp trao đổi, thuyết phục nhưng bác sĩ vẫn kiên quyết nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Tiến sĩ - bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, phân tích: “Cốt lõi của vấn đề vẫn là thu nhập. Khi làm việc tại BV công, họ được trả theo hệ số, chỉ 6 - 8 triệu đồng/tháng (bác sĩ có chứng chỉ hành nghề). Trong khi đó, các BV tư nhân sẵn sàng trả 20 - 30 triệu đồng/tháng”. 

Bác sĩ Anh Vũ chia sẻ thêm: “Khi liên hệ, một số bác sĩ, dược sĩ tự ý bỏ việc, gọi điện không nghe máy. Chúng tôi gửi thông báo, giấy mời, triệu tập thì họ không nhận, không đến làm việc hoặc có trường hợp chỉ thuê luật sư đến làm việc với bộ phận quản lý của sở. Các cơ quan liên quan (UBND, Sở Nội vụ, Sở Y tế…) phải mất nhiều thời gian xem xét giải quyết”. 

Theo Giám đốc Sở Y tế, những BV tuyến tỉnh không quá khó tuyển bác sĩ nhưng điều đáng lo ngại là các BV chuyên khoa, trung tâm y tế tuyến huyện. Do đó, ông đề xuất: “Chúng ta phải có sự thu hút hấp dẫn thì bác sĩ mới về các huyện yên tâm làm việc như ngoài hỗ trợ mức lương, cần mua đất xây nhà cho họ. Việc hỗ trợ này không được “cào bằng” mà phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng huyện”. 

Theo Sở Y tế Đồng Nai, năm 2008, tỉnh chỉ đạt 3,6 bác sĩ/vạn dân, ở mức thấp so với bình quân cả nước. Đến năm 2014, Đồng Nai đạt 6,7 bác sĩ/vạn dân cũng ở mức trung bình so với cả nước. Để “bù đắp” nguồn lực thiếu hụt, ngoài hỗ trợ từ 100 - 150 triệu đồng/bác sĩ từ nơi khác về Đồng Nai làm việc, UBND tỉnh còn thực hiện đề án “Đào tạo sinh viên y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng”. Từ khi thực hiện đề án (năm 2008 đến năm 2019), Đồng Nai đã có 353 thí sinh được cử và tham gia chương trình đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng. Đến cuối năm 2020, có 200 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế đã tốt nghiệp, góp phần bổ sung nhân lực y tế của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020. 

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI