Đồng Nai thiếu nhân sự hỗ trợ người tự điều trị COVID-19

07/12/2021 - 06:08

PNO - Hầu hết các địa phương của tỉnh Đồng Nai đều đang thiếu hụt nhân viên y tế để chăm sóc, hỗ trợ người mắc COVID-19 (F0) tự điều trị bệnh tại nhà. Tình hình này đáng lo ngại do Đồng Nai là địa phương công nghiệp lớn, có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, và là tỉnh đông dân thứ năm cả nước.


F0 “tự bơi”

Ba tuần nay, từ khi Trạm y tế lưu động thị trấn Long Thành,  huyện Long Thành đi vào hoạt động, y sĩ đa khoa Mai Thị Măng luôn bận rộn với công việc phát thuốc cho F0 tại nhà. Do địa bàn rộng, dân cư đông, có nhiều nhà trọ nên số lượng F0 điều trị tại nhà ngày càng tăng. Như khu vực Kim Sơn có hơn 7.000 hộ dân, 77 nhà trọ. Ngày 8/11, ca nhiễm đầu tiên đã xuất hiện tại một dãy phòng trọ ở khu vực này và dịch bắt đầu lây lan qua nhiều phòng trọ.

Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế chăm sóc F0 tại nhà
Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế chăm sóc F0 tại nhà

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan từ tỉnh An Giang đến tỉnh Đồng Nai làm công nhân từ nhiều năm nay. Nhà đông người nên họ thuê hai phòng trọ cùng dãy, một phòng để ngủ, nghỉ còn một phòng để nấu ăn. Giờ, lần lượt từng người trong gia đình chị đều mắc COVID-19. Cả nhà chị đều cách ly và tự điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên Trạm y tế lưu động thị trấn Long Thành.

Tại TP. Biên Hòa, do hầu hết người dân đã tiêm hai mũi vắc xin nên khi mắc COVID-19, đa số họ tự cách ly tại nhà. Do số ca F0 ở TP. Biên Hòa tăng nhanh trong khi nhân lực y tế có hạn, thậm chí bị nhiễm COVID-19 nên nhiều trạm y tế phường không thể xử lý các trường hợp mắc mới trong vòng hai giờ, nhất là các phường có đông công nhân như Trảng Dài, Long Bình. Có những bệnh nhân khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, báo với trạm y tế phường nhiều ngày vẫn không được hỗ trợ dù gia đình không đủ điều kiện để cách ly tại nhà. 

Chị N.M.L. (phường Trảng Dài) cho hay: “Ba ngày rồi, tôi liên hệ trạm y tế phường, UBND phường vì cả nhà đều F0 nhưng máy luôn bận hoặc không ai nghe máy. Dù cả nhà không có triệu chứng gì đáng lo nhưng tôi cũng cần có đủ thủ tục, giấy tờ để nộp cho công ty sau khi khỏi bệnh” - chị L. bức xúc.

Thiếu nhân lực, thù lao chưa tương xứng

Khi nhận được tin báo về số lượng F0, nhân viên trạm y tế lưu động sẽ nhận đủ số thuốc từ trung tâm y tế (TTYT) huyện và phân chia số lượng cụ thể theo từng mức độ khác nhau. Hiện TTYT  huyện Long Thành mới sử dụng gói A và B, chủ yếu là thuốc bổ, kháng đông, kháng viêm, còn gói C tạm thời chưa sử dụng do hết thuốc Molnupiravir.

Nhân viên y tế trong mùa dịch công việc phát sinh rất nhiều nhưng thu nhập lại không tương xứng
Nhân viên y tế trong mùa dịch công việc phát sinh rất nhiều nhưng thu nhập lại không tương xứng

Dược sĩ Nguyễn Trần Hoàng Chương (Trạm y tế thị trấn Long Thành) cho biết: “Số lượng F0 quá lớn, chúng tôi không thể phát thuốc đến tận nơi nên nhiều F0 phải nhờ người thân đến trạm khai báo dùm để lãnh thuốc”.

TTYT huyện Long Thành có 173 biên chế nhưng đã phân về tuyến huyện là 60 người, còn lại phân về hỗ trợ 14 trạm y tế nên khi thành lập thêm trạm y tế lưu động thì thiếu nhân sự. Theo quy định, trạm phải có năm người, trong đó có một bác sĩ. Bác sĩ Dương Minh Tân - Phó giám đốc TTYT huyện Long Thành - cho biết từ ngày 15/10 đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng đột biến nhưng nhân lực đang rất thiếu nên hầu như mọi người đều không được nghỉ ngơi. Thị trấn Long Thành đang có khoảng hơn 200 F0 điều trị tại nhà nhưng chỉ có bảy nhân viên y tế. 

“Nguồn lực ở các trạm y tế xã đang rất thiếu, lại vừa điều tra truy vết, vừa theo dõi F0 tại nhà. Hơn nữa, chúng tôi phải thành lập thêm năm trạm lưu động cho các khu công nghiệp để bóc tách F0 sớm trong các công ty, xí nghiệp nên nhân sự đã thiếu càng thêm thiếu. Chúng tôi không thể đủ lực đến hết nhà F0” - bác sĩ Dương Minh Tân nói.

Không chỉ huyện Long Thành, hầu hết các địa phương ở tỉnh Đồng Nai đều không đủ nhân lực để đến tận nhà F0 khám, điều trị. Ông Nguyễn Duy Tân - Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa - cho biết từ khi triển khai cách ly F0 tại nhà, cả 30 phường, xã của TP. Biên Hòa đều đã thành lập trạm y tế lưu động. Do khối lượng công việc rất lớn mà lực lượng y tế cơ sở mỏng nên UBND thành phố đã huy động thêm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của các phòng khám đa khoa tư nhân cùng tham gia nhưng vẫn không đủ để phân chia cho cả 30 trạm y tế lưu động.

Từ ngày 23/11, UBND TP. Biên Hòa đã thành lập tổng đài tư vấn, hướng dẫn xử lý người nhiễm COVID-19 và câu lạc bộ tư vấn COVID-19. Tổng đài hoạt động từ 7g30 đến 21g. Mỗi ngày, tổng đài nhận được khoảng 400 cuộc gọi.

Nhằm huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định các lực lượng y tế (không hưởng lương) và các lực lượng khác được huy động tham gia trạm y tế lưu động sẽ được chi trả phụ cấp chống dịch theo quy định của Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ, mức phụ cấp từ 150.000-300.000 đồng/người/ngày tùy theo nhiệm vụ cụ thể của từng người.

Theo ông Nguyễn Văn Nhận - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Long Bình (TP. Biên Hòa) - phòng khám đã cử nhiều y, bác sĩ tham gia trạm y tế lưu động để hỗ trợ F0 tại nhà: “Nhưng việc này chỉ có thể kéo dài 1-2 tháng vì chúng tôi không có kinh phí trả cho các y, bác sĩ đó để bù vào mức phụ cấp ít ỏi của Nhà nước. Hơn nữa, chúng tôi cũng gặp khó khăn do lượng người đến phòng khám giảm mạnh”.

Bác sĩ Hoàng Trọng Đại - Trưởng Trạm y tế phường Tân Phong, TP. Biên Hòa - cho hay từ ngày 18/10 đến nay, toàn phường có hơn 500 F0 cách ly tại nhà. Trong đó, 217 trường hợp đã hoàn thành cách ly, còn khoảng 300 trường hợp đang tiếp tục cách ly. Do khối lượng công việc nhiều nên sáu nhân viên y tế của trạm (gồm một bác sĩ, hai y sĩ, một dược sĩ, một điều dưỡng, một cán bộ dân số) phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, áp lực rất lớn. 

“Tôi có 37 năm công tác, mức thu nhập cả lương lẫn phụ cấp cũng chỉ được khoảng 8 triệu đồng; một điều dưỡng có ba năm làm việc tại trạm cũng chỉ có thu nhập 4,3 triệu đồng, bao gồm cả 40% tiền phụ cấp độc hại. Mức thu nhập này quá thấp so với công sức chúng tôi bỏ ra” - bác sĩ Hoàng Trọng Đại nói.

Theo bác sĩ Dương Minh Tân, nếu F0 đủ điều kiện, sẽ cho cách ly tại nhà và TTYT tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại di động, mạng xã hội nhằm giảm tải cho nhân viên y tế; nhân viên y tế chỉ đến tận nhà bệnh nhân đối với trường hợp bệnh nặng. 

Theo quy định mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai, F0 là người có kết quả xét nghiệm (test) nhanh hai lần cho kết quả dương tính hoặc xét nghiệm PCR một lần cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Người dân có thể tự test nhanh tại nhà nếu có yếu tố dịch tễ như trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca F0 xác định trước đó, có biểu hiện sốt, ho, khó thở; nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì thông báo với tổ trưởng, trưởng ấp, khu phố. Tổ trưởng, ấp, khu phố sau đó sẽ báo cáo với trạm y tế địa phương để đến nhà xét nghiệm lại, hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà nếu gia đình đủ điều kiện và đưa đi cách ly tập trung nếu gia đình không đủ điều kiện.


Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI