Vì sao Bác Hồ thuở nhỏ được gọi là Côn?

04/06/2022 - 11:06

PNO - Bác Hồ tên Nguyễn Sinh Cung, nhưng trong nhiều tác phẩm viết về Bác vẫn thường có thêm tên “Côn”. Nhà văn Thy Ngọc đã góp phần lý giải điều này.

Học sinh kể chuyện Bác Hồ là tác phẩm của nhà văn Thy Ngọc, vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022). Đây là câu chuyện viết cho độc giả thanh thiếu niên, vì thế nhà văn đã chọn các nhân vật ở trong độ tuổi này để diễn đạt về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, qua từng giai đoạn lịch sử.

Cuốn sách được phát hành nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Cuốn sách được phát hành nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Thông qua hình thức trò chuyện giữa các em nhỏ, cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác được kể gồm bảy phần. Trong đó bao gồm các nội dung: Thời niên thiếu của Bác Hồ, những năm học quan trọng và những ngày trăn trở của Người, hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước, giai đoạn Bác ở nước ngoài và về nước lãnh đạo cuộc kháng chiến, tên/bí danh/bút danh cùng những sáng tác thơ văn của Bác...

Trong phần 1 Thời niên thiếu của Bác Hồ, những người thân trong gia đình Bác ghi chép nhiều câu chuyện về tuổi thơ của Bác và quê nhà. Cũng trong phần này, nhà văn Thy Ngọc lý giải tên “Côn” của Bác do đâu mà có.

Câu chuyện được kể lại: “Có lần khách đến thăm nhà hỏi tên mấy cậu con trai của ông Sắc. Chúng ta đều biết ông Nguyễn Sinh Sắc là thân sinh hai cậu Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung - tức là hai anh em Bác Hồ hồi nhỏ. Trả lời người hỏi, ông Sắc vui vẻ nói: “Cu anh tên Khơm, cu em tên Côông”.

Thổ âm địa phương gọi “Khiêm” là “Khơm”, và “Cung” là “Côông”. Có thể từ thổ âm đó, nghe Cung là Côông, âm Côông gần với âm “Côn” làm cho ta quen dần với từ “Côn” chăng? Tên Bác Hồ thuở nhỏ là Nguyễn Sinh Cung thôi”.

Như vậy, có lẽ tên Côn mà nhiều nhà văn/tác giả đã dùng trong một số tác phẩm viết về Bác Hồ chính là từ cách gọi biến âm tên Cung, theo thổ âm địa phương. Nhà văn Thy Ngọc còn kể thêm một chi tiết thú vị: Đó là khi ông Sắc trả lời tên con cho người hỏi, rồi ông nói thêm: “Khơm Côông mà!”. Hiểu cách nói lái của người địa phương lúc đó, “Khơm Côông” tức là “không cơm!”. Vừa vui vừa thâm thúy. Vì gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung là một gia đình thanh bạch, ở một làng nghèo như làng Sen, mà nông thôn Nghệ An đã nghèo lại càng nghèo thêm từ khi mất nước.

Trong tiểu thuyết Cha và con, nhà văn Hồ Phương cũng đã dùng tên Côn khi viết về giai đoạn Bác còn nhỏ
Trong tiểu thuyết Cha và con, nhà văn Hồ Phương cũng đã dùng tên Côn khi viết về giai đoạn Bác còn nhỏ

Vì viết cho đối tượng bạn đọc thanh thiếu niên nên nhà văn đã cho tác phẩm của mình một kết cấu rất hệ thống. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ được kể theo tiến trình thời gian, từ tuổi thơ đến thời đi học, tuổi trẻ và hành trình ra đi tìm đường cứu nước... Bên cạnh những chi tiết cụ thể về quá trình hoạt động của Bác, cuốn sách Học sinh kể chuyện Bác Hồ còn có nhiều hình ảnh minh họa theo từng giai đoạn.

Bằng cách tiếp cận và kể chuyện gần gũi, nhà văn mang đến cho người đọc một câu chuyện trọn vẹn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Bên cạnh những dấu mốc nổi bật trong từng giai đoạn hoạt động của Người, sách còn kể với bạn đọc rất nhiều chi tiết cảm động về hình ảnh Bác trong đời thường. Song song đó là những cuộc vận động và phát triển của quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Học sinh kể chuyện Bác Hồ là cuốn sách viết cho thiếu nhi nhưng cũng là tác phẩm dành cho bạn đọc trưởng thành.

Hà Nội ngày 2/9/1945 qua lời kể: 

“Đồng bào ngoại thành từ năm cửa ô kéo về tấp nập. Các cô dân quân khăn vuông mỏ quạ, áo nâu, quần đen, nai nịt gọn gàng, đi trong tiếng hô. Đoàn phụ nữ nội thành, áo dài đủ màu, quần trắng tha thướt. Đội nữ du kích ở chiến khu về, khăn áo màu chàm, vai đeo súng, nom rất hùng dũng.

Các em thiếu nhi, quần xanh, áo trắng, tiến theo tiếng trống ếch nhịp nhàng. Các đội tự vệ, thanh niên đầu đội mũ ca lô, vai vác gươm, vai vác gậy, bước đi hiên ngang. Rồi đến đoàn các vị sư sãi mũ ni, áo cà sa màu vàng, màu nâu; đoàn các vị cha cố, bà xơ, toàn một màu đen hoặc trắng. Gần 50 vạn người vui mừng kéo tới quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử trọng đại.

(...)

Bác Hồ bước ra giữa tiếng hoan hô vang lừng cả quảng trường. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào và ra hiệu cho mọi người giữ trật tự rồi bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...”.

Mọi người ngắm nhìn Bác, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Bác gầy quá. Người mặc bộ quần áo kaki giản dị. Quen sống ở Hà Nội ai nấy cứ tưởng vị Chủ tịch nước sẽ phải trịnh trọng trong bộ âu phục sang trọng, thắt cà vạt, đi giày da bóng nhoáng.

Giọng Bác rất ấm, tiếng Bác khi thì đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp trong 80 năm cai trị nước ta; lúc lại xót xa với những khổ cực mà nhân dân ta phải chịu đựng”...

Trích tập sách Học sinh kể chuyện Bác Hồ

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI