Vì chúng tôi họ nhận gian khổ về mình

30/07/2021 - 06:47

PNO - Đại dịch COVID-19 không quá đáng sợ. Điều đáng sợ nhất chính là thái độ xa lánh, kỳ thị của người thân và xóm giềng xung quanh đối với người nhiễm.

Nhà tôi có tổng cộng sáu người chung sống trong ngôi nhà diện tích chỉ hơn 40m2. Sinh hoạt hằng ngày trước và trong khi có dịch chẳng khác nhau là bao. Cha vẫn chiều chiều chạy xe về ngồi lai rai vài ly rượu với chú. Mẹ, tôi và một vài chị em không ở chung nhà vẫn thường gặp nhau mỗi chiều để chuyện nhỏ chuyện to. Có khác chăng là từ tháng 2, tháng 3/2021, đám tiệc ở nhà hạn chế mời bạn bè, khách khứa tới dự để tránh bị phạt.

Tôi cũng như người thân trong gia đình vẫn phải chấp nhận tới nơi đông người với mong muốn kiếm thêm đồng lời về nuôi con cháu. Tất cả đều có chung suy nghĩ: “Sợ chết vì đói nhiều hơn sợ chết vì dịch”. 

Ai cũng nghĩ dịch COVID-19 là câu chuyện của nơi khác chứ khó có thể xảy ra với mình. Cho đến ngày 10/7, ngay sinh nhật mẹ, tôi bị sốt, mất khứu giác và xét nghiệm kết quả dương tính. Tôi hoảng loạn thực sự trước nỗi lo cái chết chực chờ. Hàng loạt câu hỏi đặt ra không có câu trả lời: “Vì sao mình bị? Mình đã lây cho những ai? Bệnh có hết không?...”.

Nhiều người nơi tôi sống bắt đầu đồn cả gia đình tôi đều dương tính. Những cuộc điện thoại gọi đến không phải thăm hỏi động viên, mà mục đích là để có thêm thông tin đi “tám” với nhau. Có người còn ác miệng thông báo cho mọi người trong khu tôi ở rằng tôi đã dương tính với COVID-19. Kèm theo đó là câu nói vô hồn: “Thấy ghê chưa?”.  

Ngày 11/7, tôi được đưa đi cách ly tập trung. Khi ấy, cơ thể tôi mệt mỏi rã rời, vì vừa tay xách nách mang, vừa phải ngồi chờ để được đưa lên nhận phòng. Sau đó là những bữa cơm chậm trễ, do số lượng người bị phát hiện dương tính quá đông, trong khi lực lượng hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung bệnh nhân COVID-19 số 7 (khối chung cư R1, Khu tái định cư 38,4ha P.An Khánh, TP.Thủ Đức) thì quá ít.

Tuy nhiên sau nhiều lần cáu gắt, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác nhận ra rằng, chúng tôi đang được giúp đỡ từng bữa cơm ngon, nước uống đầy đủ, từ rất nhiều người mà đó không hề là trách nhiệm của họ. Họ làm công việc này một cách tình nguyện, liên tục, thậm chí nhiều người trong số họ từ sáng tới trưa vẫn chưa được rảnh tay để ăn bữa cơm. Không một ai mở miệng phàn nàn, mà ngược lại, vẫn luôn ân cần giải thích về sự chậm trễ, kèm theo những lời động viên chân tình, khiến những bệnh nhân dần phải thay đổi cảm xúc tiêu cực của mình trước đó.

Chưa kể, trong những ngày cách ly, đêm đêm, hàng ngàn bệnh nhân chúng tôi được giải tỏa tâm lý khi nghe chương trình biểu diễn âm nhạc với những bài hát quen thuộc. Dù đêm nhạc trình diễn không âm thanh hoành tráng, ánh sáng chỉ là bóng đèn hắt ra từ các tòa nhà, trang phục các ca sĩ tình nguyện thật bình dị, nhưng qua ban công phòng cách ly, mọi người dường như lặng đi khi nghe tiếng hát ca sĩ Phương Thanh và Quốc Đại vang lên da diết “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”. 

Chúng tôi bắt đầu cảm thấy biết ơn nỗi vất vả, sự quan tâm động viên tinh thần của lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là các y, bác sĩ. Vì chúng tôi, mà bao người phải chấp nhận xa gia đình, vợ chồng, con cái để giành phần gian khổ về mình. Trong khi, bệnh nhân chúng tôi lại được chia sẻ những phần quà nhu yếu phẩm từ người thân của các bệnh nhân khác gửi đến. Thức ăn đầy đủ đến nỗi, tôi không nghĩ mình đang đi điều trị bệnh.

Nhờ sự tử tế và tấm lòng bao dung của mọi người, chúng tôi - những người bệnh đang trên đà phục hồi sức khỏe, đã có một tinh thần lạc quan hơn rất nhiều. Ngày 23/7, tôi và con gái được trở về nhà từ Bệnh viện Dã chiến số 7, sau khi kết quả xét nghiệm cả ba lần đều âm tính. 

Với trải nghiệm quá sức đặc biệt này, bản thân tôi thấy đại dịch COVID-19 thật ra không quá đáng sợ. Điều đáng sợ nhất chính là thái độ xa lánh, kỳ thị, trách móc của người thân và xóm giềng xung quanh đối với người nhiễm. Trong lúc hoang mang cùng cực, những lời động viên chia sẻ, thông cảm và tiếp tế cho nhau sẽ là liều thuốc tốt nhất, giúp người bệnh có tinh thần vượt qua thử thách của bệnh tật.

Xin cảm ơn tất cả những người ở tuyến đầu chống dịch. 

Phan Thị Tuyết Trinh 
(P.11, Q.Gò Vấp, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI