"Vàng rất quý nhưng độc lập tự do, chủ quyền quốc gia còn quý hơn!"

23/05/2014 - 21:34

PNO - PNO - Chiều ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình biển Đông, trong đó khẳng định VN chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trả lời đại diện báo đài, các hãng thông tấn trong và ngoài nước tại buổi họp báo có ông Lê Hải Bình - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế.


Ông Lê Hải Bình - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN phát biểu tại cuộc họp báo

Một số câu hỏi của PV báo, đài trong và ngoài nước tại buổi họp báo:

TRUNG QUỐC VIỆN DẪN SAI LỆNH CÔNG THƯ CỦA CỐ THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG 

Phía TQ vẫn nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công thư năm 1958 cho Thủ tướng Chu Ân Lai công nhận chủ quyền của TQ đối với Tây Sa và Nam Sa (tức Trường Sa và Hoàng Sa), điều này có đúng không? Công thư có phải là một tuyên bố có giá trị pháp lý không? Nếu không thì công thư này mang ý nghĩa gì?

Ông Trần Duy Hải: Công thư của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao. Công thư này hoàn toàn không đề cập chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa, chỉ ghi nhận Trung Quốc tuyên bố chủ quyển lãnh hải 12 hải lý, không nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư cũng phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Khi công thư này gửi cho TQ, Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của VN cộng hòa theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Nói một cách thông thường, bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn không có, nên công thư không có giá trị với việc công nhận chủ quyền của TQ với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của TQ.

Trong chuyến thăm và làm việc ở Philippines, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có đề cập đến việc sử dụng biện pháp pháp lý để xử lý vụ việc. Mới đây, Nhà trắng cũng tuyên bố ủng hộ VN trong việc sử dụng biện pháp này. VN có tranh thủ sự ủng hộ của thế giới hay không và đã chuẩn bị như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: VN với tư cách là thành viên của LHQ, có quyền sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ, Công ước Luật biển để giải quyết tranh chấp liên quan. Việc sử dụng biện pháp hòa bình bao gồm cả việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế. Việc sử dụng biện pháp pháp lý tốt hơn xung đột vũ trang. VN khẳng định, không loại trừ bất cứ biện pháp hòa bình nào để xử lý tranh chấp. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi biện pháp hòa bình để phục vụ yêu cầu của chính phủ.

Theo thông tin từ Bộ ngoại giao, đã có hơn 20 cuộc gặp mặt giữa TQ và VN nhưng TQ vẫn leo thang. Thủ tướng cũng khẳng định không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông. Có phải đây là thời điểm VN đã tới giới hạn sự chịu đựng? Có thể bình luận gì về 16 chữ vàng trong quan hệ Việt - Trung?

Ông Trần Duy Hải: Tôi xin khẳng định, chủ quyền là vấn đề không gì có thể đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do, chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng.

TQ ba lần nói khác nhau về vị trí giàn khoan HD-981? Ông/bà bình luận gì về việc này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Bình luận duy nhất chúng tôi có thể nói, đó là chúng tôi từng được nghe rất nhiều lần TQ giải thích khác nhau về yêu sách của họ. Chúng tôi luôn đề nghị TQ có giải thích rõ về cơ sở pháp lý về vùng biển của mình.

Ông Lê Hải Bình: Dù TQ nói khác nhau thế nào, VN khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981(Hải Dương 981) là nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vi phạm chủ quyền của VN theo công ước 1982 mà VN và TQ đều là thành viên. 

TRUNG QUỐC ĐƯA QUÂN ĐẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM LÀ THÔNG TIN KHÔNG CHÍNH XÁC 

Trong nhiều ngày qua, có nhiều thông tin cho rằng quân đội TQ đưa quân, xe tăng đến gần biên giới VN. VN có nhận được thông tin này và có giải pháp gì?

Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định, các hoạt động giao thương và giao lưu tại biên giới Việt - Trung vẫn diễn ra bình thường. Đó là thông tin không chính xác. Trong cuộc gặp hai thứ trưởng ngoại giao của VN và TQ vừa qua, hai bên đã thống nhất không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.

Có thông tin 4 người TQ thiệt mạng ở cuộc gây rối ở miền Trung, miền Nam, xin xác định thông tin này?

Ông Lê Hải Bình: Các cơ quan VN khẳng định tại Hà Tĩnh có hai người quốc tịch TQ tử vong. Ở Bình Dương, đối tượng xấu kích động gây rối khiến một người quốc tịch TQ tử vong.

Nhiều thông tin cũng cho hay TQ đưa công dân về nước và sử dụng thông tin này để bóp méo sự thật về tình hình an ninh ở VN?

Ông Lê Hải Bình: Những vụ việc xảy tại một số địa phương vừa qua rất đáng tiếc. Đến nay, với các biện pháp của chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, ổn định. Hầu hết DN đã khôi phục. Chính phủ VN đảm bảo không để tái diễn sự cố đáng tiếc. Theo dõi báo chí, tuyệt đại đa số các DN đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ VN đã thực hiện trong thời gian qua. Theo chúng tôi được biết, phía TQ không rút công nhân và doanh nghiệp nào về nước.

TQ nhiều lần cáo buộc phía VN chủ động gây hấn, sử dụng vũ lực ở khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, đâu là sự thực?

Ông Ngô Ngọc Thu: Sau khi đưa giàn khoan Haiyang Shiyou-981(Hải Dương 981) hạ đặt ở vùng biển VN, TQ đã đưa tàu chiến, tàu chấp pháp... đến khu vực này. Về tàu chiến, TQ đã đưa 5 loại, gồm 9 lượt chiếc, chúng tôi đã ghi được số hiệu. Đó là tàu vận tải đổ bộ lượng giãn nước khoảng 17 ngàn tấn, có 8 ống phóng tên lửa. Thứ hai là tàu hộ vệ tên lửa, tiếp theo là tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu khu trục tên lửa.
Trong khi đó, VN đưa ra số lượng hạn chế tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư. Hoàn toàn không có tàu chiến VN ở khu vực. Phóng viên VN và nước ngoài có mặt ở khu vực có thể khẳng định thông tin phía TQ đưa ra.

Đến nay giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương 981) của TQ đã hạ đặt được ba tuần. Phía VN đã có bằng chứng nào về việc TQ đã thăm dò hoặc sắp hạ khoan thăm dò chưa?

Ông Đỗ Văn Hậu: Câu hỏi này rất khó trả lời. Bởi theo quy trình khoan bình thường, thời gian đã đủ để tiến hành khoan. Nhưng VN không tiếp cận được vào phía giàn khoan TQ nên chúng tôi không có thông tin chính thức.

Gần đây, hãng thông tấn Ria Novosti (Nga) có bài bài viết đưa ra nhiều thông tin xung quanh quan hệ Việt - Trung. Có thể bình luận gì về bài báo này?

Ông Lê Hải Bình: Bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức sai trái, xuyên tạc lịch sử. Tôi lấy làm tiếc một tờ báo uy tín lại đăng tải như vậy. Chúng tôi đã làm việc với ĐSQ Nga, đây chỉ là ý kiến cá nhân qua bài báo này.

H.ANH (ghi)

Clip của VTV về Họp báo quốc tế liên quan tình hình Biển Đông

Tại buổi họp báo, đại diện một số cơ quan chức năng VN đã khẳng định chủ quyền của VN với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cùng những bằng chứng lịch sử được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Bị vong lục 1988 của TQ.

Trong buổi họp báo quốc tế ngày 16/5, TQ cho rằng, VN đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có 7 mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan tại các vùng biển có tranh chấp. Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định, mọi hoạt động dầu khí của VN đều phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển năm 1982. Nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với VN tại các lô thuộc thềm lục địa VN. Quan điểm của TQ thực chất là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Ý đồ của TQ là nhằm thực hiện hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI