Vận động viên nhí Trung Quốc phải đổ máu và nước mắt cho những kỳ vọng của bố mẹ

24/07/2020 - 07:02

PNO - Nhiều vận động viên nhỏ tuổi cam chịu các lạm dụng thể chất hà khắc từ huấn luyện viên.

Khát vọng đổi đời và mang lại niềm tự hào cho gia đình khiến nhiều vận động viên nhỏ tuổi cam chịu các lạm dụng thể chất hà khắc từ huấn luyện viên.

Lạm dụng thể chất khắc nghiệt

Các chuyên gia từng đặt ra nhiều nghi ngờ về việc lạm dụng thể chất trong ngành thể thao Trung Quốc, nhưng phải đến khi vận động viên trượt băng nghệ thuật người Singapore - Jessica Shuran Yu, sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại Trung Quốc - lên tiếng thì toàn bộ góc khuất đằng sau công tác huấn luyện mới được phơi bày.

Nhiều vận động viên nhí bật khóc trước giáo trình huấn luyện gian khổ
Nhiều vận động viên nhí bật khóc trước giáo trình huấn luyện gian khổ

Jessica Shuran Yu khẳng định, suốt khoảng thời gian thiếu niên, không ít lần cô bị huấn luyện viên đánh đập. “Tôi từng bị đá mạnh vào cẳng chân bằng mũi giày trượt đến mức chân tôi chảy máu và để lại một vết sẹo vĩnh viễn. Có những ngày, tôi bị đánh hơn 10 lần khiến da sưng tấy lên. Các vận động viên khác cũng thường xuyên bị chỉ trích là lười biếng, ăn mặc ngu ngốc, chậm chạp…” - Jessica nói.

Trước đó, quá trình đào tạo khắc nghiệt dành cho các vận động viên nhí tại đây cũng nhiều lần bị phanh phui. Susan Brownell - một nhà nhân chủng học đến từ Đại học Missouri-St - không giấu nỗi sự ngạc nhiên khi lần đầu đến thăm một trường thể thao nghiệp dư ở Thượng Hải, nơi đào tạo các vận động viên thể dục dụng cụ: “Những đứa trẻ nhỏ xíu, thậm chí còn đang mặc tã phải bẻ cong cơ thể để thực hiện các bài tập linh hoạt”.

Với tham vọng đứng đầu Thế vận hội Olympic, Bắc Kinh không ngừng đầu tư tiền bạc cho công tác huấn luyện các vận động viên nhí, bên cạnh nâng cao cơ sở vật chất và kỹ thuật. Theo Forbes, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một ngành công nghiệp thể thao trị giá 813 tỷ USD vào năm 2025. Để đổi lấy vinh quang, không ít nước mắt và máu của các vận động viên đã đổ. 

Danh vọng và mơ ước đổi đời

Dù bị lạm dụng nhưng các vận động viên khó dám lên tiếng bởi nếu phản ứng, họ có thể đánh mất vị trí và hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, còn một lý do trọng yếu khác khiến họ im lặng là vì thể thao được xem như tấm vé thoát nghèo cho các vận động viên và gia đình họ.

“Với sự tài trợ lớn từ chính phủ, những đứa trẻ 6 tuổi bộc lộ năng khiếu sớm trong các môn thể thao như taekwondo, bóng bàn, thể dục dụng cụ và cầu lông sẽ được bố mẹ đưa đi đào tạo trong nhiều năm với hy vọng mang lại thu nhập và danh dự cho gia đình” - Susan Brownell cho biết.

Nhưng, khát vọng này chỉ tồn tại trong các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các ông bố, bà mẹ có kinh tế vững chắc không có xu hướng khuyến khích con cái theo thể thao, do lo ngại các trường nội trú ngành này có chất lượng giáo dục không tốt.

Thực chất, với mức độ cạnh tranh và đào thải khắc nghiệt, chỉ có số ít vận động viên nhí trở thành tuyển thủ quốc gia, còn phần đông phải từ bỏ hoặc chuyển sang công việc giảng dạy. Dẫu vậy, công tác tìm kiếm và huấn luyện vẫn được tiếp tục.

Lo sợ nhiều bạn trẻ phải nếm trải nỗi đau khổ như mình trong tương lai, Jessica Shuran Yu đã kêu gọi Ủy ban Olympic quốc tế (ICO) làm việc nhiều hơn để bảo vệ các cô gái trẻ - đối tượng dễ chịu tổn thương trong hệ thống huấn luyện thể thao Trung Quốc. 

Chung Thu Hương (theo SCMP và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI