Ưu tiên thuốc Molnupiravir cho nhóm nguy cơ

08/12/2021 - 11:55

PNO - TPHCM vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều Molnupiravir vào ngày 7/12 và Sở Y tế đã phân bổ ngay về cho các địa phương. “Số này cũng chưa đủ nên chúng tôi kêu gọi ưu tiên cho nhóm nguy cơ”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.

Sáng nay, 8/12, tại ngày làm việc thứ hai, kỳ họp lần thứ tư, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm về thuốc điều trị COVID-19. “Khi nào thuốc điều trị COVID-19 được bán rộng rãi, tạo chủ động cho bác sĩ, người dân”, đại biểu Đặng Quốc Toàn chất vấn.

Đại biểu Đặng Quốc Toàn chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu Đặng Quốc Toàn chất vấn tại kỳ họp

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay, ở giai đoạn đầu, việc F0 điều trị tại nhà nhưng chưa có thuốc nên ngành y tế TP rất bối rối, số ca ở nhà trở nặng rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết người dân được tiêm vắc xin, thuốc điều trị cũng đã có, đặc biệt là thuốc kháng virus Molnupiravir đã chứng minh hiệu quả sau thời gian thử nghiệm.

Theo ông Tăng Chí Thượng, gần đây, thị trường còn có thêm loại thuốc điều trị COVID-19 của Mỹ do Pfizer sản xuất, hiệu quả cũng đã được chứng minh.

Đặc biệt, có 2 công ty nắm bản quyền đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam và Bộ Y tế thời gian tới xem xét cấp phép sản xuất trong nước.

Ông Tăng Chí Thượng nêu: “Hy vọng không lâu nữa, thuốc điều trị phong phú và không khan hiếm như vừa qua”, đồng thời khẳng định, bản thân ông mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép bán thuốc điều trị COVID-19 đại trà. Khi đó, người dân có thể đến hiệu thuốc mua và tự uống như thuốc cảm cúm bình thường.

Đối với thuốc Molnupiravir, ông Tăng Chí Thượng cho hay TPHCM vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều vào ngày 7/12, và Sở Y tế đã phân bổ ngay về cho các địa phương. Ông nói: “Số này cũng chưa đủ nên chúng tôi kêu gọi ưu tiên cho nhóm nguy cơ”.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin thêm, hiện có tình trạng người dân tự phát hiện nhiễm bệnh qua xét nghiệm nhanh nhưng không khai báo do lo ngại phiền phức. Số F0 này vẫn lưu thông, đi làm gây nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh. Về giải pháp cho tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, công tác truyền thông phải được ưu tiên để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm mỗi công dân trong phòng chống dịch.

Tiếp đến, là tăng cường quy chế phối hợp trong quản lý F0 trên địa bàn. Cụ thể, ngày 25/11, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp, quản lý, tổ chức, chăm sóc F0 tại nhà và cơ sở thu dung điều trị. Quy chế này nêu rõ công việc, trách nhiệm của từng bộ phận.

Thứ 3 là tăng cường kiểm tra, xử phạt bởi chỉ trông vào ý thức là rất khó. Ngành y tế sẽ tham mưu và triển khai quy định về xử phạt theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. F0 đã biết bệnh nhưng không khai báo, gây ảnh hưởng tới người khác sẽ bị xử lý.

Tuyết Dân - Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI