Ước mơ đổi đời của người dân Ấn Độ tan vỡ vì đại dịch

20/08/2020 - 06:00

PNO - Kể từ khi COVID-19 đe dọa toàn cầu, nhiều người Ấn Độ phải sống trong cảnh khổ sở vì thất nghiệp.

Trước đại dịch, nền kinh tế Ấn Độ đang có chuyển biến tích cực với những đơn hàng xuất khẩu từ khắp thế giới, nhiều người cũng từ đấy mà đổi đời. Nhưng mọi thứ đã biến mất kể từ khi COVID-19 đe dọa toàn cầu.

Bước ngoặt cuộc sống

Cho đến cuối tháng Ba, Ashish Kumar vẫn đang tham gia sản xuất hộp nhựa cho hãng Ferrero Rocher. Với tấm bằng chuyên viên công nghệ khuôn nhựa, chàng trai 20 tuổi đang vững bước trên con đường nghề nghiệp mà mình đã chọn. Nhà máy tuyển dụng anh do Dream Plast India - một công ty con của nhà sản xuất đồ nhựa từ Ý Gruppo Sunino SpA - điều hành. Người lao động được phục vụ một bữa ăn hằng ngày, cấp quản lý thân thiện và tiền lương luôn đến đúng hạn. Kumar thậm chí còn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh của riêng mình để kiếm thêm thu nhập.

Ashish Kumar - một chàng trai trẻ thuộc tầng lớp trí thức - phải gác lại ước mơ của mình để về quê làm nông  trong đại dịch - Ảnh: Reuters
Ashish Kumar - một chàng trai trẻ thuộc tầng lớp trí thức - phải gác lại ước mơ của mình để về quê làm nông trong đại dịch - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến những kế hoạch như của Kumar trở nên bất khả thi. Làm việc trong nhà máy ở Baramati thuộc bang Maharashtra, Kumar kiếm được 13.000 rupee (173 USD) hằng tháng, cao gấp đôi mức thu nhập của cha anh từ công việc ở chợ ngũ cốc gần nhà tại Uttar Pradesh, một bang nông nghiệp rộng lớn. 

Bình thường, chàng trai trẻ gửi về nhà khoảng 9.000 rupee mỗi tháng, phần lớn trong số đó giúp tài trợ cho việc học trường luật của cậu em trai. Từng là người chu cấp cho gia đình, giờ lại trở thành gánh nặng tài chính, Ashish Kumar là một trong hàng triệu người có trình độ nhưng thất nghiệp. 

Chọn mạo hiểm hay thắt lưng buộc bụng?

Khi đại dịch quét qua Ấn Độ, một cuộc khảo sát với khoảng 5.000 công nhân vào tháng Tư và tháng Năm cho thấy, 66% trong số đó bị mất việc làm và 77% hộ gia đình đang tiêu thụ ít thực phẩm hơn trước. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi công bố gói hỗ trợ 20.000 tỷ rupee và hứa cung cấp gạo, lúa mì, thức ăn chăn nuôi miễn phí cho hàng triệu người, kèm theo một chương trình cung cấp việc làm ở các vùng nông thôn. Thế nhưng, ngay cả đối với những người có việc làm, các tổ chức công đoàn và chuyên gia lao động cho biết, điều kiện lao động đang xấu đi, đặc biệt là đối với người di cư.
Vào tháng Năm, chính quyền các bang của Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về sức khỏe và an toàn cho các nhà máy khi phần lớn mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa, trong đó bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, sàng lọc thân nhiệt, giãn cách xã hội và thường xuyên khử khuẩn. Dù vậy, các nhà lãnh đạo công đoàn cáo buộc nhiều công ty đã không tuân theo tất cả các giao thức và cắt giảm chi phí.

Vào tháng Ba, Dream Plast India tạm thời đóng cửa nhà máy của mình ở Baramati, lúc ấy Kumar có đủ tiền mặt để sống tạm ở thị trấn gần nơi làm việc. Nhà máy của Kumar không đưa ra thông báo nào về các biện pháp phòng dịch dù mở cửa trở lại vào đầu tháng Năm. Giám đốc điều hành của Dream Plast India - Nitin Gupta - chỉ cho biết trong một email rằng “công ty luôn đề phòng tối đa theo yêu cầu của luật pháp”. Mặc dù vậy, Kumar và đồng nghiệp của anh nói rằng họ không cảm thấy an toàn nếu quay lại làm việc. Đến đầu tháng Sáu, khi tiền dành dụm của Kumar không còn đủ để mua thức ăn, cha mẹ anh ngày càng lo lắng và quyết định gửi phần tiền tiết kiệm còn lại cho con trai làm lộ phí về nhà.

Đầu tháng Sáu, Kumar thực hiện chuyến đi 48 giờ về nhà bằng tàu hỏa, xe buýt và taxi. Sau đó anh bị cách ly 14 ngày và chính thức xin nghỉ việc vào giữa tháng Bảy. Cha mẹ của Kumar lo sợ về việc cậu con trai cả lại rời nhà một lần nữa, ngay cả khi họ nhận ra rằng nếu không có thu nhập của Kumar, em trai của anh sẽ không thể học xong trường luật. Riêng Kumar chưa sẵn sàng từ bỏ ước mơ về nhà máy sản xuất nhựa của mình: “Tôi sẽ làm được. Bất kể phải đánh đổi điều gì, tôi chắc chắn sẽ thực hiện ước mơ của mình”. 

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI