Uất nghẹn vì con rể hỗn hào

01/03/2020 - 11:41

PNO - Con rể tôi không hiểu chuyện, cho là tôi lợi dụng gia đình nó hay sao đó. Hôm rồi tôi nghe nó chửi vợ: "Mẹ con cô ở nhà ăn không, bắt thằng này nuôi cả nhà cô hả."

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi dang dở hôn nhân từ sớm, một mình nuôi con gái gần hai chục năm. Tôi tự hào vì con gái ngoan, học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Suốt quãng đời làm lụng để nuôi con, tôi nhận ra có việc mình chăm lo được, có việc nằm ngoài khả năng. Chuyện hôn nhân của con chẳng hạn, dù mình biết trước hậu quả nhưng không làm sao giúp con được.

Khi con dẫn bạn trai về giới thiệu, tôi đã hơi lo. Cậu đó có điều kiện nhưng không phải là người biết lo, không có bản lĩnh, có vẻ như trước nay chỉ sống dựa vào người khác. Nhưng rồi sau đó tình cảm của hai đứa ngày càng gắn bó, rồi quyết định hỏi cưới. Gia đình con rể tôi buôn bán, cũng có tài sản nên hai đứa được cha mẹ chồng cho ở riêng. 

Nay thì những mối lo của tôi thành sự thật. Từ hồi con gái tôi mang bầu rồi sinh con, chồng nó không hề biết quan tâm, vẫn ham bạn bè chơi bời, nghe nói còn có quan hệ bên ngoài. Con gái tôi đòi ly hôn. Tôi nghĩ mình một đời nuôi con, từ trẻ đã không biết đến hạnh phúc, không muốn con mình cũng gặp cái khổ như mình. Tôi theo con vô thành phố, phụ việc nhà cho con đỡ vất vả. Tôi lựa lời mỗi ngày nói chuyện, khuyên nhủ con gái. 

Con rể tôi không hiểu chuyện, cho là tôi lợi dụng gia đình nó hay sao đó, nói năng rất khó nghe. Tôi ráng bỏ qua nhưng hôm rồi tôi nghe nó chửi vợ: "Từ ngày bà già vô đây, cô lên mặt với tôi hết biết. Con gái lấy chồng mẹ đi theo là sao? Mẹ con cô ở nhà ăn không, bắt thằng này nuôi cả nhà cô hả?". Tôi nghe mà uất nghẹn, muốn bỏ về ngay lập tức. Thằng rể không biết điều, bao công sức mình đổ sông đổ biển, tôi biết làm sao đây?

Ánh Nguyệt (TP.HCM)

Chị Ánh Nguyệt thân mến, 

Bây giờ nếu chị bỏ về, chuyện đổ bể ở gia đình con gái sẽ được mô tả là có công chị góp vô nữa đó. Vì vậy, đã theo con thì mình theo cho tới nơi tới chốn luôn. Biết là sẽ phải cắn răng chịu đựng, biết là những lời nói của con rể sẽ xuyên vào tim gan óc não mình, đôi khi còn xúc phạm nặng nề nữa, nhưng đã chấp nhận, vì tình thương con và mong muốn tốt đẹp cho gia đình con, mình cùng tìm những giải pháp theo hướng không buông bỏ, giúp con bằng tất cả khả năng của mình, chị nhé!

Chị nói chuyện với con gái nhiều, bây giờ chị nên nói chuyện thêm với con rể nữa. Chị giữ vị trí của mình, là một người mẹ, là một phụ nữ từng trải, gọi con rể ra nói chuyện đàng hoàng. Chị nói cho con biết mong muốn của chị, những việc chị đang làm để giúp đỡ vợ con nó, cũng là giúp gìn giữ gia đình nó. Chị không cần chỉ trích, cũng không cần tỏ ra mình đã nghe hết những lời cậu ta nói về mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ cần nói cho cậu ta hiểu, việc chị theo con vào đây, việc chị có mặt trong gia đình con, không phải là để bắt con nuôi, bao nhiêu năm qua chị là người tự lập. Con rể nếu hiểu sẽ phải xin lỗi và điều chỉnh lại cách xử sự cho đúng mực nhưng cũng có thể phải nói nhiều lần con rể mới hiểu cũng không sao. Chị nên bắt đầu, nên kiên nhẫn. 

Chị đừng tạo ra cảm giác mình có mặt ở đây đời đời kiếp kiếp. Chị nên nói rõ thời gian chị vào đây giúp gia đình con. Ví dụ, đến khi cháu bé đi nhà trẻ, chị sẽ trở về nhà mình. Nói rõ ràng, để con gái biết mẹ không phải là người làm vô điều kiện, con rể biết bà ngoại cũng có đời sống độc lập. Con gái đã có gia đình, chuyện của con, con phải thu xếp, mẹ có thể phụ một thời gian nhưng không phải là mãi mãi.

Một điều nữa, là chị đừng cố “vo cho tròn” mọi chuyện. Nếu thực sự quyết định hôn nhân của con là một sai lầm, hãy cho con được quyền sửa chữa sai lầm đó. Chị không phải là người sửa lỗi cho con nữa rồi. Giúp đỡ nhưng phải tôn trọng quyết định của con. Chị đã nuôi dạy một cô con gái mạnh mẽ mà, hãy để cô ấy được hạnh phúc theo cách cô ấy chọn lựa, phải không chị? 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Tường Giang (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Kè kè bên con không phải là giải pháp hay

Tôi từng là cô gái như con chị và mẹ tôi từng là người phụ nữ như chị. Chúng ta đang sống như một kiểu gia đình điển hình Việt Nam. Theo tôi, trong hoàn cảnh này, chị đừng tiếp tục ở nhà con rể nữa. Như ngày xưa tôi nói mẹ tôi đừng ở đấy nữa. Tôi thấy mình bất hiếu khi để mẹ phải nghe những lời thế này. Nên dù một mình vất vả tôi cũng quyết không nhờ cậy mẹ.

Tôi nói chuyện với chồng và đề nghị anh thuê người giúp, nếu không tôi sẽ kiệt sức. Tôi nói với anh rằng mẹ tôi không phải người giúp việc. Nếu anh muốn mẹ tôi ở đây, anh phải trả tiền thuê mẹ, còn không, phải tìm người phụ giúp tôi. Kè kè bên con không phải là giải pháp hay. Tôi nghĩ vậy. Các bà mẹ xung quanh chúng ta dường như đã sai khi nghĩ như thế. Chị đã làm tròn bổn phận một người mẹ, nay là lúc chị có thể sống đời mình cho thật vui. Với những đứa con đã trưởng thành, hãy để chúng tự lo. 

Hòa Nga (Chợ Mới, tỉnh An Giang): Hãy về để con rể học cách chịu trách nhiệm

Tôi cũng có hai con gái và tôi chưa bao giờ phải đến nhà riêng của vợ chồng con để nuôi con, chăm cháu. Tôi nghĩ nuôi con lớn cho ăn học đàng hoàng là tôi đã làm tròn trách nhiệm với con rồi. Mình không ở chung với con mình đời đời kiếp kiếp được đâu.

Đành rằng mình thương con nhưng cũng phải để con trưởng thành và chịu trách nhiệm với con của nó. Đến nhà con đỡ đần con thì tốt vì đó là con, là cháu mình. Nhưng tôi không thích cảnh chung đụng nhau, ra vô bất tiện. Vợ chồng con có cãi vã cũng khiến mình phiền lòng. Và lỡ con rể thiếu ý tứ như con rể chị, có phải mình buồn lòng không?

Tôi khuyên chị nên về nhà. Không phải mình giận lẫy gì đâu mà là về để con rể chịu trách nhiệm với gia đình nhỏ của nó. Biết đâu con rể đang ỷ lại vì có mình. Mà nếu con rể quá tệ, mai mốt mình sẽ quay lại dắt con mình về luôn. Sống chi với người lêu lổng lông bông.

 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Lan 03-03-2020 16:35:42

    Tôi thấy lời khuyên của chị Hạnh Dung trong trường hợp này không ổn
    Tôi đồng tình với với chị Tường Giang và Hòa Nga.
    Rât nhiều bà mẹ (cả mẹ chồng và mẹ vợ) thích xen vào chuyện gia đình con cái.

  • Hanh luong 02-03-2020 17:32:35

    Tôi nghĩ lời khuyên trong bức thư của chị Hạnh Dung thật tuyệt. Đó mới đúng là cách xử sự tri thức tâm phục khẩu phục mà chúng ta nên học tập. Mẹ vào ở cùng con gái trong một thời gian nhất định để giúp con gái hiểu biết hơn vv.....từ đó con gái tự có trách nhiệm về quyết định cuộc đời mình. Lá thư này dạy cho ta sự hiểu biết toàn diện để xử lý tình huống, nhìn từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên ,từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Còn con rể có hiểu được điều mà mẹ hi sinh cho hay không thì phụ thuộc vào trí tuệ của người con rể đó . Cảm ơn với lời khuyên bổ ích của chị Hạnh Dung .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI