Tuổi 99 vẫn miệt mài viết sách

06/05/2020 - 12:49

PNO - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, bộ sách nghiên cứu toàn diện về lịch sử, văn hóa Sài Gòn - TP.HCM 322 năm của ông vừa được hoàn thành, dự kiến xuất bản cuối năm nay. Bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ sáu tập Loạn 12 sứ quân chuẩn bị tái bản. Hiện ông đang tiếp tục cập nhật thông tin bổ sung cho cuốn Đường phố nội thành TP.HCM.

"Chỉ có văn hóa mới giúp ta tồn tại với thời gian"

Trong các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, ngoài sự dày công nghiên cứu tư liệu, còn có góc nhìn công tâm của ông về những giai đoạn, những nhân vật lịch sử. Để hoàn thành bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ 1859-1954 (gồm 2 cuốn, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) - giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần 1 - 2018, được giới nghiên cứu đánh giá cao và đông đảo bạn đọc yêu thích, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã dành 10 năm ròng rã đến Trung tâm lưu trữ quốc gia II tìm đọc tài liệu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

“Có rất nhiều sách viết về giai đoạn ấy, nhưng lại chưa có tác phẩm nào nghiên cứu công bằng về chế độ thực dân Pháp ở Nam kỳ. Những gì thực dân Pháp làm có nhiều cái đáng lên án, nhưng cũng có những việc rất có lợi cho dân chúng. Tôi nghĩ nên có một cuốn sách nghiên cứu đầy đủ vấn đề này. Tôi dành thời gian rất dài để thu thập, đọc và dịch tài liệu tiếng Pháp về mọi ngành, mọi hoạt động thời ấy, từ các sắc lệnh, nghị định, quyết định… Đó là những văn bản cho ta những nhìn nhận chân thực nhất” - nhà nghiên cứu chia sẻ. 

Trước đây, khi viết cuốn Đường phố nội thành TP.HCM, ông dành hẳn một năm đạp xe vòng quanh thành phố để ghi chép, liên lạc đến các ban ngành ghi nhận thông tin đầy đủ, chính xác về các nhân vật được chọn đặt tên đường sau năm 1975. Trở thành ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP.HCM (giai đoạn 1995-2005), chính ông là người đề xuất đặt hai tên đường Trường Sa và Hoàng Sa trong lòng thành phố. 

Những nhận định của nhà nghiên cứu thường súc tích nhưng luôn đầy đặn ý nghĩa, đánh giá và phản biện đều thuyết phục. Góc nhìn “công - tội” rõ ràng về thực dân Pháp lẫn triều Nguyễn, phân tích thấu đáo về những nhân vật lịch sử từ vua Gia Long đến cụ Phan Thanh Giản… “Lịch sử cần phải được minh bạch. Đó cũng là lý do tôi nghiên cứu sâu về vùng đất Nam Bộ” - ông nói.

Nhà nghiên cứu cũng đặc biệt nhấn mạnh vào “lòng nhân ái” như một tính cách của con người vùng đất này. Ông có trên 60 tác phẩm đã xuất bản trước và sau năm 1975. Một số công trình tiêu biểu đã xuất bản về vùng đất Nam Bộ: Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ

Tinh thần "trẻ'' của một người già 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tự lên lầu ba của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - nơi ông bắt đầu buổi giao lưu trực tuyến (trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020). Rất nhiều người đã ngạc nhiên lẫn nể phục sự dẻo dai của một “ông già trăm tuổi”. Ở tuổi này, ông đọc sách, làm việc với máy vi tính vẫn không cần phải đeo kính.

“Mỗi ngày tôi dành 45 phút sáng tập thể dục và 45 phút chiều để leo… cầu thang. Quan trọng nhất là tinh thần, các cụ già hay khó tính, nhưng tôi lại thấy mình không nên chấp nhặt gì để giữ cho lòng luôn thanh tịnh. Tinh thần vui khỏe thì sức khỏe mới tốt được” - ông nói. 

Tinh thần ấy đã theo ông từ thuở mới bắt đầu cầm bút (năm 1944). Giai đoạn sau năm 1975, ông kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp, vẫn có thể viết ngay trên hộp đồ nghề những khi vắng khách. Ông khoe: “Tôi ngồi lề đường sửa xe, nhưng những lúc rảnh rỗi thì viết truyện để giải trí. Tôi viết Loạn 12 sứ quân, khách đến thì đưa bản thảo cho khách đọc trong khi chờ sửa xe. Nhiều khách khen truyện hay, động viên viết tiếp. Bộ truyện hoàn thành, được nhà xuất bản Đồng Nai in thành sáu tập. Nay nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ chuẩn bị tái bản…”. 

Tác phẩm mang tên Nguyễn Đình Tư đã được các nhà xuất bản Tân Dân, Văn học, Nam Hồng, Tiền Giang, Sông Lam, Sống Mới… in trước năm 1975, sau này là các nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Chính trị Quốc gia - Sự thật, Đồng Nai, Đại học Quốc gia… Số lượng tựa sách cứ đầy lên, trở thành một “kho tàng” quý giá cho thế hệ sau.

Ông nói: “Chỉ có văn hóa mới giúp ta tồn tại với thời gian. Hồi nhỏ được học thơ của các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Đoàn Thị Điểm… Rồi đọc nhiều sách lịch sử, thấy rất nể phục tinh thần yêu nước, tài năng của các bậc tiền nhân. Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi, thế hệ chúng tôi được học, đọc tác phẩm, biết những chiến công của người xưa, nhưng không biết chi tiết về một thời đại đã qua như thế nào. Từ đó tôi đã ôm mộng dấn thân vào nghiên cứu văn hóa lịch sử để lưu dấu chút gì đó cho hậu thế”.
Và ông đã cống hiến đến trăm năm. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI