Từ vật liệu phế thải đến nữ trang cao cấp

11/05/2024 - 07:32

PNO - Ứng dụng thành công những chất liệu độc đáo như đồ điện cũ, gỗ vụn, da thuộc tái chế…, hàng loạt thương hiệu trẻ giàu tiềm năng đang tạo nên một khái niệm linh hoạt và thú vị hơn hẳn về trang sức bền vững.

Mẫu trang sức cao cấp Constellation của Oushaba khai thác chất liệu đá quý bền vững  và bảng mạch điện tử của điện thoại cũ -  Nguồn ảnh: Oushaba
Mẫu trang sức cao cấp Constellation của Oushaba khai thác chất liệu đá quý bền vững và bảng mạch điện tử của điện thoại cũ - Nguồn ảnh: Oushaba

Chiếc vòng cổ cỡ trung bằng vàng được thiết kế với điểm nhấn trung tâm là một mặt dây chuyền hình dạng bất quy tắc. Thoạt nhìn, món đồ trang sức này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến di tích thời Ai Cập hay Lưỡng Hà cổ đại. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ hơn, bạn có thể nhận ra hoa văn chạm khắc nơi bề mặt đá xanh bắt mắt chính là các chi tiết tinh xảo trên một bảng mạch điện tử cũ. Tác phẩm lý thú mang tên Constellation (Chòm sao), do Oushaba sản xuất. Công ty đặt trụ sở tại London (Anh), là một thương hiệu có hướng đi khác biệt trong trào lưu sáng tạo nữ trang từ chất liệu phế thải.

Cảm hứng từnhững thứ bị vứt bỏ

Nữ doanh nhân Gillian Carr, từng làm việc cho nhà đấu giá Christie's, nảy ý tưởng sáng lập Oushaba giữa chuỗi ngày nước Anh bị phong tỏa vì COVID-19. “Những ngày tháng u buồn ấy khiến tôi có thời gian suy ngẫm nhiều điều xoay quanh mối quan hệ giữa con người và đồ điện tử. Các thiết bị điện, tiêu biểu như điện thoại, là cầu nối giúp chúng ta thấu hiểu hơn thế giới bên ngoài. Chúng cũng chứa đựng một số ký ức đôi khi rất riêng tư, đáng nhớ của mỗi người. Thế nên tôi luôn băn khoăn về việc chúng bị vứt đi quá nhanh chóng. Một chiếc điện thoại mới có thể phải kết thúc vòng đời trong bãi phế liệu chỉ sau 18 tháng xuất xưởng” - cô nói.

Vòng tay thủ công của thương hiệu Lylie làm từ chất liệu vàng thu được sau quy trình tái chế rác thải điện tử - Nguồn ảnh: Lylie
Vòng tay thủ công của thương hiệu Lylie làm từ chất liệu vàng thu được sau quy trình tái chế rác thải điện tử - Nguồn ảnh: Lylie

Cùng 2 đối tác khác, Carr liên kết với một xưởng kim hoàn tên tuổi tại đảo Sicily (Ý) để tiến hành sàng lọc điện thoại cũ, tìm kiếm các bộ phận hữu dụng và “tái sinh” chúng thành trang sức.
Carr thuộc thế hệ sớm cảm nhận được sức ép của nạn ô nhiễm - khủng hoảng khí hậu. Vì thế, khi gia nhập thị trường trang sức, mục tiêu hàng đầu cô muốn theo đuổi là chọn lựa nguyên vật liệu bền vững nhằm hạn chế tối thiểu áp lực lên môi trường.

Góc nhìn Carr đề ra phản ánh định hướng hiện nay trong ngành kim hoàn toàn cầu. Theo một báo cáo điều tra công bố năm 2021 của công ty tư vấn kinh tế lâu đời McKinsey (Mỹ), trước năm 2025, tiêu chí bền vững sẽ quyết định 20-30% sức mua của mặt hàng nữ trang cao cấp. Trong một dự án nghiên cứu khác, McKinsey tổng kết: hơn 43% người tiêu dùng trẻ hiện có khuynh hướng ưu ái các thương hiệu đề cao nền tảng kinh doanh bền vững.

Nắm bắt nhu cầu khách hàng, giới doanh nghiệp trẻ đang nhạy bén hơn bao giờ hết trước vấn đề tận dụng và tái chế. “Năm 16 tuổi, trong một chuyến tham quan cùng trường trung học, lần đầu tiên tôi đến một xưởng đúc kim loại. Tại đây, họ giải thích với chúng tôi rằng các bảng mạch điện tử của điện thoại di động chứa một số kim loại quý như vàng, bạc và platin (bạch kim). Thông tin này khiến tôi nghĩ đến muôn vàn giá trị còn ẩn giấu của rác thải điện tử, nhất là đối với ngành chế tác kim hoàn” - doanh nhân Eliza Walter chia sẻ.

7 năm sau đó, vào năm 2017, Walter ra mắt Lylie - hãng nữ trang sử dụng vàng tái chế từ điện thoại di động và vật liệu thừa của ngành nha khoa (một số hợp kim quý dùng trong kỹ thuật trám răng). Lylie thành danh với những bộ sưu tập trang sức cao cấp làm từ 100% chất liệu bền vững kể trên, kết hợp cùng đá quý tái chế và kim cương nhân tạo.

Nhà thiết kế trang sức - doanh nhân Eliza Walter - Nguồn ảnh: FT
Nhà thiết kế trang sức - doanh nhân Eliza Walter - Nguồn ảnh: FT

Nhà thiết kế người Anh tiết lộ, ban đầu, nghe về nguồn gốc các món nữ trang vàng, không ít khách hàng của cô tỏ ra nghi ngại. “Thế nhưng, chúng tôi đã thuyết phục được họ bằng phân tích thấu đáo: nếu khai thác 1 tấn quặng, bạn chỉ có thể thu về chưa tới 30g vàng. Ngược lại, vì cấu tạo đặc thù của chúng, 1 tấn rác thải điện tử ước tính chứa đến 300g vàng” - Walter
cho biết.

Sáng tạo vượt mọi ranh giới

Kim loại quý có thể tiềm ẩn ngay tại những bãi phế liệu, bãi rác. Tuy nhiên, thu mua chúng theo một quy trình bền vững hóa là thách thức không nhỏ, do hoạt động sàng lọc vật liệu tại nhà máy xử lý rác thường rườm rà, phức tạp.

Sarah Müllertz - Giám đốc sáng lập thương hiệu nữ trang bền vững Kinraden (trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch) - thừa nhận trở ngại lớn cô từng đối mặt khi phát triển công ty chính là tiếp cận nguồn nguyên vật liệu tái chế. “Mãi cho đến khi liên hệ được một nhà xưởng uy tín chuyên xử lý và đúc kim loại đảm bảo tuân thủ theo tiêu chí bền vững, chúng tôi mới thật sự yên tâm” - Müllertz nói.

Nhẫn vàng 18k của Kinraden với phần trung tâm làm từ gỗ mpingo được cắt gọt tinh xảo như một viên kim cương đen - Nguồn ảnh: Kinraden
Nhẫn vàng 18k của Kinraden với phần trung tâm làm từ gỗ mpingo được cắt gọt tinh xảo như một viên kim cương đen - Nguồn ảnh: Kinraden

Điểm nhấn riêng, cũng tạo ra thử thách khó khăn hơn nữa với thương hiệu của cô, là chất liệu đặc biệt Müllertz sử dụng: gỗ mpingo (gỗ đen châu Phi). Tuy sở hữu vẻ ngoài xù xì, không mấy ưa nhìn, loại cây sinh trưởng phổ biến ở khu vực Đông Phi lại có độ bền và cứng cáp thuộc hàng tốp 10 thế giới. Độ cứng được ví như kim cương gỗ ở mpingo cũng chính là điều lôi cuốn Müllertz, thợ kim hoàn kiêm kiến trúc sư tài năng gốc Đan Mạch.

Cô chia sẻ: “Ban đầu, nhiều người tôi quen biết không mấy tin tưởng khái niệm làm trang sức cao cấp từ gỗ. Một rào cản khác nằm ở vấn đề tạo hình - mpingo cứng đến nỗi đôi khi có thể làm cùn cả máy cắt gỗ chuyên dụng”. Dẫu vậy, sắc đen óng ánh của chất gỗ đặc thù này khiến Müllertz quyết tâm dốc sức đầu tư và sáng tạo. Mpingo về sau đã trở thành một biểu tượng của Kinraden. Loạt thiết kế bán chạy hàng đầu của hãng thể hiện sự kết hợp ăn ý giữa gỗ đen khai thác theo mô hình bền vững cùng vàng và bạc tái chế.

Trong khi đó, nhà thiết kế trẻ người Ý Sole Ferragamo muốn phá bỏ tiêu chuẩn cao cấp cổ điển của nữ trang bằng cách biến phế liệu da thuộc thành “ngôi sao” trung tâm. Cô cho biết: “Lần đầu khám phá rằng một lượng lớn da thuộc thường bị các nhà máy, xưởng may vứt đi, thậm chí khi còn chưa được tận dụng đúng cách, tôi đã rất muốn làm gì đó để cứu lấy chất liệu này”.

Một thiết kế cá tính từ chất liệu đồng thau và da thuộc tái chế của thương hiệu So-Le Studio - Nguồn ảnh: So-Le Studio
Một thiết kế cá tính từ chất liệu đồng thau và da thuộc tái chế của thương hiệu So-Le Studio - Nguồn ảnh: So-Le Studio

Hãng trang sức So-Le Studio của Ferragamo thiết lập một tiến trình xử lý chất liệu thông minh nhằm tạo nên cấu trúc bền chắc hơn cho da thuộc đồng thời vẫn giữ được tính chất mềm, nhẹ ở chúng. Hoạt động từ năm 2019, đến nay, thương hiệu đã ra mắt nhiều bộ sưu tập nổi danh trong lẫn ngoài nước Ý nhờ phong cách thiết kế độc đáo và thông điệp thân thiện môi trường.

“Trong tâm lý tiêu dùng, luôn có nhân tố đặc biệt liên quan đến cảm xúc thúc đẩy chúng ta chuyển từ ý định sang quyết định mua sắm. Đối với ngành kim hoàn, cảm xúc, sự hứng thú trước một món trang sức giờ đây còn đi kèm mong muốn cống hiến phần nào vì lợi ích xã hội, môi trường” - Elisabetta Pollastri - nhà sáng lập công ty tư vấn văn hóa tiêu dùng The Spotter Lab (trụ sở tại Paris, Pháp) - nhận xét.

Ferragamo đồng tình: “Một số khách hàng bày tỏ họ không còn đơn thuần bị thu hút bởi cái đẹp thuần túy ở nữ trang. Sâu xa hơn là khao khát tìm kiếm sự mới mẻ, vượt khỏi ranh giới truyền thống”. Vẻ đẹp nơi các sản phẩm trang sức hẳn nhiên luôn là một yếu tố quan trọng nhưng ngày nay, vẻ đẹp mang tính bền vững càng trở nên cuốn hút hơn.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI