Từ bức hình gây xôn xao Ấn Độ, một bé gái được đến trường

18/11/2019 - 06:00

PNO - Đó là bức hình chụp bé Divya, năm tuổi, tay cầm một cái tô và nhìn trộm vào lớp học của ngôi trường ở gần khu ổ chuột nơi bé sống.

Hôm 7/11 vừa qua, một tờ báo ở địa phương đã đăng bức hình cảm động trên, kèm theo chú thích “Ánh mắt thèm khát” bằng tiếng Telugu - một trong số ít ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở nhiều bang của Ấn Độ.

Tu buc hinh gay xon xao An Do, mot be gai duoc den truong

Cô bé Divya nhút nhát trong hình đã ngay lập tức trở thành một… chủ đề bàn tán sau khi một nhà hoạt động về quyền trẻ em chia sẻ bức hình ấy trên Facebook, kèm theo lời than phiền một đứa trẻ khác đã bị từ chối về thực phẩm và quyền được giáo dục.

Bức hình đã được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng, ngay tức thì, trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Ấn Độ, khiến cho ngôi trường công lập liên quan tới bức hình đã vội vàng nhận bé Divya vào học, ngay trong ngày hôm sau, 8/11/2019.

Tu buc hinh gay xon xao An Do, mot be gai duoc den truong
Bé Divya, năm tuổi, vừa được nhận vào trường, sau khi một bức hình của bé trên một tờ báo đã tạo dư luận khắp Ấn Độ (BBC)

Sự thật phía sau bức hình

Tuy vậy, cộng tác viên Deepthi Bathini của phiên bản BBC tíếng Telugu đã cho biết bức hình không nói lên toàn bộ câu chuyện.

Ông Lakshman, cha của bé Divya, nói rằng bức hình và sự phản đối mà nó gây ra trên thực tế là “không công bằng” với ông và vợ ông - bà Yashoda, một người phu quét đường.

“Tôi buồn khi trông thấy bức hình, nhất là con bé được mô tả là một ‘đứa trẻ mồ côi, đói khát'. Bé Divya có cha, có mẹ, và chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để mang lại cho các con một tương lai tốt đẹp hơn.” -  ông Lakshman nói với hãng tin BBC.

Lakshman cho biết ông đang chờ Divya tròn sáu tuổi để có thể đăng ký cho bé vô ký túc xá - một loại trường nội trú ở Ấn Độ, nơi hai cô con gái khác của ông đang theo học. Vợ chồng ông cũng có một con trai, vừa nộp đơn vào đại học vừa giúp cha - một người làm nghề nhặt ve chai trên phố.

Divya và cha mẹ sống trong một ngôi nhà tồi tàn chỉ có một phòng, ở một thị trấn nơi trung tâm thành phố Hyderabad. Bên ngoài nhà chất đống những rác nhựa và đồ thủy tinh lỉnh kỉnh được thu thập và bán lại để tái chế. Ông Lakshman và vợ kiếm được khoảng 10.000 rupee (tương đương 139 USD) mỗi tháng, trong khi họ cũng đang chăm sóc năm đứa con của anh trai ông Lakshman.

“Anh trai và chị dâu của tôi vừa qua đời cách đây không lâu. Tôi không muốn năm đứa con của họ lớn lên thành trẻ mồ côi. Vì vậy, tôi đã đăng ký tất cả các cháu vào ký túc xá, và tôi chăm sóc chúng” – ông nói – “Tôi đã lớn lên mà không có cha mẹ, và luôn phải tranh đấu để kiếm sống đàng hoàng. Tôi không bao giờ muốn lũ trẻ có cuộc sống mà tôi đã trải qua. Vì vậy, chắc chắn là tôi muốn tất cả chúng được đi học”.

Ở Ấn Độ, giáo dục là miễn phí cho trẻ em, tất cả đều được vào học ở các trường công lập. Khi được hỏi tại sao Divya lại được bắt gặp đứng bên ngoài một lớp học, với cái tô trên tay, ông Lakshman giải thích rằng rất nhiều trẻ nhỏ từ khu ổ chuột thường tới đó vào khoảng giờ ăn trưa, để hy vọng có thể có được bữa ăn trưa miễn phí - vốn là một chương trình của chính phủ cung cấp bữa ăn nấu sẵn cho trẻ em ở hơn một triệu trường học tại Ấn Độ.

“Divya không tới đó hàng ngày, nhưng con bé tình cờ có mặt vào hôm ấy, và ai đó đã chụp hình nó.” – ông nói.

Chuyện ấy đã được các giáo viên của ngôi trường địa phương xác nhận với BBC, rằng vẫn có một số học sinh thường dùng thức ăn trưa mang từ nhà vô trường, nên những suất ăn còn dư từ chương trình bữa ăn miễn phí sẽ được trao cho những trẻ nhỏ chưa tham gia.

“Trẻ em là trẻ em. Và vì ở đây không có anganwadi - trung tâm chăm sóc trẻ em, nên rất nhiều trẻ vẫn quanh quẩn bên ngoài trường” - một giáo viên nói thêm, với điều kiện… giấu tên!

Thêm một chút hy vọng…

Khu ổ chuột, nơi gia đình bé Divya sống, chỉ cách trường khoảng 100m. Hầu hết trong số 300 gia đình sống nơi đó là những người làm công nhật. Vì vậy, chuyện thiếu anganwadi vẫn là một vấn đề lớn, vì người lao động không có nơi nào để gởi con khi họ đi làm.

Tu buc hinh gay xon xao An Do, mot be gai duoc den truong
Bé Divya rất vui khi được đi học, và khăng khăng đeo ba lô đi học ở mọi nơi. Ngoài việc nói tên của mình, bé không trả lời bất kỳ câu hỏi nào (BBC)

Dù sao, ông Lakshman cũng thừa nhận rằng, bất chấp tất cả, bức hình đã làm được một số điều tốt cho cả Divya và những trẻ em cùng lứa tuổi với bé.

Ông Shivram Prasad, thanh tra giáo dục địa phương, hy vọng rằng, sự chú ý do bức hình ban đầu của Divya gây ra sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hình thành một anganwadi tại đây, giúp các bậc cha mẹ và trẻ em có thể được “ăn một bữa bổ dưỡng”.

Một số giáo viên cũng mong rằng sự chú ý của truyền thông sẽ giúp… cải thiện cơ sở vật chất của trường, vì họ không chỉ thiếu trầm trọng về nhân viên mà cũng thiếu nhiều phương tiện dạy học, thậm chí không có cả một bức tường, khiến họ phải liên tục theo dõi học trò trong giờ ra chơi.

Nhựt Minh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI