Truyện ngắn: Trái lê đầu mùa

06/11/2022 - 19:03

PNO - Chiêm thơ thẩn nhìn xuống thung lũng Nà Nua, nơi có con suối Mơ đêm ngày róc rách. Những cây trúc thẳng tắp đua nhau vươn thẳng lên trời.

Đàn cò trắng từ những thửa ruộng bậc thang hay bay về phía ấy nghỉ ngơi sau một ngày mò cua bắt ốc.

Nhà đã bán hết đàn trâu. Hôm nay, Chiêm không phải chăn trâu nữa mà đi lấy củi. Chị Nhình không theo cùng như mọi bữa. Chị bận sắp cỗ cưới cho đôi trẻ. Chú rể là Tạo. Tạo chắc đang cười hạnh phúc khi trở thành rể vàng rể bạc của họ Lương. 

 

Cùng bản Tổng Cuông, uống chung máng nước, cùng học hết cấp III, Tạo đã từng nói những lời thương nhớ tưởng chừng đá núi cũng mềm ra như gan ruột người mới rung động lần đầu. Ấy mà, một lần theo cánh thanh niên bản trên lên mỏ đá làm quặng sắt, Tạo về sắm xe máy, điện thoại cầm tay, lượn qua trước nhà sàn của Chiêm một ngày mấy dạo rồi mất hút. Chiêm chẳng dám theo lũ bạn xuống miền xuôi làm công nhân. Pá mấy lần bảo:

- Mày cứ đi, con ạ! Kiếm lấy đôi đồng, dành dụm rồi sau này lấy chồng còn có đôi vòng để đeo chứ ở nhà mãi đần người đi. 
- Con ở với pá thôi. Chân pá đau, ai chăn trâu giúp pá?
- Tao bán hết. Tiền mượn người ta, sang tháng phải trả rồi.

Bữa cơm trầm xuống, cái đầu cá lạo xạo trong miệng Chiêm, đắng nghét. Mé đã khuất núi được ba năm. Bao thửa ruộng đẹp, bãi rẫy bằng đổi những viên thuốc đắng nghét vẫn không thể giữ mé ở lại lâu hơn. Pá chạy đôn đáo khắp viện gần viện xa, đêm hôm lên tận lũng Sưa hái cây thuốc người ta mách, ngã gãy chân mà vẫn không cảm động được ông trời. Mé trút hơi thở cuối khi Chiêm đang thi tốt nghiệp cấp II. 

Vườn lê mấy năm không được làm cỏ, còi cọc; quả quắt lại, chát xít. Chiêm học một buổi ở trường huyện, một buổi thả trâu lên núi. Tạo cũng chăn cùng. Đi chăn trâu, Chiêm ngồi trên tảng đá ôn bài, thỉnh thoảng nghe tiếng mõ lóc cóc để biết chúng ở khu rừng nào. Tạo vào rừng tìm trúc làm sáo. Tiếng sáo vi vút trong thung lũng Nà Nua, người đi nương còn phải dừng tay vun gốc ngô để nghe: 

"Người ơi chớ vội đi đường xa
Vía em còn ém ở sau nhà
Mùa hoa lê nở không về kịp
Con thuyền độc mộc giữa phong ba".

Chiêm cất câu lượn khe khẽ theo tiếng sáo ấy. Các chị trong bản bảo Chiêm có làn da đẹp như hoa lê. Câu lượn của mé hát những chiều nhặt bông, tách hạt Chiêm thuộc từ hồi bé. Tạo bảo khi cất tiếng lượn phải có tiếng sáo đệm mới hay.

Chẳng bao giờ Chiêm hát đủ cho người ta nghe thấy. Mắt Chiêm lúc nào cũng buồn như trời sắp đổ mưa. Chẳng buồn sao được, mé chẳng còn nữa, pá nằm thao thức ngoài sàn, thỉnh thoảng lại thở dài não nuột. Từ trong buồng, Chiêm thấy đêm nào pá cũng vắt tay lên trán, mắt nhìn lên mái cọ trân trân như chờ đợi một phép màu đưa mé trở lại căn nhà gió lùa bốn phía này.

- Đợi Tạo nhé, đừng để thằng nào lừa đấy. Làm quặng mấy tháng có tiền, Tạo mua xe máy chở Chiêm đi thị xã chơi.

Chiêm gật đầu, đưa túi cho Tạo rồi nhìn chiếc xe khách đi khuất mới đạp xe về. Chợ phiên vẫn náo nhiệt. Trời đã quá trưa. Con đường đá sỏi mấp mô ngập tràn nắng hôm nay Chiêm thấy nó dài lê thê, có lẽ vì vắng Tạo. Từ bé, hai đứa thường chia đôi củ sắn lùi, trốn ngủ trưa trèo lên ngọn cây ổi nhảy ùm xuống con suối Mơ tắm.

Tạo dạy Chiêm học bơi, làm bẫy bắt cá, thả ống lươn. Chiêm giấu cho Tạo những buổi đánh cù lăng vỡ mái chuồng lợn nhà ông Đại; phá hàng rào trộm lê nhà bà Tâm hay những buổi Tạo không thuộc bài, phải đứng góc lớp… để Tạo không bị bố vác đũa đảo cám lợn đánh đòn. Tạo mê đôi mắt của Chiêm. Ở sâu nơi đáy mắt có ngàn con sóng vỗ. Nhìn một lần là nhớ. Nhìn lần nữa là say. 
***
Nắng đã tắt bên kia dãy núi, chỉ còn những áng mây vàng xốp chuyển dần thành đỏ xám trên nền trời. Đàn vạc gọi nhau đi kiếm ăn. Pá đau chân, mọi công việc đồng áng giờ Chiêm làm thành thạo. Cả bản này, con gái bây giờ phần lớn sợ làm ruộng. Họ đi làm công nhân hoặc đi học nghề để sau này nhàn nhã.

Chiêm không nghĩ đến những công việc ở thành phố xa xôi ấy. Chả thế mà chị Nhình thỉnh thoảng hay gửi con Bé sang cho cô trông. Chiêm không đòi tiền công nhưng đôi bữa chị lại dúi cho pá vài đồng ăn sáng hoặc tiện đi chợ lại mua phần hai bố con cái chân giò. Vợ chồng chị thu mua cá của cả ba bản đem về thành phố giao nên kinh tế vững. Vậy nhưng chị Nhình vẫn chăn mấy đàn lợn, một đàn trâu năm con, làm ruộng.

Chiêm thấy chị Nhình gánh cỏ đến gần liền ngẩng đầu lên chào. Chị Nhình vừa nói vừa thở: 
- Biết tin gì chưa em? Mười hôm nữa thằng Tạo lấy vợ đấy. Ấy mà chưa thấy nó mời. 
Chiêm cười trừ: 
- Chắc họ chưa mời đến lượt khu mình. Mai kia, thể nào chị cũng có dịp đón họ lên sàn.
- Ông bà ấy giờ có tiền khinh khỉnh như gì ấy nhưng nhắn cưới phải nhắn trước đủ chín ngày cho người ta còn chuẩn bị. Không thì chị không đi đâu.

Chiêm không cười nổi nữa, cô cố ngăn dòng nước mắt. Chị Nhình dặn:
- Đi hộ hôm nào thì gọi chị với nhé, để chị đem con Bé sang gửi bà ngoại. Mà tối rồi, về thôi em ơi. 

Chị Nhình đi đã được quãng xa. Chiêm lên mương vục nước rửa mặt mũi, chân tay, chạc, bừa rồi khóc.

Tạo mới đi được mấy tháng mà đã thay lòng đổi dạ. Chiêm vẫn tin lời hứa luôn bền như chiếc vòng bạc Tạo tặng hồi thi xong môn cuối, lúc hai đứa ngồi dưới gốc cây phượng vĩ già ở sân trường. Chiếc vòng bạc đeo vào tay, người sẽ khỏe hơn, mặc áo chàm đi hội sẽ xinh hơn. 

Chiêm về, pá ngồi bên bếp lửa, cất tiếng đục ngầu:
- Mày làm để chết hay sao mà giờ mới về? Tao tưởng con ma rừng bắt hồn vía mày rồi.

Cả đời pá lăn lóc đủ mọi nghề, ngón chân ngón tay choãi cả, thô ráp, nứt nẻ theo từng mùa giáp hạt, ngày nắng hạn, mưa giông mà nào có khá lên được đâu. Chiêm lẳng lặng bê nồi nước lá, lấy bộ quần áo ra phía sau sàn tắm. Nước thơm làm dịu cơn nấc và đôi mắt mọng. 
- Ai trêu mày à? 
- Dạ không. Con… 
- Mé mày thành cỏ tranh rồi. Có khóc lụt hết thung lũng Nà Nua cũng không trở thành người được nữa đâu con. Dành nước mắt mà thương cho thân mình ấy.

Pá tập tễnh ra ngồi dựa cột, rót một chén chè. 
- Tao bán trâu rồi. Mai, mày lấy ít tiền mua ít hương rồi về thịt con gà cúng cho mé. Ra chợ mua mấy bộ quần áo mà mặc. Lớn khôn, theo mấy đứa trong bản kiếm việc mà làm. Tao trả đợt này là hết nợ. Dư một chút, tao để dành lúc ốm đau.

Chiêm cũng muốn có một công việc để không nhìn thấy Tạo tối ngày, để không còn nghe tiếng sáo đêm gọi bạn dưới sàn. Nhưng, bỏ pá một mình thì không được. Vườn lê rộng mênh mông, pá và mé đã vắt kiệt mồ hôi ra chăm chút đến lúc kết hoa đậu quả, nuôi con ăn học. Tiền thì thích thật nhưng pá chỉ có một mà thôi.

Vừa đến cổng chợ, Chiêm đã gặp Tạo đứng chờ mé với em gái đi mua đồ. Hai người nhìn nhau như người xa lạ. Chiêm rẽ lối khác để mua đồ và xem quần áo. Trên đời này, chỉ có pá mé thương mình nhất. Lời Tạo theo đám mây đi hết núi này lại sang núi khác rồi sẽ hóa thành mưa bóng mây.

Một lượt nắng lướt qua là bốc hơi hết. Mà kỳ lạ, Tạo đã nói lời yêu Chiêm đâu? Chiếc vòng bạc không đủ khóa trái tim một người con trai mới lớn. Chiêm lựa cho mình bộ quần áo mới và quyết định quay lại cổng chợ để nói lời chúc mừng Tạo nhưng khi đến nơi thì không còn thấy Tạo ở đó nữa. 
***
Khi vườn lê được làm sạch cỏ, bón phân, chúng nở hoa trắng ngần. Chiêm đặt bông hoa trắng muốt còn đẫm sương trong lòng bàn tay, đưa lên má, lên mũi, nhắm mắt lại, cảm thấy những cánh hoa mỏng manh ấy tan ra trên làn da. Cái thơm của thằng Cu chào tạm biệt khi Chiêm xách nón đi về nhà cũng mềm như thế.

Chị Nhình đã xin cho Chiêm làm giúp việc ngoài thị trấn vào ban ngày. Thường thì, ông chủ đi vắng, cô chỉ dọn dẹp nhà cửa, đưa thằng Cu đi học, đến giờ tan lớp thì đón nó về nhà, cho nó ăn cơm chiều xong là được về. Những ngày trông cái Bé cho chị Nhình đi làm cũng giúp Chiêm biết trông trẻ nhỏ.

Từ bản ra thị trấn tầm năm cây số, tiền lương người ta trả đủ cho cô phụ vào tiền bán lợn gà, đêm về với pá. Thằng Cu học mẫu giáo về là ríu rít kể chuyện ở trường và níu lấy Chiêm hỏi những gì nó tò mò.

Chiêm chăm nó từng thìa cháo, cốc sữa, giặt cho nó từng chiếc quần hôm nào nó lỡ tè dầm. Người ta bảo mẹ thằng bé bỏ bố con nó theo trai. Trước Chiêm, bố nó thuê mấy người giúp việc nhưng không vừa ý. Chiêm giấu pá chuyện mình đang làm.

Chị Nhình cũng kín tiếng. Pá tưởng Chiêm đi phụ người ta bán tạp hóa thì cũng yên tâm. Mấy lần pá hay nhắc câu của người già: "Thà là kẻ ăn xin chứ không chịu làm người ở".

Thằng Cu bị ốm. Bố nó bận việc vẫn phải gửi nó đi nhà trẻ. Trưa, nó không chịu ăn cơm. Cô giáo gọi điện nhờ Chiêm đón về. Chiêm dỗ dành mãi nó mới ăn hết lưng bát cháo và uống thuốc. Nó đòi bế.

Chiêm dong nó đến rã cánh tay bèn tìm chiếc địu địu nó lên lưng để làm việc nhà. Cơn mưa mùa hạ dữ dội và dai dẳng kéo dài đến tối. Xong việc, Chiêm cởi địu, bế thằng bé vào lòng mình, tìm những mẩu chuyện về con vật kể cho nó nghe, chơi xếp hình cùng cho nó quên đi mỏi mệt.

Chỉ được một lúc rồi nó lại khóc, đòi đi công viên. Chiêm bế nó vào lòng. Tiếng sét như muốn xé tan bầu trời ngoài kia. Thằng bé khiếp sợ, nằm im trong lòng cô. Nhỏ như thế, nó đã không được hít hà mùi của mẹ, không được ai trả lời ngàn câu hỏi vì sao. Chiêm mới mất mẹ có vài năm mà đã luôn cảm thấy trống vắng. Liệu người đàn bà ấy ở nơi xa, mỗi khi bưng bát cơm ngon có nhớ đến đứa con thơ? Mấy lần Chiêm thấy bố thằng bé, một người đàn ông ngoài 30 tuổi, lặng lẽ đi rồi về như một cái bóng. Công việc làm anh ta quên đi nỗi đau.

Tình cảm bố con chỉ dành cho nhau vài tiếng ít ỏi khi phố xá đã lên đèn. Chiêm cất tiếng ru. Khi thằng bé ngủ say cũng là lúc cơn mưa ngớt hạt. Chiêm đặt nó xuống giường, lấy hai con gấu bông nhỏ để hai bên rồi bung màn chụp. Lau giọt nước mắt còn đọng lại trên má mình, uể oải quay ra, cô thấy người đàn ông với gương mặt khắc khổ đã đứng ở cửa phòng từ bao giờ. Họ đứng lặng nhìn nhau không nói câu gì. Ánh chớp yếu ớt hắt vào đủ cho Chiêm thấy đôi mắt thiếu ngủ kia cũng ướt.

Từ hôm ấy, người bản Tổng Cuông thấy nụ cười rạng rỡ ngày nào lại đậu trên môi Chiêm. Huyện triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chiêm đăng ký tham gia và chăm chút cho vườn lê. Trái lê đầu mùa bắt đầu chín, vàng mọng. Giống lê này nhiều nơi trồng nhưng không nơi nào ngọt thơm và mềm như lê Tổng Cuông. Vụ lê năm ấy, Chiêm bán được giá. Pá như khỏe lại. Ông thường tập tễnh ra ngắm vườn lê, đàn gà đông đúc bới đất kiếm giun trong vườn chuối.

Thằng Cu thích ăn chuối lắm. Nó ăn hết một quả và thích thú xoa cái bụng tròn nói đấy là chiếc túi thần kỳ của Doraemon. Chiêm biết tính nó hơn bố nó.
Bố nó cắt bớt công việc để về nhà thật sớm. Chiêm cũng nán lại đợi thằng bé đi ngủ mới về nhà.

Lần nào, anh Tâm - bố thằng bé - bảo đưa Chiêm về, cô đều từ chối. Họ dành cho nhau những cái ôm ấm áp, nụ hôn vội vàng khi không còn sớm. 

Chuyện của Chiêm cũng không giấu mãi được. Pá đã nghe chuyện khi Tạo bức xúc nói với chị Nhình ở gầm sàn hôm ông sang nhà vợ chồng chị chơi. Ăn xong bữa cơm tối, pá gọi Chiêm lại hỏi chuyện.

Chiêm kể pá nghe hoàn cảnh của bố con anh Tâm, về ý định của mình. Ngỡ ông sẽ vơ chén chè hất thẳng vào mặt đứa con gái nông nổi nhưng không, pá nhìn xuống sàn, suy đi tính lại điều gì đó, rồi bảo:
- Biết nhau đã hai năm rồi, không phải ít nữa.

Đàn ông đơn thân chăm con cực khổ hơn trèo lên núi đao, hơn đi vào đống lửa. Ông bà bên đó không còn thì cũng phải bảo nó gọi chú bác, cậu mợ sang gặp tao. 

Chiêm nhẹ nhõm trong lòng. Pá cũng một mình chăm cô khi mé khuất núi. Đấy là Chiêm đã lớn. Đằng này, thằng Cu còn bé quá. Điều Chiêm lo lắng là miệng lưỡi gần xa, rằng pá con cô hám giàu nhắm mắt làm liều. Như đọc được suy nghĩ của con, pá bảo: 
- May mà mày không lấy thằng Tạo. Con Nhình nói với tao, nó nghiện ma túy rồi. Đời người mà, ai biết được dòng nước xuống vực sẽ xoay tròn và rẽ theo hướng nào. 

Chiêm khẽ rùng mình. Chuyện trăm năm của Chiêm cũng có gì đáng mỉa mai đâu. Dẫu rằng anh Tâm đã một lần đứt gánh, Chiêm chưa một lần lên thuyền hoa sang sông, chẳng ai ăn ở hai lòng thì có gì đáng trách. Bản Tổng Cuông sẽ xì xào một thời gian rồi lãng quên như giờ phút người ta nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa. Họ lại tìm câu chuyện nhà người khác để xào đi nấu lại cho vui tai. Chiêm thấy mình như trái lê đầu mùa bắt đầu chín.

Hoàng Thị Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI