Truyện ngắn - Nối ngọt lời rao

14/01/2023 - 20:20

PNO - Những con chim bay tự do thì đâu cần tổ và con người không ổ thì ở đâu chẳng được.

Thấy Liên ngó mình bằng ánh mắt gà mẹ hoài, Cẩm áy náy nhưng thật lòng Cẩm không biết về là về đâu. Cô thích ở lại hơn dẫu thời gian sẽ rút bớt hơi người và gió sẽ làm bợt bạt những cười nói cho sự cô đơn được dịp ùa về. Vậy nhưng, bằng linh cảm mù mịt của con cá bơi giữa đáy biển sâu không cần thấy đường, cô nghĩ mình sẽ ổn. Biết đâu khi mọi người đã về quê ăn tết hết rồi, cô sẽ có đủ thời gian và khoảng trống - thứ mà một thời Cẩm thèm như con nít thèm chè thèm kem - để suy nghĩ coi mình nên làm gì. 

- Mày tính ở lại đây ăn tết thiệt hả? - Liên hỏi lại lần thứ bao nhiêu đếm không nổi nữa, nghe bắt đầu giống tiếng gà cục tác tìm con. 

- Ừa, thiệt. Ba mấy tuổi đầu chớ có phải con nít đâu. Có gì mà lo - Cẩm cười, đưa tay thả thiệt khéo mấy miếng chuối ép dẹp nhúng bột vô chảo dầu đã bắt đầu nổi tim.

Ảnh : Thanh Thảo
Ảnh : Thanh Thảo

Mùi chuối chiên bừng lên quấn lấy cả hai, chen cho bằng hết những khoảng hở của lời. Thứ mùi đánh thức tuổi thơ ngủ quên, hai đứa trẻ bên trong hai đôi mắt đã bắt đầu hằn nếp nhăn bừng tỉnh hít hà. Cũng ngộ à nghen, chuối thơm một kiểu dịu riêng, bột nhẹ một mùi riêng, mà gặp dầu nóng quyện thành thứ mùi mới hấp dẫn khó tả. Chỉ có thể cảm nhận bằng cách cắn miếng chuối chiên ngoài giòn trong mềm ngọt; cùng lúc nghe vị giác, khứu giác và cả xúc giác hoạt động. Thị giác nữa… màu vàng cam hút mắt. 

- Hay tao ở lại với mày nha? Nghe nói lương tết cao lắm, sẵn tao kiếm thêm một mớ - Liên nói.

- Nhớ con muốn chết mà bày đặt. Hôm bữa ai nghe điện thoại ở nhà rồi khóc cả đêm? - Cẩm cười nụ, đưa đũa trở mặt chuối.

Cẩm biết bạn mình đương mắc cỡ nhưng lòng Cẩm vẫn rón rén vui. Ờ, sao mà ở lại được. Chồng con Liên đang ở nhà chờ. Ai có người chờ cũng nên về. Tết là dịp sum họp, nhất là với những người đã dành cả năm bôn ba tìm cách cho đầy chén cơm lành manh áo. Chỉ có những người như Cẩm mới phải ở lại - những người thiểu số của số ít, chẳng có ai chờ đợi để phải về. Những con chim bay tự do thì đâu cần tổ và con người không ổ thì ở đâu chẳng được. 

Cẩm lại cười, lắc đầu, thấy trong nắng, đôi mắt lúng túng của bạn mình thật đẹp.

- Thì thôi tao về trễ chút, ở chơi cho mày đỡ buồn. Khỏi cảm ơn, gói bánh trái gì đó cho tao ăn là được - Liên cười.

Liên không hay tay Cẩm đã chậm lại, chỉ vài giây thôi, trước khi lại thoăn thoắt gắp và đảo từng miếng chuối chiên. Đâu đó, nơi thăm thẳm của những ngăn tủ chật chội bị khóa kín và quăng đi chìa, hình ảnh miếng lá chuối bóng dầu tìm cách chui ra… Cẩm xua đi bằng một nụ cười cố làm như đang chọc cô bạn chung phòng: 

- Mày chỉ biết có ăn thôi hà!

***
Đêm tăng ca vắt Cẩm rã rời khiến cô có cảm giác mình đang tan chảy. Bụng thì đói mà không còn hơi sức để nấu nướng. Nhớ bữa trước nghe Liên kêu có mua bánh tét, Cẩm nhè nhẹ đi trong bóng tối vì sợ làm bạn và đứa nhỏ đang ngon giấc giật mình, tìm kiếm mùi nếp chín có vị bùi bùi của đậu xanh và ngầy ngậy mỡ. Đòn bánh tét nằm kia, mặt cắt đã khô lại, lớp lá xác xơ rách bươm. Cô cắt một khoanh bánh, uể oải nhai. 

Dường như mọi thứ đang thay đổi mỗi ngày. Hồi đó, nhắc bánh tét là người ta biết đám giỗ và mừng rỡ nhất là thấy tết. Bây giờ, nó thành một thứ bánh nhan nhản, không quá khó để kiếm mua; chỉ cực trần thân trên hành trình tìm kiếm một vị quen, những dẻo thơm mà các bà các mẹ khéo tay nén trong từng khoanh bánh. Hồi đó, Cẩm cũng gói bánh tét nhiều, được khen giỏi…

Liên thức dậy từ khi nào, lặng lẽ tới ngồi bên Cẩm. Liên cũng cắt một khoanh bánh, ăn thay bữa sáng, để lát còn vô ca. Đã ăn mòn nửa đòn bánh, cô vẫn phải công nhận là bánh dở thiệt tình.

- Vậy mà rao bánh ngọt dẻo thơm ngon, tao dễ bị dụ ghê mậy! - Liên nhăn mặt, chọc cho Cẩm cười. 

- Bộ trai rao hay gì mà mày lọt bẫy vậy? - Cẩm cười thật, khúc khích, vị bánh có lẽ do đó mà dễ nuốt hơn. 

- Có đâu… Giọng rao nữ nha mậy nhưng người bán là đàn ông. Ờ, mà giọng rao quen lắm - Liên lại ráng bóc tách trí nhớ.

- Quen cổ hay quen ảnh? 

- Con quỷ, chọc tao hoài nhe! - Liên nhe răng cười - Thôi mày ngủ đi cho khỏe, tao chuẩn bị đi làm.

Cẩm ờ nhẹ hều mà vẫn ngồi đó. Đêm đã cạn, ngày đang lên. Ánh sáng đã tràn vào từ khe cửa, vung từng nắm lên người cô nhưng chỉ đủ soi vài suy nghĩ mờ mịt tưởng niệm quá khứ, khi hình ảnh cô gái nhỏ kẽo kẹt gánh bánh đi dọc đường xa, cố giữ cho tiếng rao không úa màu. Tiếng rao cao và trong, lẻ loi, va đập vào những dãy nhà kín cổng để cuối cùng dội ngược lại vào chính mình. 

***
Con chim sẻ chừng như kiếm bạn, dáo dác một mình đảo hoài trên tán cây. Phải mà hiểu được tiếng nó, Thạch cũng ráng tìm giúp. Nhưng, cũng như tiếng rao đang phát ra từ xe bánh của Thạch, đâu ai hiểu sau tiếng lích chích, con chim đang mải miết tìm gì.

Thạch không biết từ bao giờ mình lại mộng mơ và hay nghĩ linh tinh như vầy. Làm như Thạch hồi xưa đã lột vỏ thành một con người khác. Thạch hồi xưa coi con chim là con chim, cọng cỏ là cọng cỏ; không thèm áp lên hay đặt vào bất cứ ý nghĩ hay sự quan tâm đặc biệt nào. Anh thoáng thấy rùng mình khi nhớ ra mình cũng dùng cách đó để nhìn con người. Nghĩa là, anh chẳng thèm đào sâu vào lời nào để hiểu người đối diện muốn nhắn nhủ gì. Người ta đặt tên cho nó là sự vô tâm của đàn ông. 

Thạch đậu xe bánh dưới bóng cây ven đường, chuyển hướng nhìn từ con chim xuống cái bánh ít anh ăn thay cho bữa trưa. Mấy cái bánh không nhân dành cho anh, đơn giản vì anh chưa canh được nguyên liệu sao cho vừa đủ. Mấy cái bánh này sao mà giống anh hồi xưa: nhìn bên ngoài y hệt những cái bánh khác, chỉ khi lột vỏ, cắn một miếng mới nhận ra bên trong thiếu hụt. 

Thạch tưởng tượng cái bánh là một thằng con nít. Thằng con nít ốm nhom, đầu chờ vờ như con cá rô hạn mặn, chạy tớn tác đi bưng hủ tíu, bán vé số và phụ dọn hàng ngoài chợ. Thằng nhỏ đó quen răm rắp nghe theo lệnh người lớn để cái bụng no và thịt da lành lặn. Thời gian vàng bạc của nghiệp bán buôn làm người ta không kịp rào dựng gì trong lời. Từng câu thốt ra cụt ngủn như lẹ, mau lên, bưng qua ông Tám, tô này dì Hai, bể là mềm thây… Chưa bao giờ thằng nhỏ phải đoán gì.

Thằng nhỏ hơi lúc nào cũng hụt, chân mỏi nhừ chạy từ điểm này tới chợ kia theo những lập trình có sẵn. Trái tim nó phần lớn thời gian đau nghẹn vì phải bơm ô xy liên tục cho chuỗi hoạt động vượt quá tuổi, có phải vì vậy mà không còn đủ sức để cảm nhận những rung động? Trong thời điểm mà trí óc cũng không dìu bước nổi, khi người thầy dạy bổ túc không chịu được cảnh học trò chỉ lác đác mỗi đêm vài đứa đã chán nản rời đi, thằng nhỏ nhớ ba nó nhún vai trong mùi rượu pha cồn hăng hắc mũi rằng thây kệ, chữ đâu có nhét vô bụng được.

Thạch không nhớ mình đã kịp nuốt vô bụng bao nhiêu chữ, đáng buồn là anh nhớ rất rõ những món ngon hồi xưa anh may mắn được nếm. Miếng bánh ít không nhân như kẹt ở cổ, nuốt hoài không trôi. Thạch nhìn qua bên kia, đối diện với anh là bức tường nham nhở tróc vôi vằn vện rêu mốc có dán mấy tấm quảng cáo chương trình ca nhạc. Chữ nhiều quá anh không đọc được hết, chỉ quen quen được hai từ đối mặt. Mà với anh đối cũng gần với đói…

Tiếng rao vẫn đều đặn cất lên, giọng nữ vang và trong lanh lảnh “Ai bánh ít, bánh tét ngọt dẻo thơm ngon hôn”. Tiếng người được máy phát đẩy cao hơn cả cánh chim bay nhưng rồi cũng rụng xuống, không tới được những nơi cần tới. Bằng chứng là xe bánh của Thạch ế nhệ, trời chang chang nắng vẫn còn đầy nhóc.

Không biết khi nào tiếng rao tìm tới được người Thạch cần tìm. 

***
Thạch ngồi thừ bên nồi bánh đang chín dần, chưa tin mình đã thành công. Lần này, anh canh chính xác được nếp, đậu, thịt, chuối vừa đủ. Anh định cười mừng nhưng buồn quá thành ra nụ cười xẹp lép thành tiếng thở dài. Biết bao nhiêu lần ngâm nếp gói bánh nấu hấp, anh vẫn thấy nghề này cực trần thân, không hiểu sao vợ anh có thể làm được mỗi ngày.

Đâu chỉ là gói bánh, đi bán. Biết bao công việc khác: nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, cho heo ăn… ti tỉ thứ không tên khác, chỉ nghĩ thôi đã thấy chúng kéo gót chân nặng trịch mà anh (và biết bao gã đàn ông khác) đã nghĩ đàn bà phải làm. Chưa bao giờ anh hỏi vợ có mệt không, có cần anh phụ tiếp gì không… Anh chỉ biết làm tròn trách nhiệm của mình, như người ta thường kêu đàn ông phải vậy, tức là lao ra đường kiếm đủ tiền thì về, rồi được phép nghỉ ngơi xả láng. Những người đàn bà nghỉ khi nào? Anh nhớ, trong lúc ngủ, vợ anh còn lẩm nhẩm tính tiền gạo nếp củi lửa.

Chà, có khi là do Thạch tưởng vậy là đủ. Những ngày còn sống, má cũng chỉ mong có vậy. Má mong ba anh chỉ cần đi làm đều đặn rồi về nhà nghỉ ngơi. Ba mà đi làm thì nhà đỡ khó khăn hơn. Đừng kiểu tài tử gió hiu hiu buồn thì nghỉ đi nhậu. Cũng đừng lâu lâu lại tặng má đôi ba chỗ bầm và những chuỗi cằn nhằn cử nhử. Má chỉ cần một bữa cơm êm ấm không nước mắt mà đâu có được.

Tại sao bây giờ, khi quá dư dả thời gian và sự cô đơn, Thạch mới thấu nhu cầu hạnh phúc của mỗi người mỗi khác? Vợ anh đâu cần phải quà cáp, chỉ cần những sự quan tâm đúng lúc. Càng tìm cách nhớ, anh càng mù mịt. Anh không thể đếm bao nhiêu lần vợ nhờ gì đó mà anh ừ hử rồi quên vì đầu đã dành hết cho công việc.

Anh không thể liệt kê hết những ngày bệnh không thuốc của cô, những bữa ăn nhường thịt cá cho anh, những ánh mắt mỏi mệt chới với. Con người có phải là bài toán đâu, sao anh nỡ lấy đáp án quá khứ ra điền vào hiện tại để rồi bể cả tương lai.

Ngày vợ bỏ đi, Thạch còn duy trì mọi lập trình có sẵn được thêm nửa tháng. Cuối cùng, guồng quay công việc cũng đứt hay sự lẻ loi âm ỉ đã bùng thành lửa đốt sạch mọi sợi dây đang dẫn anh đi như một con rối. Anh nghỉ việc. Anh học cách gói bánh rồi rong ruổi bán buôn. Anh đi khắp, nghe nơi đâu có tin về cô ấy thì tới.

Anh cứ mải miết đi như vậy. Khi làm công việc vợ từng làm trước đây, anh càng thấm thía khoảng cách từng có giữa hai người. Tất cả câu hỏi đã được giải đáp cho chuyện tại sao cô ấy bỏ đi. 

Giờ, thứ còn lại là giọng rao của vợ Thạch, điều duy nhất Thạch kịp nhớ mà làm cho cô. Cô than rao hoài đau họng quá. Tới lúc Thạch làm xong, chẳng còn ai quảy gánh bánh đi khắp xóm khắp đường nữa. 
Thạch đưa tay bật lại tiếng rao, ứa nước mắt. Anh không thể quên “nhát chém” vào lòng vợ, khi thất vọng vì cái bầu không phải con trai. Anh đã nghĩ gì, anh không nhớ nữa. Giới tính đứa trẻ chẳng phải là hạnh phúc. Đó là gánh nặng được truyền lại từ quá khứ.

Ba má Thạch có hạnh phúc nhiều hơn khi có anh đâu. Họ vẫn bất hạnh vì chưa bao giờ họ chịu hiểu nhau. 

***
Cẩm mân mê mấy tấm hình trong điện thoại, cảnh tiêu điều chẳng hiểu sao lại gieo vào cô hạt giống rộn ràng. Căn nhà vắng hơi người xiêu vẹo như kẻ hấp hối mòn mỏi, rách rưới và thảm não nhưng nơi khoảng sân um tùm cây cỏ ngổn ngang, gốc mai vươn lên xanh tốt quá chừng. Không ai lặt lá, nó vẫn nhú được vài nụ sớm. Mai mốt chúng sẽ bung, khe khẽ vàng giữa rậm rịt lãng quên, có màng ai trở về nhìn ngắm. Hay là nó vẫn đợi?

Gốc mai đó, Cẩm từng kêu anh trồng. Anh chê thứ mai quê, lá nhiều bông thưa. Mai ở chợ đẹp hơn, muốn thì tết ra chợ mua về chưng. Hồi nhà anh còn ở trên ghe, cũng chỉ có mấy chậu mai kiểng là kỷ niệm. Vậy từ bao giờ, gốc mai đã ở đó? Loài cây không chê đất nghèo, không ăn được bất cứ gì từ thân đến lá, bền bỉ chống lại cỏ lấn và báo hiệu mùa đoàn viên. Bông mai vàng nở cho Cẩm hay sao? Còn người, người đang nơi đâu?

- Mày cũng ngộ, nhờ người ta chụp hình dưới quê cho coi chi rồi buồn. Thôi để tao ra đón coi ai bán bánh trái gì mua cho mày ăn, no bụng là đỡ sầu - Liên hồn nhiên như mọi khi, chạy ra theo tiếng rao bánh.

Giọng mình! Là giọng mình! Cẩm hét lên trong đầu. Chân định bỏ chạy nhưng cô đã đứng lên, khi mắt thấy đằng xa thấp thoáng nụ mai hư ảo. Cô bước theo sắc mai, cho tới khi nó đáp xuống gương mặt người đàn ông quen thuộc. Thạch. Ông trời, ông sắp xếp chi cuộc gặp này? 

***
Đứa nhỏ ngủ ngoan trong vòng tay Thạch. Dù chưa gặp ngày nào, dường như tiềm thức đã cho nó hay tình ruột thịt. Anh không ngờ Cẩm vẫn giữ đứa con. Anh càng không ngờ cô chịu cùng anh về nhà. 

Cẩm cũng không hiểu quyết định của mình. Chắc chỉ có Liên lờ mờ hiểu. Đâu tự nhiên mà xe bánh cứ lủi vô xóm trọ công nhân.

Cũng không cần phải hiểu tận tường rành rọt bởi khi Thạch nhìn đứa con gái ngủ ngon lành trong vòng tay anh và Cẩm nhìn đóa mai bung vàng nơi sân nhà, tất cả đều hiểu sự thiêng liêng của chữ tết. Họ nhìn nhau ngại ngùng, mềm và chậm như thời gian nụ mai bung cánh để đọc trong mắt nhau rằng sẽ chẳng bao giờ họ lại để lạc nhau lần nữa.

Phát Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI