Truyện ngắn: Chuyện yêu

28/11/2021 - 07:57

PNO - Tôi có thay đổi như anh Hai không? Tôi có trở thành một cô gái phủ đầy hàng hiệu và né tránh xuất thân nhà quê của mình?

“Anh đi trước, tới lúc mày đi thì đã có anh ở đó, không phải sợ gì nữa. Mày ở nhà cố gắng học hành chăm chỉ. Sách tâm lý nói con gái tuổi như mày dễ bị rủ rê lắm đó, biết không? Cố gắng phụ giúp má công việc ruộng rẫy. Mai mốt anh học xong thì nhà mình không phải khổ nữa…” - anh Hai nói với tôi, cũng nhằm cho má nghe mà biết anh đã khôn lớn rồi, má không cần phải lo cho anh. 

Mắt má đỏ hoe nhưng miệng má cười tự hào. Đợi má quay qua người hàng xóm cũng là phụ huynh đưa tiễn con lên thành phố học đại học, anh Hai ghé miệng vô tai tôi nói thật nhỏ và nhanh: “Hễ ông Bảy qua nhà kiếm cớ mượn cái thang thì mày nói là nó bị gãy rồi để ổng khỏi qua lại nữa, nghe chưa?”.
Tôi mạnh mẽ gật đầu.

Ảnh: NGUYỄN HIẾU NHÂN
Ảnh: Nguyễn Hiếu Nhân

***
Lời dặn dò của anh Hai trên bến xe ngày đó tôi chỉ thực hiện được một nửa, nửa còn lại dính tới ông Bảy thì tôi chịu. Tôi giấu cái thang đi và nói gãy rồi đúng như lời anh Hai dặn thì ngay hôm sau, ông Bảy đem qua cái thang mới làm bằng tre già chắc nụi, ân cần nói: “Cái thang này để hai má con quơ mạng nhện trần nhà với quét bụi bặm trên đầu tủ, chớ đàn bà con gái không nên leo trèo, có gì cần thì cứ kêu bác, đừng ngại”.

Đang phơi phóng mà mây đen kéo tới, má con tôi cuống cuồng cào cào xúc xúc và kéo lê từng bao đậu thì ông Bảy xuất hiện, hai cánh tay rắn rỏi túm lấy bốn góc tấm bạt và vèo một phát, cả sân phơi đã nằm gọn ở góc nhà. Rồi thì đài báo bão, ông Bảy nhắc tôi chở gạo đi xay còn ông leo lên chằng mái nhà… 

Xay gạo về, tôi nấu cơm còn má thì đi chợ. Từ trên mái nhà, ông Bảy xuýt xoa mùi cơm sôi:

- Gạo mới thơm quá hả con?

Tôi buột miệng:

- Dạ, chút nữa mời bác ở lại ăn cơm.

Ở quê, giúp nhau rồi mời nhau bữa cơm là chuyện bình thường.

Vậy nhưng khi trả lời điện thoại anh Hai gọi về, không hiểu sao tôi không thể bình thường được. Tôi kể cho anh nghe chuyện con mèo con chó bầy gà và chiều nay má nấu món canh rau tập tàng… Khi anh hỏi: “Ông Bảy còn qua nhà mình nữa không?”, tôi trả lời bằng cách giả bộ hỏi lại: “Qua làm chi?” rồi lảng qua chuyện khác. 

***

Hình như ông Bảy biết anh Hai không thích mình nên tết đến, anh Hai về, ông Bảy tránh mặt. Song, ông đợi tôi ở đầu đường với chậu hoa cúc và nụ cười hồn hậu: “Hơi nặng tay à nghen. Con chịu khó bưng về chưng trong sân cho vui”.

Chậu hoa khá to và nặng, tôi bưng đi được năm bước thì phải đặt xuống đất nghỉ tay một hồi mới tiếp tục năm bước khác… Lúc tôi khệ nệ về tới cổng thì anh Hai phóng ra đường nhìn ngược nhìn xuôi, cái kiểu như dòm coi tên con trai nào tặng hoa cho tôi mà vì sợ anh nên không dám tới thẳng nhà. Không thấy tên con trai nào, chừng như quê độ, anh cau mày:

- Mua ở đâu, sao không kêu người ta chở tới nhà mà tự bưng cho đau tay?

Tôi đợi nghe má thắc mắc luôn thể mà má chỉ cười cười không nói gì. Anh Hai nhăn mặt nhìn má rồi nhìn tôi, cứ như là má cưng chiều quá coi chừng con gái bị hư.

Qua tết, chuẩn bị trở về thành phố, anh Hai lại dặn dò:

- Ở nhà nhớ chăm chỉ học hành, đừng có đàn đúm bạn bè mà sau này hối hận. Anh tiếng là ở thành phố mà không dám chơi đâu nghe, vừa học vừa làm kiếm tiền để dành mai mốt mày về đó học không phải cực như anh bây giờ, hiểu không?

- Cực như anh bây giờ là sao? - tôi hỏi.

Nghe nói sinh viên thành phố vừa học vừa làm là chuyện bình thường, qua miệng anh Hai nghe cực khổ khác thường, có phải anh lấy đó làm cớ để dạy dỗ tôi không? Anh Hai hỉnh mũi: “Đi làm kiếm tiền vừa đủ trang trải ba bữa cơm sinh viên thì nói làm gì. Kế hoạch của anh là đến lượt mày đi học thì anh sẽ có tiền thuê một căn hộ tươm tất có hai phòng, cho mày riêng một phòng chứ không phải chịu cảnh bốn năm đứa nhồi trong mười mét vuông, hiểu chưa? Rồi anh sẽ đón má lên ở với anh em mình luôn”.

Tôi há miệng trong nỗi ngạc nhiên vui sướng và thấy nể phục anh Hai quá chừng, còn má thì mỉm cười đỏ hồng cả khuôn mặt. Khi đó, tôi chưa hiểu niềm vui của người đàn bà đơn chiếc mong được nương dựa vào con cái, chỉ nghe nói hai anh em đi học đi làm về có má ở nhà nấu cơm canh nóng sốt cho ăn là tôi vui rồi. 

***

Tuy nhiên, khi tôi lên thành phố nhập học thì anh Hai đón tôi từ bến xe, chở thẳng về ký túc xá. Chưa kịp hết ngạc nhiên trước dáng vẻ sang trọng quá chừng của anh Hai thì tôi rơi vào nỗi sửng sốt trước tấm bảng ký túc xá.

- Đời sinh viên phải ở ký túc xá mới vui - anh Hai nói - Mà không dễ xin vô đây đâu nghe, tiêu chuẩn là phải có xác nhận hoạt động phong trào này kia mới được mà mày thì không có nên anh nhờ người quen xin giùm đó.

Tôi ngơ ngác:

- Bàn tính là anh em mình ở với nhau mà? 

- Đại học là người lớn rồi. Tự lập dần đi là vừa.

Anh nói như thể tôi là đứa ăn bám phiền phức. Tôi nuốt xuống cục nghẹn ngang cổ:

- Lỡ má hỏi thì em nói sao đây?

- Thì cứ nói là mày ở với anh. Má tận quê xa sao biết được.

- Nhưng sao em phải nói dối má?

- Thì tùy mày. Muốn nói sao thì nói, má buồn hay vui là do mày.

Tôi rơi vào cảnh rối mù và tủi thân. Rồi tôi tự nhủ chắc anh Hai gặp sự cố gì đó kinh khủng lắm nên mới ra vậy. Tôi tự an ủi, thôi ráng đợi đến khi anh Hai gỡ rối xong thì tôi kể hết cho má nghe, méc má.

Ngày tháng trôi qua mà chẳng thấy gì thay đổi. Thỉnh thoảng, anh Hai ghé qua hỏi han vài câu, cho tôi tiền, rồi anh vội vàng đi để lại mùi nước hoa sang chảnh. Ngạc nhiên nhất là anh hay hỏi: “Mày có người yêu chưa?” khiến tôi tưởng mình bị ù tai. Mấy đứa bạn cùng phòng xuýt xoa khen tôi có ông anh tâm lý quá chừng còn tôi thì hoang mang.

Anh Hai bây giờ quá khác với anh Hai mỗi khi về thăm nhà. Bạn tôi còn khen anh Hai sành điệu hàng hiệu từ tóc xuống giày khiến tôi suy nghĩ, liệu có phải anh Hai mộng làm ăn lớn nên phải trau chuốt dáng vẻ bề ngoài đến vậy. Nhưng anh làm ăn gì mà giấu không muốn cho tôi biết? Mơ hồ trong nỗi bất an, tôi tính chuyện theo dõi anh Hai.

Hùng, tên con trai hay kiếm cớ đem tài liệu tới cho tôi cũng là một tài xế xe ôm ngoài giờ học. Tôi nói để tôi trả tiền xăng, Hùng xua tay nói được tham gia một cuộc theo dõi như phim là đủ phấn khích rồi, Hùng phải trả tiền cho tôi mới đúng. Lý lẽ của kẻ si tình nghe buồn cười thật. May mà đường đông đúc kẹt xe nên Hùng mới đuổi kịp anh Hai, chứ xe của Hùng là xe Wave còn của anh Hai là SH.

Chiếc SH chạy qua cổng một chung cư cao cấp. Tôi và Hùng vô quán trà sữa bên kia đường nhìn qua. Rồi tôi thấy anh Hai đi bên cạnh một cô gái rất đẹp và sang trọng. Gương mặt anh rạng ngời hạnh phúc. Hẳn là anh Hai yêu sâu đậm lắm.

***

Người ta không có lỗi khi yêu một cô gái quá khác biệt với hoàn cảnh gia đình mình. Tôi tự nhủ, tôi biện hộ cho anh Hai, rồi tôi hình dung ngày anh Hai đưa cô ấy về quê chào má… Chắc cô ấy sẽ lắc đầu khi thấy gia cảnh anh tôi và đó là điều anh Hai lo ngại nhất.

Giờ thì tôi hiểu vì sao anh Hai hay hỏi tôi có người yêu chưa. Có lẽ anh nghĩ khi biết yêu tôi sẽ biết thông cảm? Mà thông cảm làm sao đây khi gõ tên chung cư cao cấp đó lên mạng thì màn hình hiện ra những con số khiến tôi choáng váng. Chỉ riêng tiền thuê căn hộ một phòng ngủ ở đó cũng đã gần 20 triệu đồng một tháng. Hẳn anh Hai phải tiêu tốn ghê lắm để trở thành cư dân nơi sang chảnh đó cho xứng với cô ấy.

Biết nói với má sao đây? Những cuộc điện thoại má hỏi thăm anh Hai dạo này sao rồi như một lời nhắc nhở. Tôi thấy thương má và thấy mình bất lực vô cùng. Tôi muốn nói với má rằng đợi con học xong thì con sẽ… nhưng chợt nhớ ra trước đây anh Hai cũng hứa hẹn vậy nên tôi im bặt.

Tôi có thay đổi như anh Hai không? Tôi có trở thành một cô gái phủ đầy hàng hiệu và né tránh xuất thân nhà quê của mình?

Chợt tôi nhận ra lời hứa hẹn có sức mạnh đến thế nào, cũng lời hứa hẹn gây khó con người ta đến thế nào. Từ khi nghe anh Hai nói, má hy vọng lắm. Niềm hy vọng khiến má tươi tắn và khỏe khoắn hơn. Mỗi lần ông Bảy qua nhà, má hay kể về viễn cảnh sum họp gia đình nơi thành phố. Ông Bảy nói như chung vui: “Có đứa con trai giỏi giang, hiếu thảo vậy là mừng cho chị” mà giọng buồn thiu.

Sau đó, tôi không thấy ông qua nhà nữa. Vậy nhưng mùa thu hoạch phơi phóng đầy sân, khi mây đen kéo tới, ông vẫn đến giúp; chỉ có điều, tôi mời ở lại ăn cơm thì ông nói có việc phải về nhà ngay.

Khi đó, tôi nghĩ ông Bảy là hàng xóm tốt bụng. Giờ thì tôi hiểu một mối tình đã tan vỡ.

Không giận anh Hai dốc hết lòng cho tình yêu đến mức bỏ rơi tôi và má, tôi giận vì điều khác. Mong tôi biết yêu để biết thông cảm, vậy sao anh biết yêu rồi mà vẫn khó chịu, không muốn ông Bảy qua nhà? Đã không thể về quê với má và cũng không đón má lên ở cùng, sao anh nỡ để má phải một mình? 

***

Hùng nói tôi dạo này đăm chiêu nhìn như một bà già.

Tôi cũng tự thấy mình già hẳn, bỗng thấy mấy đứa chung phòng cười cười nói nói về ước mơ và hạnh phúc thật quá nhí nhố. Tôi không thể vô tư như vậy được nữa. Tôi thấy ước mơ rất dễ tan vỡ và hạnh phúc sao quá mong manh.

Trời mưa, Hùng đón tôi trên đường từ thư viện về. Chui người trong cái áo mưa sau lưng Hùng, tôi chợt hỏi có khi nào tụi mình rơi rồi tan biến như những giọt mưa. Hùng cười, nói năng khùng khùng vậy là triệu chứng nhớ nhà nặng lắm đó, có muốn về thăm má thì tui chở thẳng ra bến xe luôn nè.

***

Má mở to mắt khi nhìn thấy tôi bước qua cửa, rồi má dụi mắt. Chắc má tưởng mình đang nằm mơ. Tôi la lên: “Đúng là con đây mà”. Má nhoẻn miệng cười, rồi miệng má thành chữ A khi Hùng từ sau lưng tôi bước tới: “Dạ, con chào dì”.

Bến xe ngày mưa lướt thướt ai cũng co ro và tôi cũng co ro. Ánh mắt Hùng nhìn tôi tội nghiệp xen lẫn lo lắng “Trời mưa đi một mình buồn lắm đó. Cho Hùng đi với nghe?”. Tôi gật đầu. Tại trời mưa thôi.

Má tíu tít xách giỏ đi chợ. Hùng xăng xái vô bếp lột hành tỏi. Tôi ra vườn hái rau và nhìn thấy cái thang bằng tre già chắc nụi dựng ở góc vườn. Chắc lâu rồi không ai sử dụng nên mạng nhện giăng đầy.
Tôi nhớ lời ông Bảy “… để hai má con quơ mạng nhện trần nhà với quét bụi bặm trên đầu tủ, chớ đàn bà con gái không nên leo trèo, có gì cần thì cứ kêu bác, đừng ngại”.

Đừng ngại. Đừng ngại. Đừng ngại

Nhưng lời nói đó đã lâu rồi.

Tôi ngập ngừng đi ra đường. Nhà ông Bảy ở cuối xóm. Con chó sủa vang khi tôi đứng lại trước cổng. Nó đã quên tôi rồi. Bỗng tôi thấy ngậm ngùi. Hay là tại tôi đang hồi hộp quá?

Ông Bảy túm cổ con chó lại:

- Người quen mà sủa là sao?

Rồi ông đi ra cổng, vẫn nụ cười hồn hậu thân quen:
- Cháu đưa bạn về thăm má hả?

Ông đã biết về sự xuất hiện của Hùng? Lẽ nào bấy lâu nay, dẫu không còn qua lại, ánh mắt ông vẫn luôn hướng về căn nhà của tôi - nơi chỉ còn má ngày ngày vò võ vào ra ngóng những đứa con đi xa? 

Tôi muốn gục vào vai ông mà khóc một trận.

Tình yêu phải chăng là thứ tình cảm cứ còn mãi, còn mãi? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI