Trung Quốc xả nước các đập để giảm bớt hạn hán khu vực sông Mê Kông

21/02/2020 - 09:12

PNO - Trung Quốc cho biết sẽ gia tăng dòng chảy từ sông Lan Thương để giúp các nước tiểu vùng Mê Kông giảm nhẹ hạn hán.

Trung Quốc tuyên bố xả nước các đập sông Mê Kông để giúp các nước hạ nguồn khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài
Trung Quốc tuyên bố xả nước các đập sông Mê Kông để giúp các nước hạ nguồn khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được đưa ra khi một báo cáo kinh tế mới dự báo việc xây dựng các đập khai thác thủy điện trên sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của 5 quốc gia dọc theo con sông này, thúc đẩy lạm phát dài hạn và sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hạn hán trong năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và đánh cá ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam, và nhiều người đổ lỗi cho tình trạng này là do 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông mà Trung Quốc gọi là sông Lan Thương, cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết thiếu mưa là nguyên nhân chính của hạn hán và cho biết Trung Quốc cũng phải chịu điều đó. Phát biểu tại hội nghị của Nhóm hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC), Bộ trưởng Vương Nghị nói: "Trung Quốc đã khắc phục khó khăn của riêng mình và gia tăng dòng chảy từ sông Lan Thương để giúp các nước tiểu vùng Mê Kông giảm nhẹ hạn hán".

Ông Vương tuyên bố: "Chúng tôi cũng đồng ý tăng cường hợp tác như vậy trong khuôn khổ LMC để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước".

Một loạt các công trình xây dựng đập mới ở Lào sẵn sàng ngăn dòng sản xuất điện, các tranh chấp an ninh lương thực và nguồn nước đang tăng lên dọc sông Mê Kông, đang ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 60 triệu người.

Bốn tháng qua, Lào đã mở hai con đập ở hạ lưu sông Mê Kông và chuẩn bị bắt tay vào xây dựng con đập thứ ba vào cuối năm nay gần thành phố Luang Prabang.

Trước tình hình đó, một báo cáo phân tích của Fitch Solutions Macro Research, một tổ chức tư vấn quốc tế tên tuổi, cho biết việc xây dựng các đập nước đã thay đổi sinh kế và sẽ có tác động sâu sắc đến người dân hạ nguồn Mê Kông trong thập kỷ tới.

Báo cáo trích dẫn các nghiên cứu của Ủy ban sông Mê Kông dự báo thiệt hại nặng nề trong đánh bắt và trồng trọt, điều này sẽ buộc các nước trong khu vực tiểu vùng phải nhập khẩu thêm lương thực. Báo cáo nêu rõ, điều này khiến các quốc gia tiểu vùng đứng trước nguy cơ thiếu lương thực và mất giá tiền tệ dài hạn do lạm phát cơ cấu cao hơn so với các đối tác thương mại của họ.

Báo cáo nhận định, "điều đó sẽ khiến nền kinh tế các nước vùng Mê Kông ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu thực phẩm thiết yếu để bù đắp sự thiếu hụt trong dài hạn, khiến các quốc gia này thậm chí còn dễ bị ảnh hưởng của Trung Quốc hơn".

Báo cáo cũng dự đoán kinh tế nông nghiệp khu vực Mê Kông sẽ chuyển đổi theo hướng dịch vụ sản xuất và du lịch.

Việt Hưng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI