Trung Quốc: Mặt trái của chính sách một con

13/05/2013 - 20:10

PNO - PN - Cuối tuần qua, Nhân dân Nhật báo đưa tin đạo diễn Trương Nghệ Mưu có “ít nhất bảy người con và đang đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 160 triệu nhân dân tệ (tương đương 26 triệu USD)” do vi phạm chính sách một con...

Vụ việc lại gợi lên trong dư luận những “mặt trái” của chính sách một con. Trung Quốc thực thi chính sách này từ năm 1979 đến nay như “biện pháp tạm thời” để hạn chế tăng dân số ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tháng 6/2012, cư dân mạng Trung Quốc kinh hoàng với bức ảnh một phụ nữ ở tỉnh Thiểm Tây buộc phải phá thai - bà Feng Jianmei nằm trên giường bệnh, bên cạnh là bào thai bảy tháng tuổi đã chết. Nguyên nhân bà Feng phá thai là do không có tiền nộp phạt khi vi phạm chính sách một con.

Tổ chức xã hội Tất cả cô gái được phép nói hỏi chuyện vợ chồng bà Feng và xác nhận người ta đã dùng vũ lực để đưa bà Feng đến bệnh viện, bà cũng bị trông chừng cẩn thận trước khi thực hiện việc phá thai. Một quan chức địa phương không thừa nhận chuyện cưỡng ép phá thai với bà Feng, nhưng điều tra sơ bộ của Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thiểm Tây cho thấy, đã xảy ra việc buộc phá thai trong trường hợp này.

Trung Quoc: Mat trai cua chinh sach mot con

Những trẻ em Trung Quốc chào đời từ chính sách một con (ảnh: china-make.com)

Trong ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông, đóng vai một nhà báo từ Bắc Kinh đến địa phương tìm hiểu về phong trào kế hoạch hóa gia đình, nhà văn gốc Trung Quốc Ma Jian đã được nghe một viên chức kể cách thức họ làm việc. Người này đưa ra một quyển sổ ghi chép chu kỳ kinh nguyệt và kết quả kiểm tra vùng xương chậu của tất cả phụ nữ trong làng ở tuổi sinh đẻ. Mỗi ba tháng, họ lại bị siêu âm để kiểm tra vòng tránh thai vẫn “yên vị” hay không.

Kết quả của chính sách kế hoạch gia đình mạnh tay đó, một mặt, được ghi nhận là góp phần tăng trưởng kinh tế khi giảm được 400 triệu ca sinh nở trong 30 năm qua nhưng mặt khác, dẫn đến sự mất cân bằng giới tính rất lớn. Cụ thể, đến tháng 8/2012, Trung Quốc có 114 nam trên 100 nữ ở những em bé từ sơ sinh đến bốn tuổi, trong lúc tỷ lệ thông thường là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dân số Trung Quốc đang già đi, lực lượng lao động bị thu hẹp là lẽ tất yếu.

Bên cạnh đó còn phát sinh những vấn đề xã hội như khoảng 10% nam giới được sinh ra từ năm 1980 đến năm 2000 sẽ không thể lấy vợ. Đến năm 2020, 30% nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không tìm thấy cô dâu. Chưa kể, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Úc về nhân cách của những đứa trẻ ra đời từ sau khi có chính sách một con, cho thấy họ thường thiếu lòng tin, bi quan nhiều hơn, khả năng tranh đấu thấp hơn.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa có ý định thay đổi hoặc chấm dứt chính sách một con.

VĨNH LINH 
(tổng hợp từ BBC, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI