Trộm cướp châu Âu tấn công du khách châu Á

23/08/2016 - 06:44

PNO - Tình trạng trộm cắp, cướp bóc, bạo lực ở nhiều thành phố du lịch nổi tiếng của châu Âu khiến không ít du khách mang họa.

Sự việc nghiêm trọng xảy ra tại khu ngoại ô Aubervilliers (Paris, Pháp) hai tuần trước, một đầu bếp gốc Hoa (49 tuổi) bị ba kẻ tấn công vì ra tay bảo vệ người bạn khỏi bị giật túi xách. Chấn thương quá nặng khiến người này qua đời sau nhiều ngày hôn mê. Cộng đồng người Hoa ở đây cùng nhau ký đơn thỉnh nguyện gửi chính phủ Pháp, kêu gọi chống các cuộc tấn công nhằm vào người châu Á.

Hiện đã có 11.000 chữ ký từ khắp nơi gửi về. Không hẳn bọn đạo chích chỉ nhắm vào người châu Á. Chúng tấn công đối tượng không phải người bản địa vì những người này không rành luật lệ và khó liên hệ nhờ chính quyền giải quyết. Điều đầu tiên “bắt mắt” chúng chính là du khách luôn mang theo nhiều tiền mặt bên người cùng các vật dụng đắt tiền. Khổ thay, du khách châu Á thường hay như vậy. Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2016, ở Aubervilliers đã xảy ra 666 vụ trộm cắp, cướp giật được khai báo. Tháng trước, cảnh sát Paris bắt giữ năm đối tượng thuộc băng nhóm sừng sỏ ở Aubervilliers, những kẻ chuyên tấn công người châu Á mà chúng cho là thừa tiền của. Kẻ phạm pháp chỉ từ 19 tuổi trở xuống nhưng đầy kinh nghiệm.

Trom cuop chau Au tan cong du khach chau A
Cảnh sát Trung Quốc có mặt ở Rome để hỗ trợ du khách nước mình Ảnh: GUARDIAN

Đầu tháng này, 27 du khách Trung Quốc bị một nhóm thanh niên tấn công khi họ đang đón xe buýt đến sân bay Charles de Gaulle ở Paris. Theo thống kê, 60% du khách đến Paris đều mua những món đắt tiền, mức chi tiêu trung bình 1.000 - 1.500 USD/ngày. Ước tính mỗi năm du khách Trung Quốc chi tiền tỷ (USD) trong các chuyến du lịch châu Âu. Vì thế, khách Trung Quốc nói riêng và du khách nói chung đều được kẻ gian “chăm sóc” đặc biệt. Năm nay, Paris bắt đầu triển khai trạm cảnh sát di động trên xe buýt nhằm hỗ trợ khách nước ngoài.

Thành phố Rome (Italia) là địa điểm du lịch được yêu thích và không tránh khỏi tình trạng “thập diện mai phục” của những kẻ đầu trộm đuôi cướp. Từ tháng Năm vừa qua, chính quyền Rome linh động cho phép cảnh sát Trung Quốc xuất hiện ở các khu phố đi bộ, hỗ trợ du khách nước mình, giúp họ an tâm khi đến Rome. Thành phố Milan cũng áp dụng hình thức trên sau đó không lâu. Không muốn mất đi nguồn du khách hùng hậu đến từ châu Á, Italia có sáng kiến nhận cảnh sát bổ sung từ nước ngoài.

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) cũng là “điểm nóng” trong cẩm nang du lịch châu Âu. Kim (22 tuổi), sinh viên Hàn Quốc đã có một trải nghiệm nhớ đời ở Barcelona. Khi đi dạo trên phố, Kim bất ngờ bị một thành niên bản địa bắn súng nước vào người. Trong lúc Kim loay hoay che mặt, một thanh niên khác giật túi xách của anh, trong đó có thiết bị điện tử, máy chụp hình đắt tiền. Kim đến cảnh sát địa phương trình báo thì thấy ở đó có ba nạn nhân khác, cũng người Hàn Quốc. Kim chia sẻ: “Tôi từng nghe về nhiều trường hợp du khách bị móc túi khi du lịch châu Âu nhưng chẳng thể tưởng tượng mình cũng là nạn nhân”.

Theo cơ quan ngoại giao Hàn Quốc, khoảng 1.500 lượt du khách nước này bị mất cắp khi du lịch châu Âu hằng năm và phần lớn dồn vào mùa hè. Một nạn nhân người Hàn Quốc họ Lee (43 tuổi) kể về chuyến thăm Rome mà anh chẳng muốn nhớ đến. Được người bạn bản xứ chở đi tham quan thành phố, anh để toàn bộ hộ chiếu, máy ảnh, tiền mặt trong xe khi vào quán ăn. Lúc quay lại xe, anh sững sờ vì cửa kính bị đập nát; toàn bộ giấy tờ, tiền bạc chẳng còn. Khi báo cảnh sát, anh nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi không có nhiều người để xử lý những vụ việc như vậy”.

Anh Thông (Theo Bloomberg, Guardian, Koreajoongang Daily, China Daily, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI