Trì hoãn hoá vàng vì muốn "giữ" cha mẹ ở lại

26/01/2023 - 18:47

PNO - Hoá vàng là hết tết, là tiễn ông bà. Chồng tôi trì hoãn ngày hoá vàng bởi anh lưu luyến cha mẹ quá cố.

Kể từ lúc ra ở riêng thì tết năm nay chúng tôi đón năm mới vui vẻ và an nhiên nhất. Gia đình tôi không phải canh cánh nỗi lo về dịch bệnh, thành viên 4 người sum vầy trong căn nhà nhỏ ấm áp.

Ba mẹ chồng tôi mất đã vài năm. Tuy ở chung cư nhưng chúng tôi vẫn bài trí một góc thờ phụng nho nhỏ đủ để con cháu bày tỏ sự thành kính, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Năm nay, chúng tôi quyết định đón tết ở nhà, không đi du lịch. Từ ngày 29 tháng Chạp tôi đã lau chùi, bày biện hoa trái và bánh kẹo để sửa soạn ban thờ. Xấp vàng mã gửi ông bà tổ tiên được tôi đặt trên ban thờ, đợi tới ngày hoá vàng, tiễn ông bà thì mới đem đốt.

Nhớ mùa tết nhiều năm trước, gia đình chúng tôi sum vầy, có ông bà và con cháu (ảnh minh hoạ)
Nhớ mùa tết nhiều năm trước, gia đình chúng tôi sum vầy, có ông bà và con cháu (ảnh minh hoạ)

Vợ chồng tôi tâm niệm rằng, việc thờ cúng tổ tiên xuất phát từ lòng thành. Khi còn tại thế ông bà thích món gì thì mình sẽ cúng cơm món đó. Tôi vẫn nhớ lúc mẹ chồng mình còn sống, bà từng nói đùa: “Tụi bây đừng cúng chuối xanh nha. Chuối xanh tụi bây có ăn được không mà bắt ông bà ăn”. Thế rồi mấy mẹ con cười phá lên. 

Từ trưa 30 tết, ngày nào tôi cũng dậy sớm, pha trà, thay chén nước trên ban thờ và bày cơm cúng ông bà. Đứa con dâu vụng về như tôi chẳng biết làm sao cho đủ lễ, chỉ luôn tâm niệm rằng món nào gia đình thích ăn thì mình sẽ cúng món đó. Khi còn sống ba mẹ thích món gì, mình sẽ nấu món ấy.

Ba chồng tôi là người miền Nam, mẹ chồng quê ở Nam Định. Thế nên hồi ông bà còn thì mâm cơm bao giờ cũng là sự giao thoa của hai miền Nam - Bắc.

Ngày tết, gia đình tôi luôn cúng các món tết Nam bộ như thịt kho trứng (ăn với cơm trắng), canh khổ qua dồn thịt, lát bánh tét với tôm khô, củ kiệu và quả trứng vịt bắc thảo. Tất nhiên, cơm cúng cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng, canh măng hầm xương, thịt đông - dưa chua, đĩa xôi gấc mà tôi dành riêng cho mẹ chồng.

Tôi để ý, sau mỗi lần thắp nhang cúng cơm ông bà, chồng tôi thường ngồi ở sofa rồi lẳng lặng ngó qua mâm cơm cúng. Anh nhìn vào khoảng không nơi bày mâm cỗ, nghĩ rằng có lẽ ba mẹ đang ở đó. Vẫn mâm cơm thế này vào những ngày tết của nhiều năm về trước, ba mẹ chồng tôi cũng ngồi ăn cùng con cháu. Bà còn phụ giúp tôi sửa soạn chén đũa và rót ly rượu vang để ông ăn cho ngon miệng.

Vài năm qua, gia đình tôi xảy ra nhiều biến cố. Cứ tới bữa cơm ngày tết, ngồi quây quần bên nhau, chúng tôi đều trầm mặc bởi thấy thiêu thiếu, trống vắng. Ngồi ăn cơm, con gái tôi lại tíu tít kể về bà nội: “Ngày xưa bà may áo cho gấu bông của con. Cứ ngày Mùng 1, bà miễn cho mẹ không phải rửa chén. Bà bảo cả năm mẹ vất vả rồi, tết cứ để chén đĩa đó, mặc đồ đẹp đi chơi cho thảnh thơi, nhàn nhã…”

Gắp một miếng thịt kho lên ăn, chồng tôi nói: “Em kho gần giống mẹ rồi nè. Ngày xưa, ba thích món này lắm!”.

Chồng tôi trì hoãn làm cơm tiễn ông bà, muốn giữ ba mẹ ở lại với mình lâu thêm (ảnh minh hoạ)
Chồng tôi trì hoãn làm cơm tiễn ông bà, muốn giữ ba mẹ ở lại với mình lâu thêm (ảnh minh hoạ)

Sáng mùng 3 tết, hàng xóm nhiều nhà đã làm cơm cúng, tiễn ông bà. Trên ban thờ của nhà chúng tôi, trái sung khô quéo lại, hoa đã ngả vàng. Tôi nói với ông xã: “Nay mình hoá vàng tiễn ông bà nha”. Khi ấy, gương mặt chồng tôi tỏ rõ nét bối rối. Chồng tôi đáp: “Ơ, từ từ, năm nay mình ở nhà mà em. Để ông bà ở chơi thêm mấy ngày nhé”. 

Hôm nay là mùng 5 tết, hoa trái trên ban thờ đã tàn rũ. Tôi lại nhẹ nhàng tìm cách đặt vấn đề: “Anh ơi, hoa trái hư hết rồi, để đồ hư trên ban thờ là không giữ lễ với ông bà đó. Anh để em làm cơm cúng, tiễn ba mẹ nha anh”. Chồng thở dài rồi ừ thật nhẹ.

Chồng tôi thẫn thờ vì ngày tết sao qua mau, anh cố trì hoãn, níu kéo để giữ ba mẹ ở lại với mình lâu hơn một chút. Tôi biết là anh đang rất nhớ ba mẹ. Người ta cứ nghĩ rằng chỉ trẻ con mới nhớ cha mẹ, mới lưu luyến, đeo bám không nỡ rời xa. Thực ra không phải vậy. 

Chồng tôi không trực tiếp nói ra tình cảm của mình, nhưng niềm nhớ thương bày tỏ qua mâm cơm cúng. Các cuộc trò chuyện của anh đều ngập tràn ký ức về cha mẹ.

Thanh Huyền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoanganh 27-01-2023 15:55:48

    Đọc mà thương nhớ cha mẹ đã ra đi, biết rằng đó là quy luật luân hồi. Ai còn cha mẹ hãy biết trân trọng sống sao cho phải đạo làm con, chăng có cha mẹ nào là không thương yêu con cả

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI