Ai tiếp tay cho ngoại tình nơi công sở?

25/07/2025 - 06:00

PNO - Nghiêm khắc, thẳng thắn, không kiêng dè... thì sẽ không dung túng cho những kẻ sống theo bản năng, vì đa số những kẻ ngoại tình đều sợ bị “bóc phốt”.

Tôi không định góp thêm ý kiến vào vụ scandal ngoại tình của cặp đôi trên đất Mỹ xa xôi, dù là chia sẻ hay phản đối. Tôi tin rằng với địa vị xã hội như thế, những người trong cuộc hẳn có lý do và họ đều có khả năng tự nhận thức về hành vi của mình cùng những hệ luỵ (nếu có), nhưng tôi thích cách đặt vấn đề của bài viết Biết đồng nghiệp ngoại tình, bạn chọn im lặng hay lên tiếng?

Nhân vật chính của vụ scandal trong đêm concert của Coldplay (ảnh: Facebook)
Nhân vật chính của vụ scandal trong đêm concert của Coldplay (ảnh: Facebook)

Thực ra, nạn ngoại tình nơi công sở (tôi dùng từ “nạn” để thấy chuyện này quá phổ biến và có khả năng “lây lan” dễ dàng chứ không phải hiếm hoi gì) sẽ không có điều kiện phát triển nhanh và... dễ dàng như cỏ dại nếu những người xung quanh tỏ thái độ bất bình hoặc ít ra là không đồng tình, thay vì chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Không đồng tình để “người trong cuộc” hiểu mình đang sai mà dừng lại, để không đi quá xa và ảnh hưởng đến người khác.

Hơn nửa đời làm dân công sở, tôi từng chứng kiến không ít chuyện ngoại tình, từ sếp mình đến bạn bè đồng nghiệp, đối tác. Tôi vẫn nhớ 2 câu chuyện không biết là vui hay buồn ở những nơi tôi đã từng làm việc. Một cô bạn làm ở phòng IT khi đã chuyển sang công ty khác cho biết, dạo còn ở công ty cũ, do đặc thù công việc nên cô thường xuyên đọc được các nội dung email hoặc chát tình tứ trên mạng nội bộ của các cặp làm chung trong công ty. Đáng nói là những cặp này đều đang có gia đình.

Một anh bạn khác phụ trách kỹ thuật của công ty trong những lần trò chuyện vui lại cho biết do thường xuyên kiểm tra, bảo trì tổng đài điện thoại của công ty, anh hay nghe được những cuộc trò chuyện qua điện thoại nội bộ giữa những cặp đồng nghiệp đã có gia đình, nội dung tình cảm chứ không chỉ trao đổi về công việc. Anh bảo nhờ vậy anh còn phát hiện nhiều bí mật động trời mà không tiện nói ra.

Công sở là môi trường thuận lợi cho việc ngoại tình (ảnh: Getty Images)
Công sở là môi trường thuận lợi cho việc ngoại tình (ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, nhiều “nhân chứng” không giữ bí mật như cô bạn làm phòng IT và anh nhân viên kỹ thuật nói trên. Không ít đôi tình nhân nơi công sở đã tự rã đám nhờ thái độ phản đối ra mặt của những người xung quanh.

Một chị đồng nghiệp trong công ty cũ của tôi vốn thẳng tính và có lối nói chuyện gắt hay nói kháy mấy cặp đôi “dan dan díu díu mập mờ” như thế.

Có anh nọ bên khối sản xuất hay sang phòng chị làm việc gửi đồ ăn sáng, ăn trưa cho một chị cùng phòng. Không hiểu có phải do bị chị mỉa mai mấy lần mà cặp kia tự giãn ra, không còn thấy họ thậm thụt qua lại hay cứ kè kè nhau những lần công ty tiệc tùng, họp mặt nữa.

Lần khác ở một công ty khác, không hiểu chị giám đốc nhân sự đã khuyên nhủ, tâm sự với một nhân viên nữ ở phòng thiết kế những gì mà sau đó không thấy chị nhân viên ấy qua lại thân thiết với anh đồng nghiệp bên phòng kinh doanh nữa.

Có thể nói công sở chính là môi trường “màu mỡ”, thuận lợi cho "virus ngoại tình” sinh sôi, phát triển. Do người ta trải qua phần lớn thời gian ở chỗ làm hơn ở nhà; do ngưỡng mộ, cả nể, thậm chí là hãnh diện khi được cấp trên để ý; do tiếp xúc thường xuyên trong công việc nên hiểu rõ tính cách của nhau; do được hỗ trợ trong công việc nên phát sinh cảm giác mang ơn, nể phục…

Tuy nhiên, một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm nạn ngoại tình chốn văn phòng chính là cách ứng xử của người xung quanh. Nghiêm khắc, thẳng thắn, không kiêng dè... thì sẽ không dung túng cho những kẻ sống theo bản năng, chính vì đa số những kẻ ngoại tình đều rất sợ bị bóc phốt.

Có nhiều lý do khiến người ta chọn im lặng trước những cuộc ngoại tình nơi công sở. Có người sợ bị trù dập (khi 1 trong 2 hoặc cả 2 người ngoại tình là quản lý, có quyền lực, địa vị). Có người bị lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác do năng lực kém. Có người im lặng vì… cùng hội cùng thuyền. Kể cả im lặng vì đã được “bịt miệng”, hối lộ…

Có những người chọn thái độ bàng quan, mackeno (mặc kệ nó) vì không thích nhúng mũi vào chuyện người khác. Có người mỉa mai, cay nghiệt vì chướng tai gai mắt. Im lặng hay lên tiếng có lẽ tuỳ thuộc tình huống, mối quan hệ của “nhân chứng bất đắc dĩ” với đương sự. Nhưng nhìn chung, trừ khi có liên quan đến lợi ích cá nhân, bổng lộc gì hay sợ mích lòng, người ta mới im lặng, đồng tình hay ủng hộ, chứ chẳng ai cổ xuý chuyện ngoại tình, dù ở công sở hay bất kỳ đâu.

Nhiều người ở phe ủng hộ cho rằng, không phải tự nhiên mà người ta ngoại tình, hoặc không phải người trong cuộc thì không nên phản đối vì chắc gì người ngoài hiểu được nội tình. Tuy nhiên, không ai cấm họ yêu nhau, nhưng nên là yêu công khai, minh bạch mà không xâm phạm lợi ích, tinh thần của người khác, không vi phạm đạo đức và pháp luật.

Còn im lặng, dù là lý do gì đều là sự tiếp tay cho ngoại tình cả thôi!

Hào Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI