Nấu mâm cúng ông bà mà nhớ quê cay mắt...

24/01/2020 - 07:10

PNO - Lũ trẻ con của mẹ ngày xưa cứ đợi tàn cây nhang là háo hức ngồi quanh mâm.
Bây giờ, ngày 30 Tết, những đứa con của mẹ có khi còn vắng mặt...

Năm đầu tiên đón Tết ở nhà mới, tôi phải nán lại Sài Gòn để nấu mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết. 

Mâm cơm đơn giản nhưng cũng cố gắng có đủ những món truyền thống học được từ thời còn bà ngoại. Nồi canh khổ qua dồn thịt, món thịt kho trứng, bún xào ngũ sắc, rau củ xào, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, giò chả, trà nước, mâm ngũ quả...Tôi loay hoay trong bếp từ sáng đến trưa, rồi bày biện, thắp hương, khấn vái sức khỏe, bình an cho gia đình. 

Nhà mẹ giờ cũng ở trong lòng phố. Lũ trẻ con của mẹ ở quê xưa, ngày 30 Tết cứ đợi tàn cây nhang là háo hức ngồi quanh mâm, "nhiệt tình" thưởng thức bữa ăn ngon lành mà chỉ ngày Tết mới có. Đám trẻ con ngày ấy đứa nào cũng ăn nhiều, chẳng mấy chốc mà các dĩa thức ăn vơi dần, sạch nhẵn. Chúng ăn đến hoa quả, thỏa thích uống nước ngọt, nói cười rôm rả, rồi cùng nhau dọn rửa.

Quê nhà giờ đã thành cố hương...
Quê nhà giờ đã thành cố hương...

Những đứa trẻ ấy bây giờ, đứa nào cũng đã lấy chồng lấy vợ, có nhà cửa riêng, không ở thành phố thì cũng ở quê chồng tận miền xa. Mỗi năm Tết đến, chúng chỉ tụ tập đông đủ về nhà mẹ được đúng một ngày Mùng Một. Có đứa về quê chồng/vợ trước Tết. Có đứa chiều mùng Hai đi. Những Tết sau này, mẹ tôi không còn chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy ắp trong tủ lạnh nữa. Sang mùng Ba là nhà lại vắng ngơ vắng ngắt, chỉ còn những người họ hàng thi thoảng ghé thăm, ngồi trà mứt một chút lại đi chúc Tết các nhà khác. 

Mẹ tôi vẫn hay nhắc, hồi đó ngày nào cả nhà cũng bận rộn tưng bừng. Hết làm vịt nấu cháo đến nhào bột gói bánh, không chỉ nấu bánh chưng bánh tét mà mẹ còn đổ bánh in, gói bánh ít, sên thật nhiều mứt dừa, mứt gừng để "ra Giêng" con cháu mang theo lên thành phố ăn dần. Tôi biết mẹ chạnh lòng, mỗi khi nghĩ về cái Tết đoàn viên đúng nghĩa thưở còn ông bà ngoại.

Những cái Tết sau này của gia đình tôi đơn giản hơn xưa rất nhiều. Nhà cửa thì ngày nào mẹ cũng quét dọn tinh tươm, bếp núc sắp xếp ngay ngắn, cây cối chăm sóc quanh năm. Nhà phố cũng không rộng bằng khu vườn năm xưa để mà cuối năm cả nhà phải cùng nhau dọn cỏ, phát quang bờ bụi. Hiên nhà của mẹ giờ chỉ đủ treo vài lẵng hoa, để vài chậu quất, cúc mâm xôi cho ra "màu Tết". Chứ đâu còn là vuông sân nhà cũ có hai cây mai to, cứ đến đầu tháng Chạp là chị em tôi mỗi chiều tranh thủ ra tuốt lá mai, phải tuốt mấy ngày mới xong. Rồi những ngày sau đó phải canh tưới nước sao cho đúng 29, 30 Tết là hoa mai nở vàng rực cả sân nhà.

Đối với tôi, Tết ở thành phố không thể nào gây thương nhớ bằng Tết ở quê
Đối với tôi, Tết ở thành phố không thể nào gây thương nhớ bằng Tết ở quê 

Ở vuông sân ấy, những ngày nghỉ Tết bọn trẻ của làng háo hức bày trò chơi đồ hàng, chơi nhảy dây, đánh banh, múa hát...Chúng được mặc quần áo mới, được "chơi thả cửa" vì "Tết mà". Vuông sân ấy mẹ rọc lá chuối trong vườn phơi để chờ gói bánh chưng, vuông sân ấy tôi có những đêm ngồi trông nồi bánh chưng và ngủ gục trong lòng các chị. Đến khi trời sáng, đã thấy mâm bánh được vớt ra thơm lựng. Bếp củi còn than hồng đỏ rực, lại hí hửng vùi vào đấy bắp, khoai lang, có khi nướng bánh phồng (loại bánh phồng có vịt ngọt, hươ qua lửa than là bột bánh sẽ phồng lên, chín giòn).

Chị tôi hay nói: "Ngày xưa thật là những ngày hạnh phúc mà mình đâu có biết". Cái hạnh phúc hồn nhiên dù cuộc sống còn rất thiếu thốn. Chỉ đến Tết nhà tôi mới được ăn thịt vịt. Tết năm nào mẹ cũng mua về 10 con vịt mập, dựng bồ tăng (dụng cụ đan bằng tre nứa, quay tròn lại chủ yếu được dùng trữ lúa gạo ở quê) để nhốt những chú vịt lại. Tôi hay ra nhìn những chú vịt, hình dung "con này", "con này" là dùng cúng ông bà, ăn mùng Một, "con kia", "con đó" dành đãi khách mùng Hai, rồi cúng đất mùng Ba...

Giờ nghĩ lại, nhiều lúc bật cười mà thấy cay cay khóe mắt. 

Cảm ơn ông bà, cha mẹ đã giữ hương vị Tết cho con cháu. Ảnh - st
Cảm ơn ông bà, cha mẹ đã giữ hương vị Tết cho con cháu - Ảnh sưu tầm

Mẹ tôi theo Phật, ăn chay đã nhiều năm. Những năm gần đây bà chỉ làm mâm cúng chay. Không có chú vịt hay con gà nào bị giết chết vì gia đình chúng tôi trong những ngày mừng năm mới. Mẹ không còn dám nấu gà nấu vịt, tôi bị ảnh hưởng, cũng không dám động tay làm. Bữa cơm tất niên của cả nhà chủ yếu duy trì món thịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt, những món cá hoặc giò chả, cùng với phần thức ăn "góp" từ mâm cúng nhà tôi, hoặc nhà các chị gái.

Bây giờ ăn ngon mặc đẹp quanh năm, đâu còn thiếu thốn như những ngày xưa nữa, có khi mấy đứa cháu chỉ đụng đũa vài lúc là ngán, rồi chúng tỏa ra đi chơi, chụp hình, hoặc cắm mặt vào điện thoại. Không gian nhà phố đâu còn cho chúng vuông sân rộng mà nô đùa, đâu còn vườn cây ăn quả sai trái mà rủ nhau đi hái; cũng không còn cánh đồng mênh mông mà thả diều, hay chơi những trò rồng rắn lên mây, năm mười mười lăm của những đứa trẻ quê xưa. 

Năm tháng ấy, trong lòng tôi lúc nào cũng mộng ước được lên thành phố, đi học, đi làm kiếm tiền, để ít ra cuộc sống không còn vất vả. Nhưng, khi đã thực hiện những mong ước của mình rồi, quay đầu nhìn lại quê nhà hun hút xa. Có những điều quý giá đã qua đi mà không thể quay lại tìm thấy được thêm một lần nào nữa...

"Quê nhà tôi ơi, chân trời xanh biếc..."

Bây giờ là những ngày cuối năm. Tôi lại chuẩn bị nấu mâm cúng cho ngôi nhà của mình trong lòng thành phố. Vẫn chuẩn bị đủ mọi lễ nghi như mẹ đã từng dâng lên ông bà tổ tiên, cố gắng gìn giữ để mai này khi có con, tôi mong chúng sẽ ghi nhớ và gìn giữ những giá trị truyền thống đã được trao truyền từ thời ông bà sơ, cố, ngoại, mẹ, cho đến bây giờ.

Tết là dịp để trở về - không chỉ là về nhà mà còn là về với một miền tâm tưởng đã ở lại mãi mãi cùng quá vãng...

Lục Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI