Trẻ em và “món nợ miễn dịch” sau thời COVID-19

25/08/2022 - 06:17

PNO - Khi thế giới thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, có đến 25 triệu trẻ em đã bỏ lỡ việc chủng ngừa các bệnh phổ biến như sởi và bại liệt, dẫn đến nguy cơ bùng phát những dịch bệnh có thể tránh được.

Giảm tiêm chủng, nhiều căn bệnh tái xuất

Dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thu thập cho thấy, tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã giảm 5% trong giai đoạn 2019-2021, xuống mức 81% trên toàn thế giới. 

DTP3 được coi là một chỉ dấu về mức độ bao phủ của vắc-xin. Nếu trẻ em bỏ lỡ những mũi tiêm này, chúng có thể cũng sẽ bỏ lỡ các mũi tiêm chủng quan trọng đối với nhiều bệnh khác. Báo cáo năm 2021 ghi nhận, 25 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ các lần tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh như sởi. Kết quả, từ tháng 1-4/2022, gần 50.000 trường hợp mắc bệnh sởi đã được báo cáo trên toàn thế giới, nhiều gấp đôi số trường hợp được báo cáo trong bốn tháng đầu năm 2021. 

Vào tháng Hai và tháng Năm, Malawi và Mozambique báo cáo đợt bùng phát vi-rút bại liệt đầu tiên trong gần 30 năm. Tại khu vực trung tâm TP.New York (Mỹ), tỷ lệ tiêm phòng bại liệt ở trẻ em tại một số cộng đồng chỉ đạt 37% dù đã có quy định về tiêm chủng vắc-xin. Kết quả này được xem là làm tăng nguy cơ bùng phát dịch do vi-rút lưu hành tại địa phương sau nhiều thập kỷ. 

WHO và UNICEF cũng phát hiện thấy số lượng trẻ em gái được tiêm vắc-xin chống lại vi-rút papilloma ở người (HPV) - một tác nhân gây bệnh có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung - sụt giảm đáng kể. Ở bang Kerala, Ấn Độ, bệnh sốt cà chua hoặc cúm cà chua được ghi nhận trên 82 trường hợp là trẻ em dưới năm tuổi. Tương tự bệnh tay chân miệng, cúm cà chua gây mất nước, sốt, mệt mỏi, phát ban và các vấn đề về da.

 

Y tá chuẩn bị tiêm vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR)… tại phòng khám dành cho trẻ em ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ - ẢNH: WASHINGTON POST
Y tá chuẩn bị tiêm vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR)… tại phòng khám dành cho trẻ em ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ - ẢNH: WASHINGTON POST

Nguy cơ từ các bệnh lan truyền qua hô hấp

Các biện pháp ứng phó với đại dịch không chỉ giúp ngăn chặn SARS-CoV-2 mà còn có tác dụng hạn chế sự lây lan của các bệnh đường hô hấp khác như cảm lạnh thông thường và cúm. Dữ liệu tổng hợp từ Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH), Bệnh viện Đa khoa Singapore và Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho thấy, hầu hết các vi-rút hô hấp không phải COVID-19 gần như biến mất vào tháng 4 và tháng 5/2020, khi Singapore bước vào thời kỳ giãn cách. Việc tái mở cửa theo từng giai đoạn vào cuối năm 2020 khiến một số vi-rút đường hô hấp như rhinovirus và enterovirus (gây cảm lạnh thông thường) dần quay trở lại. 

Sau đó, giai đoạn đầu năm 2021 chứng kiến sự tái xuất của vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) và vi-rút gây viêm tiểu phế quản parainfluenza. Cả hai đều có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như viêm phổi. Điều đáng ngạc nhiên là mô hình hoạt động của vi-rút thay đổi nhiều sau đại dịch, cũng như lứa tuổi mắc bệnh được nâng lên. Tại Úc, Mỹ và châu Âu, các đợt nhiễm RSV được ghi nhận ngoài những tháng mùa đông truyền thống. Một số quốc gia báo cáo rằng làn sóng lây nhiễm RSV làm căng thẳng hệ thống bệnh viện nhi đồng vốn đã chịu áp lực lớn từ COVID-19. Điều gì có thể giải thích những thay đổi này? Đó là do tất cả biện pháp ứng phó với đại dịch khiến trẻ nhỏ - bao gồm cả những trẻ sinh ra trong thời kỳ đại dịch - ít tiếp xúc với các vi-rút đường hô hấp thông thường. Và giờ thì do chưa thể tiêm chủng đầy đủ, chúng đang phải chịu một “món nợ miễn dịch” đối với các bệnh nhiễm trùng phổ biến trước đây. 

Theo WHO, đại dịch đã gây ra việc gián đoạn chuỗi cung ứng, chuyển hướng nguồn lực và buộc xã hội ngừng hoạt động, khiến các dịch vụ tiêm chủng ở trẻ em bị hạn chế. Những thách thức kinh tế cũng đã làm giảm khả năng tài chính của một số chính phủ dành cho việc tiêm chủng thông thường... Dù vậy, vẫn có hy vọng rằng các nỗ lực tiêm chủng sẽ sớm trở lại đúng hướng. Chẳng hạn Ấn Độ đã tăng cường sứ mệnh Indradhanush nhằm đảm bảo rằng các dịch vụ tiêm chủng thông thường đến được với trẻ em và phụ nữ mang thai chưa được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng một phần. Giridhar Babu - nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế công cộng Ấn Độ - nhận xét: “Ngành y tế nên dành vài tháng tới để đảm bảo các chiến dịch tiêm chủng đạt tiến độ cần thiết, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ trẻ em chưa được tiêm chủng cao”. 

 Linh La (theo CNA, CNBC, news.com.au, Nature)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI