Trẻ em Nhật Bản được học về trách nhiệm kể mãi ‘nỗi đau bom nguyên tử’ ra sao?

05/08/2018 - 09:00

PNO - Khi những người tận mắt chứng kiến thảm họa bom nguyên tử và thoát chết ngày đó dần khuất núi, trách nhiệm kể lại câu chuyện của Nagasaki đang được chuyển giao cho thế hệ trẻ.

500 học sinh trường tiểu học Shiroyama cứ mùng 9 hàng tháng lại tập trung ở hội trường để hát một bài hát. Đó không phải là một bài trường ca thông thường.

Tre em Nhat Ban duoc hoc ve trach nhiem ke mai ‘noi dau bom nguyen tu’ ra sao?
Học sinh tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử ở trường tiểu học Shiroyama ở Nagasaki. Ảnh: Trường tiểu học Shiroyama.

Bài hát có tên “Tâm hồn của những đứa trẻ thân mến” kể về thời điểm khủng khiếp nhất trong lịch sử ngôi trường: khoảnh khắc 1.400 học sinh và 28 thầy cô giáo bỏ mạng khi máy bay Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki phía Nam nước Nhật vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ II.

Gần 73 năm đã qua kể từ ngày Nagasaki bị ném bom hôm 9/8/1945 – và Hiroshima trước đó 3 ngày – nhưng nhà trường vẫn canh cánh trách nhiệm đặc biệt trong việc không để cho những ký ức đó bị quên lãng.

“Trường tiểu học Shiroyama nằm gần vị trí thả bom nhất so với các trường tiểu học khác trong thành phố Nagasaki”, hiệu trưởng Hiroaki Takemura cho biết khoảng cách chỉ là 500m. “Vì vậy ở đây, chúng cảm nhận khát khao hòa bình rất mạnh mẽ”.

Nhiệm vụ ấy càng cấp thiết hơn khi những người sống sót sau thảm kịch đều đến tuổi gần đất xa trời. Họ được gọi là các hibakusha, trong hai thập kỷ qua số lượng đã giảm một nửa, tuổi trung bình là 82.

Họ cũng ngày càng ốm yếu, khó lòng tiếp tục đi lại để đích thân kể về sự kinh hoàng của chiến tranh hạt nhân với hy vọng ngăn chặn một sai lầm như thế lặp lại trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng hiện nay.

Do đó, học sinh lớp 6 ở Shiroyama phải nhận lấy trách nhiệm và được dạy để trở thành những “người kể chuyện nhí”.

Tre em Nhat Ban duoc hoc ve trach nhiem ke mai ‘noi dau bom nguyen tu’ ra sao?
Ông Setsuo Uchino, 74 tuổi, chỉ mới 1 tuổi 9 tháng khi thảm kịch bom nguyên tử xảy ra ở Nagasaki. Ảnh: Daniel Hurst

Mỗi năm, khoảng 400 trường học trên toàn nước Nhật gửi hàng nghìn học sinh đến thực địa ở Shiroyama để học về bom nguyên tử. Sau khi bước qua cánh cổng có khắc hình chim bồ câu, các học sinh phương xa sẽ được nghe bài hát kể về thời khắc mạng sống của bao nhiêu học sinh và thầy cô bị tước đoạt “trong một tia sáng vụt qua… như chưa từng tồn tại”.

Các học sinh lớp 6 của trường sau đó sẽ đưa các bạn đi tham quan, chỉ cho các bạn những phế tích cũ, trong một hoạt động có tên là “Dẫn đường cho hòa bình”. Theo thầy Takemura, những người kể chuyện nhỏ tuổi sẽ nói cho các bạn nghe về chuyện đã xảy ra và chuyển đến các bạn một thông điệp bao quát về hòa bình.

Những hoạt động như thế làm ấm lòng những người sống sót sau thảm họa bom nguyên tử như ông Setsuo Uchino, năm nay 74 tuổi.

Ông Uchino chỉ mới 1 tuổi 9 tháng khi Nagasaki bị tấn công, nhưng may mắn hơn nhiều người là lúc đó ông đã được đưa vào hầm trú ẩn.

“Không may là tôi không dám mong sẽ được nhìn thấy vũ khí hạt nhân bị xóa bỏ hoàn toàn khi tôi còn sống, nhưng tôi hi vọng mọi chuyện sẽ khá hơn trong thế hệ sau”, ông Uchino nói.

“Vì thế tôi thấy mình có trách nhiệm và nghĩa vụ phải kể chuyện và chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với bọn trẻ, với thế hệ trẻ – để chúng hiểu được bom nguyên tử nguy hiểm, đáng sợ và vô nhân đạo đến thế nào, và mọi vũ khí hạt nhân đều như vậy”.

Tre em Nhat Ban duoc hoc ve trach nhiem ke mai ‘noi dau bom nguyen tu’ ra sao?
Các em học sinh trường Shiroyama nói với các du khách về vụ ném bom. Ảnh: Trường tiểu học Shiroyama

Có thể chủ đề này là quá khó với bọn trẻ, nhưng bản thân ông Uchino đã phải nhận thức về sự khủng khiếp của vụ ném bom khi còn rất nhỏ. Dù không thực sự trực tiếp trải qua cái ngày định mệnh đó, ông Uchino được cha mẹ kể chuyện này lần đầu tiên năm ông đang học lớp 4 tiểu học.

Mẹ ông đã tận mắt nhìn thấy những thi thể cháy đen, có những thi thể không còn đầu, nói với ông rằng cảnh tượng hôm đó không khác gì “địa ngục trần gian”. Những người còn bám víu được sự sống thì gần như chết khát trong cái nóng ngày hè.

Ông Uchino muốn bọn trẻ sau khi nghe ông kể chuyện sẽ kể lại với bạn bè cùng trang lứa. “Tôi nhận được nhiều thư cảm ơn của học sinh và những người trẻ tuổi nói rằng nhất định sẽ kể lại cho gia đình”, ông tự hào chia sẻ.

Tương tự, ở Hiroshima chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực bảo tồn ký ức của sự kiện lịch sử này.

Đến nay đã có 117 người lớn hoàn thành khóa đào tạo 3 năm để trở thành “những người kế thừa di sản bom nguyên tử”, và sẽ sớm có thêm 250 người nữa gia nhập đội ngũ. Những người tình nguyện này “thừa kế” trải nghiệm của các hibakusha và chia sẻ thông điệp hòa bình đến các học sinh đi thực địa và khách du lịch nước ngoài.

Đó là cách nước Nhật chuẩn bị cho “giai đoạn mới khi không còn có thể nghe chính các hibakusha nói nữa”.

Đại An (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI