Trần Hải Anh: Người có cái đẹp riêng là người đẹp nhất”

12/05/2016 - 07:39

PNO - Theo tôi, người đẹp nhất là người có cái đẹp riêng, không cần phải sao chép theo mẫu nào.

Một ngày tháng Tư, tại con hẻm rộng số 3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM diễn ra phiên chợ đồ cũ. Hơn 25 gian hàng của những người gom đồ cũ trong nhà mình, nhà bạn mình mang ra bán, thu hút lượng người mua rất đông. Mở cửa từ 10g sáng đến 5g chiều, phiên chợ thu được 30 triệu đồng và trao toàn bộ số tiền đó cho Ngôi nhà hy vọng (Bình Dương).

Người tổ chức sự kiện vui vẻ và ý nghĩa đó là cô gái người Pháp gốc Việt 22 tuổi Trần Hải Anh. Cuộc trò chuyện giữa tôi và cô hấp dẫn thêm khi cô “khai”: “Mẹ tôi là đạo diễn Việt Linh”.

Tran Hai Anh: Nguoi co cai dep rieng la nguoi dep nhat”
Trần Hải Anh

* Thì ra, Hải Anh là con gái người mẹ nổi tiếng, còn ba bạn thì sao?

- Ba tôi là giáo sư kinh tế Trần Hải Hạc, ông sinh ra tại Pháp. Một lần mẹ tôi sang Pháp giới thiệu phim trong kỳ liên hoan phim, ba tôi khi ấy là thông dịch viên cho đoàn Việt Nam nên hai người quen nhau. Lúc đó mẹ đã 40 tuổi, ba tôi lớn tuổi hơn và cũng chưa lập gia đình. Ba tôi mê điện ảnh ghê lắm, ông yêu rồi cầu hôn mẹ. Bà gật đầu.

* Là con gái một của cặp vợ chồng lớn tuổi, bạn có được ba mẹ cưng chiều không?

- Không hề, dù có con muộn và chỉ có mỗi mình tôi, mẹ vẫn rất cứng rắn. Hồi nhỏ, tôi khóc chán rồi thôi, mẹ không nao núng trước đòi hỏi của con. Trong gia đình, mẹ là “sếp”, ba tôi cũng “sợ mẹ la” nên đâu có chiều con gái. Ở nhà, tôi nói tiếng Việt với mẹ, nói tiếng Pháp với ba.

Ba chúng tôi rất thân nhau. Khi mẹ ở nhà, mẹ chăm sóc tôi chu đáo, tôi thích ăn món mẹ nấu. Khi mẹ đi làm phim, ba tôi vào bếp và chăm sóc con gái. Tính ra, tôi có nhiều thời gian sống gần ba hơn. Tôi lớn lên trong bầu không khí mà cha mẹ con cái luôn trò chuyện với nhau, và câu chuyện nhiều tập nhất là về điện ảnh. Từ bé, tôi đã được đi khắp nơi với ba mẹ, có khi du lịch, có khi ba mẹ đi làm việc mang tôi theo. Gần như năm nào, mẹ cũng đưa tôi về Việt Nam. Mẹ ở công ty tại Tân Bình, tôi ở nhà của mẹ tại Q.1. Nhưng ba, mẹ và tôi luôn chat, email cho nhau, kể mọi chuyện… nên vẫn thấy cả nhà bên nhau. Giáng sinh vừa rồi, ba sang thăm tôi, ông đã 70 tuổi, tôi và ba đi chơi vui như bạn bè.

* Bạn nghĩ mình thừa hưởng điều gì nổi trội từ ba mẹ?

- Ba tôi luôn dạy con phải lễ phép, chào người lớn phải khoanh tay. Tôi học được từ mẹ tính độc lập, làm việc nghiêm túc và đam mê công việc. Tôi thích tự do và được tự do nhưng tôi luôn khiến ba mẹ yên tâm, hài lòng.

* Lần này, bạn từ Pháp về Việt Nam không chỉ để làm từ thiện?

- Tôi đang là sinh viên của trường đại học Sorbonne (Pháp), học ngành kinh tế và sản xuất phim. Tôi về Việt Nam để thực tập. Tại công ty Galaxy, tôi tham gia khâu chuẩn bị cho một bộ phim. Rồi bạn bè ở công ty này lại giới thiệu cho tôi HK Film. Ở đây, tôi được nhận vào vị trí trợ lý cho nhà sản xuất phim là một Việt kiều Mỹ kiêm trợ lý cho một diễn viên chính người Pháp. Một tháng ròng rã, tôi theo đoàn làm phim Cô hầu gái, đi quay nhiều nơi tại Việt Nam.

Tran Hai Anh: Nguoi co cai dep rieng la nguoi dep nhat”
Trần Hải Anh (giữa) tại phiên chợ đồ cũ (Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM)

70 người cùng nhau làm việc, cùng chịu cực và cùng nhau hưởng nhiều niềm vui. Khi xem phim, người ta chỉ thấy câu chuyện, nhân vật chứ đâu biết hết những gì diễn ra để có một bộ phim. Công việc của tôi là làm sao cho mọi khâu suôn sẻ, diễn viên phải đến đúng giờ, đúng chỗ, phải giải quyết tình huống khi mọi người nóng quá, mệt quá, phải đủ nước uống cho mọi người… Có khi đoàn phim phải quay trong rừng, nơi vắng vẻ, thiếu tiện nghi, ăn tạm, ngủ tạm… với tôi đó là những kinh nghiệm rất quý báu. Sau đó, tại công ty Dreams cape BDS, tôi được nhận vào khâu hậu kỳ. Công việc cũng cực kỳ hấp dẫn khi tôi làm trung gian giữa đạo diễn và các công ty kỹ xảo để họ gặp nhau và thực hiện đúng ý đồ đạo diễn.

* Rõ ràng là bạn rất “lời” trong chuyến thực tập này. Nhưng lịch làm việc dày đặc như thế, làm sao bạn tổ chức phiên chợ đồ cũ được?

- Lúc tôi còn bé, mẹ tôi hay nhắc, con phải quan tâm đến mọi người quanh con, đừng thờ ơ, chỉ sống cho riêng mình. Nhưng làm thiện nguyện phải từ tâm. Năm 2013, tôi bắt tay vào thực hiện ý tưởng gom đồ cũ đem bán, gửi tiền cho những địa chỉ cần. Tại Pháp, tôi đã tổ chức được hai phiên chợ, lôi kéo bạn bè tham gia, viết giới thiệu, đăng quảng cáo. Về Sài Gòn, dù bận rộn nhưng tôi vẫn quyết tâm tổ chức phiên chợ với những kinh nghiệm thành công tại Pháp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI