Á khôi doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp:"Tôi muốn hôm nay mình đẹp hơn hôm qua"

11/05/2016 - 07:48

PNO - Vẻ tự tin, lịch lãm, năng động của Diệp khiến tôi thầm thán phục. Nhưng với Diệp: “Tôi chỉ là một cô gái nhà quê lên thành phố”.

A khoi doanh nhan Nguyen Thi Ngoc Diep:
Á khôi doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Ngọc Diệp là khi nhìn thấy cô thử áo dài ở một cửa hàng, nhưng điều khiến tôi quyết định trò chuyện với Diệp lại chính là lần quan sát cô giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài tại nhà hàng Khoái, nơi cô làm chủ. Vẻ tự tin, lịch lãm, năng động của Diệp khiến tôi thầm thán phục. Nhưng với Diệp: “Tôi chỉ là một cô gái nhà quê lên thành phố”.

* Từng làm việc trong những công ty đa quốc gia ở vị trí cao, là á khôi của cuộc thi Hoa khôi doanh nhân, tự nhận mình quê mùa có phải chỉ là một cách nói khiêm tốn?

- Quê mùa với tôi không có nghĩa là cục mịch, thô thiển, xấu xí. Chữ “quê mùa” ở đây chỉ một cô gái miền Tây chân chất, giản dị, hiền lành. Đó là sự so sánh của tôi với những cô gái vốn được sinh ra trong những gia đình trí thức, được dạy dỗ, nuôi nấng để có những phong cách, thần thái quý phái, sang trọng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Long An. Ba tôi là bộ đội, từ rừng về sau ngày miền Nam giải phóng. Ông trở lại Long An với mẹ tôi, người đã nuôi con, sống thanh bần và làm việc vất vả để chờ đợi ông suốt 15 năm. Tôi sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn. Để lo cho đám con ăn học, ba mẹ tôi phải cực nhọc như nhiều gia đình lao động thời đó. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh như thế nên cũng mang phong cách, bản tính, lối sống của một gia đình như thế.

* Vậy sự lột xác từ một cô gái quê trở thành á khôi của giới doanh nhân có phải là một quá trình khó khăn?

- Có những người bạn nói rằng, họ nhìn thấy ở tôi một điều gì đó khi quan sát tôi làm việc, trò chuyện, giao tiếp với khách hàng, với bạn bè. Và chỉ khi ấy họ mới nhận ra tôi có phong cách hay tôi đẹp.

Để có được những điều ấy, có lẽ phải kể đến công lao của… sách. Tôi đọc các loại sách giúp cải thiện và phát huy tư duy con người, sách kinh tế. Những cuốn sách ấy đã dạy cho tôi cách tư duy tích cực, sống đơn giản, chân thành, nhẹ nhàng, không đố kỵ, thù ghét, giận hờn. Những cuốn sách dạy tôi cách cho đi, cách chia sẻ.

Chính tư duy đó, cách sống đó khiến tôi đủ can đảm rời bỏ công việc ở công ty đa quốc gia với mức lương hấp dẫn để bước ra làm một cái gì của riêng mình, để được độc lập, vừa hướng về cộng đồng, tìm niềm vui trong sự nghiệp. Đến giờ, sau 5 năm mở nhà hàng Khoái, những gì tôi có chưa thể gọi là thành công, nhưng tôi vui vì tạo được công ăn việc làm cho hơn 40 người, vui vì mang đến cho nhiều người những món ăn ngon, an toàn, vui vì có thời gian và tiền bạc để tham gia công tác xã hội, từ thiện. Niềm vui ấy, những suy nghĩ tích cực ấy, sự phấn đấu ấy có lẽ đã tạo cho tôi một thần thái đẹp hơn chăng?

A khoi doanh nhan Nguyen Thi Ngoc Diep:
Ngọc Diệp trong chuyến đi từ thiện

* Những gì chị vừa nói được gọi là vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp nội tâm. Nhưng tôi cũng thấy chị khá chăm chút cho vẻ đẹp bên ngoài của mình...

- Tôi rất mê thời trang. Ngày đang đi tìm con đường riêng cho mình, tôi hướng đến thời trang trước nhất. Khi đó, tôi thấy phụ nữ Việt chưa biết tìm ra phong cách riêng, tôn vẻ đẹp riêng cho mình. Những stylist thực sự có thể giúp phụ nữ Việt đẹp hơn còn rất ít. Tôi đã thử, đã tìm tòi… nhưng rồi chưa có cơ duyên theo đuổi thời trang.

Chưa làm đẹp được cho người thì ít nhất tôi cố gắng làm đẹp cho mình. Tôi thường đọc các tạp chí, xem các chương trình ti vi để cập nhật xu hướng thời trang, tìm cho mình phong cách phù hợp. Từ tính cách của mình, tôi quyết định chọn phong cách thời trang tối giản, không rườm rà, nhưng sang trọng và tinh tế. Tôi rất thích xem tranh, ảnh, thích ngắm nhìn các kiến trúc đẹp. Từ đó, tôi rút ra những nguyên tắc phối màu trong ăn mặc.

Ngày xưa tôi chỉ biết mua cái quần đẹp, cái áo đẹp. Tôi mua một chiếc váy, áo, có khi chỉ để mặc một lần. Bây giờ khi mua một món đồ, tôi cân nhắc xem có thể mặc nó ở đâu, lúc nào và mặc với món đồ nào mình đang có. Tôi cũng không quan tâm tới việc món đồ đó có phải hàng hiệu hay không. Tôi thường may đồ ở một thợ may quen, chị may rất đẹp. Tôi có những chiếc áo trị giá chỉ 200-300 ngàn. Điều quan trọng là những trang phục ấy sẽ cho tôi cảm giác tự tin, thoải mái vì tôi biết nó hợp với mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI