Trạm phát sóng Bạch Mai đã bị phá dỡ một phần

12/02/2020 - 11:38

PNO - Ngay trước khi có chỉ đạo làm hồ sơ công nhận là di tích lịch sử, Trạm phát sóng Bạch Mai đã bị đơn vị quản lý phá dỡ một phần.

Một căn phòng diện tích khoảng 50m2 nằm trong dãy nhà một tầng của Trạm phát sóng Bạch Mai (ngõ 129C Đại La, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đã bị đập bỏ hoàn toàn. 

Căn phòng này bị đập bỏ chỉ 1 ngày trước ngày UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội lập hồ sơ di tích để bảo tồn.

Trước đó, cuối năm 2019 Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) đã gửi đến UBND TP. Hà Nội kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai. Đến ngày 10/2/2020, TP. Hà Nội đã làm việc với các đơn vị trên về kiến nghị đó. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với VOV làm hồ sơ di tích dãy nhà một tầng của Trạm phát sóng Bạch Mai để công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Thế nhưng, chiều 9/2, Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá - đơn vị quản lý dãy nhà này - đã cho người phá dỡ một phần công trình. Về tổng thể, toàn bộ dãy nhà một tầng được thiết kế hình chữ L. Ngoài phần đã bị phá dỡ, phần còn lại của toàn bộ dãy nhà vẫn vẹn nguyên, và là trụ sở của xí nghiệp in (thuộc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc). 

Một phần của khu biệt thự cổ này đã bị phá dỡ.
Một phần của khu biệt thự cổ đã bị phá dỡ

Ông Đinh Đức Hiếu, Phó chủ tịch phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, do Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá phá dỡ vào ngày nghỉ, nên đến sáng hôm sau, khi tổ công tác Quản lý trật tự xây dựng - đô thị phường kiểm tra địa bàn thì phường mới biết được sự việc.

Dãy nhà này là công trình xây dựng trước năm 1954. Theo văn bản số 748/SXD-QLN ngày 20/1/2020 của Sở Xây dựng Hà Nội: “Công trình hiện có một góc nằm trong chỉ giới đường đỏ thuộc phạm vi dự án xây dựng đường vành đai 2, hiện do Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá quản lý sử dụng theo giấy chứng nhận số 759 ngày 13/9/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp (đơn vị đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng”.

Tuy nhiên, theo văn bản số 17/UBND-ĐC của UBND phường Đồng Tâm, thì Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá đã tự ý phá dỡ dãy nhà một tầng khi chưa làm thủ tục bàn giao mặt bằng và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Hiện công ty này đã dừng phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng.

Một số hình ảnh do phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM ghi nhận chiều 11/2:

Sau khi công trình bị phá một phần, phường Đồng Tâm đã dựng biển cấm phá dỡ.
Sau khi công trình bị phá một phần, phường Đồng Tâm đã dựng biển cấm phá dỡ
Một bên tường chỉ còn là đống gạch chờ chở đi.
Một bên tường chỉ còn là đống gạch vỡ
Bên trong các gian phòng ngổn ngang gạch đá.
Bên trong các gian phòng ngổn ngang gạch đá
Phía trước của khu trạm phát sóng cũ.
Phía trước của khu trạm phát sóng cũ
Các vật liệu, mái ngói được chất đống phía bên trong...
Các vật liệu, mái ngói được chất đống phía bên trong...
...Và cả bên ngoài sân.
...và cả bên ngoài sân
Tấm biển này liệu có còn tác dụng.
Tấm biển này liệu có còn tác dụng?
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trước sự việc này.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trước một chứng tích lịch sử bị phá dỡ 

M.Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Saothangtam 14-02-2020 10:39:56

    Cái gì cũng di tích mà không có chọn lọc, cứ vin vào di tích thì sẽ kìm hãm sự phát triển. Tồn tại những di tích mà ít người biết đến thì có nên hay không?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI