Người trẻ loay hoay tìm lối ra
Tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, số lao động đến nộp hồ sơ và làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp những ngày qua đang tăng nhanh, phần lớn ở độ tuổi trung niên và thanh niên.
Nguyên nhân phổ biến khiến người lao động nghỉ việc và mong muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: chuyển đổi môi trường làm việc, cần thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc bản thân hoặc người thân, doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc do người lao động không chịu nổi áp lực công việc…
Anh Trần Minh Quân - 25 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận - tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị kinh doanh, từng kỳ vọng nhanh chóng có công việc đúng chuyên môn. Thế nhưng, gần 1 năm qua, anh Quân vẫn chật vật tìm việc làm vì các nhà tuyển dụng đòi hỏi phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm.
“Không có kinh nghiệm thì không được nhận, mà không được nhận thì lấy đâu ra kinh nghiệm?” - anh Quân nói. Thị trường lao động ngày càng khắt khe với yêu cầu về công nghệ, ngoại ngữ, thậm chí trải nghiệm quốc tế, khiến những người trẻ giàu lý thuyết như Quân rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Mai Hương - 28 tuổi, ngụ phường Thủ Đức, cán bộ bán chuyên trách của một phường - lo lắng trước làn sóng sáp nhập, tinh giản công chức, cán bộ. Tự hào là cán bộ trẻ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị Hương giờ đây lại phải đối mặt với thất nghiệp và đi tìm công việc mới.
“Nếu nghỉ, tôi không biết bắt đầu lại từ đâu sau 5 năm học hành và 4 năm công tác” - chị Hương chia sẻ. Để chuẩn bị cho phương án bị tinh giản, chị Hương nỗ lực học thêm ngoại ngữ, kỹ năng vi tính và các kỹ năng mềm, hy vọng đủ sức chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Thảo - 25 tuổi - từng nghỉ việc tại một công ty thương mại vì áp lực công việc và mức lương 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải. Sau 6 tháng nộp hồ sơ qua hơn 20 công ty nhưng không nhận được phản hồi tích cực, chị Thảo buộc phải chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh dù vẫn nuôi hy vọng tìm được việc làm đúng chuyên môn.
Tương tự, chị Nguyễn Thùy Dung - 29 tuổi, ngụ phường Bình Quới - mất việc do công ty cắt giảm nhân sự. Trong lúc chờ trợ cấp thất nghiệp, chị Dung loay hoay tìm việc mới, nhưng chỗ thì lương khởi điểm thấp, chỗ không phản hồi. “Tiền tiết kiệm sắp cạn, tôi tính tìm việc tạm thời để cầm cự” - chị Dung chia sẻ.
 |
Những lao động trẻ đang được cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Cung - cầu lệch pha, doanh nghiệp "khát" nhân lực
Theo ông Bùi Đoàn Chung - người sáng lập Cộng đồng nghề nhân sự Việt Nam - tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức đáng lo ngại và cần được nhìn nhận toàn diện. Ông Bùi Đoàn Chung phân loại thất nghiệp thành 2 dạng: thụ động và chủ động.
Trong đó, thất nghiệp thụ động là hệ quả của các yếu tố khách quan như doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc tái cấu trúc. Ngược lại, thất nghiệp chủ động xuất phát từ quyết định cá nhân, người lao động chủ động nghỉ việc để tìm kiếm môi trường phù hợp hơn, hoặc tạm ngưng để cân bằng cuộc sống - một xu hướng ngày càng phổ biến với tên gọi “career break”.
Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan từ biến động kinh tế, còn có lý do chủ quan khi nhiều lao động, đặc biệt sau dịp tết Nguyên đán, chọn nghỉ việc để nghỉ ngơi hoặc định hướng lại sự nghiệp.
Hiện tại, thị trường lao động tại TPHCM đang tồn tại sự lệch pha lớn giữa cung và cầu. Dù số người thất nghiệp giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng nhu cầu tuyển dụng vẫn không được đáp ứng.
Điều này cho thấy một thực tế đáng lo ngại: người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, chưa sẵn sàng thích nghi với những thay đổi về yêu cầu công việc, kỹ năng công nghệ và tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp vẫn đang “khát” nhân lực, nhưng nhiều vị trí tuyển dụng kéo dài hàng tháng không tìm được ứng viên phù hợp. Ngược lại, có không ít lao động trẻ thất nghiệp trong thời gian dài dù đã gửi hàng trăm hồ sơ. Thực trạng này đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng nguồn lao động trẻ hiện nay và khả năng đáp ứng của họ trước sự thay đổi liên tục của thị trường việc làm.
Theo bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - thách thức lớn nhất với lực lượng lao động trẻ hiện nay là sự thiếu hụt kỹ năng mềm, năng lực công nghệ và khả năng thích nghi. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển lao động về các địa phương có chi phí sống thấp cũng khiến TPHCM rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trong nhiều ngành như dệt may, da giày, bán lẻ...
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh chính sách nhân sự nhằm giữ chân người lao động như tăng lương, cải thiện phúc lợi, đào tạo nội bộ và hỗ trợ chi phí. Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tổ chức 33 phiên giao dịch, kết nối thông tin việc làm cho hơn 109.000 lượt lao động.
Qua đó, trên 16.000 người được giới thiệu việc làm, 258 người được tư vấn đi làm việc ở nước ngoài. Dự báo trong quý III/2025, thị trường lao động TPHCM tiếp tục đối mặt với thách thức khi nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành thương mại, dịch vụ và công nghiệp trọng điểm, những lĩnh vực yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ năng và tư duy số hóa.
Hơn 9.000 lao động trình độ đại học bị thất nghiệp Từ đầu năm đến hết tháng 5/2025, TPHCM đã ban hành quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 45.620 người. Trong số này, có 22.383 lao động dưới 35 tuổi, chiếm 49,06%. Đáng chú ý, có tới 9.297 người có trình độ đại học trở lên rơi vào tình trạng thất nghiệp. Con số này phản ánh sự lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thị trường lao động đang chịu nhiều sức ép từ quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc doanh nghiệp hậu COVID-19 và sắp xếp lại bộ máy chính quyền 2 cấp. Bà LƯỢNG THỊ TỚI - Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM |
Lối đi mới cho lao động sau tinh giản Trước bối cảnh tinh gọn bộ máy nhà nước, dự báo sẽ có một bộ phận lớn công chức và người lao động rơi vào diện dôi dư, buộc phải chuyển dịch sang khu vực tư nhân với nhiều thách thức. Theo ông Bùi Đoàn Chung, để không bị bỏ lại phía sau, người lao động cần chủ động chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng. Trước hết, cần vượt qua cảm giác tự ti hay thất bại khi mất việc. Thay vào đó nên xem đây là cơ hội học hỏi và trưởng thành. Giữ được tinh thần tích cực sẽ giúp người lao động thích nghi tốt hơn trong giai đoạn chuyển tiếp. Song song đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tham gia các chương trình đào tạo lại, tự học để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng số, ngoại ngữ và tư duy chủ động. Những yếu tố này đóng vai trò then chốt trong môi trường lao động thay đổi nhanh chóng. Năm 2025 được nhận định là năm bản lề của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ như AI, chip bán dẫn, kinh tế xanh và các mô hình phát triển theo ESG. Bên cạnh đó, làn sóng khởi nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng mở ra nhu cầu lớn về dịch vụ hỗ trợ, quản trị số và chuyển đổi số, cơ hội đáng kể cho lực lượng lao động trẻ yêu công nghệ và mong muốn gắn bó với thực tiễn. |
Thanh Tâm