TPHCM: Sớm lập các danh mục quy định cụ thể các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu

11/08/2021 - 09:40

PNO - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyên Văn Nên yêu cầu thành phố sớm lập các danh mục quy định cụ thể, chi tiết các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu.

Chiều 10/8, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến mở rộng lần thứ 41.

Tại hội nghị, sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM báo cáo kết quả trọng tâm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã thống nhất một số nội dung.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM NGuyễn Văn Nên đề nghị Hội nghị đem tất cả tâm huyết để thảo luận công tác phòng chống dịch
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên 

Cụ thể, nhìn nhận lại công tác phòng chống dịch vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều nỗ lực, rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhất là sự cống hiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của các lãnh đạo chủ chốt, thành ủy viên, người đứng đầu các cấp, các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, đoàn viên, hội viên, lực lượng tuyến đầu và nhân dân thành phố trong 7 ngày tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 12-CT/TU.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: "Với quyết tâm chính trị cao nhất, đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, nhất định chúng ta sẽ “chiến thắng” đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử của thành phố".

Cũng theo Bí thư Thành ủy, các biện pháp phòng, chống dịch của từng địa phương ngày càng tích cực, quyết liệt hơn; có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng phó nhanh, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, nhất là xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới nhận được sự quan tâm, ủng hộ và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tình hình kiểm soát dịch có chiều hướng chuyển biến tích cực hơn, áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1, F0 và cách ly tập trung F0 tại quận, huyện, TP. Thủ Đức bước đầu đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố.

Tiến độ tiêm vắc xin bảo đảm theo yêu cầu kế hoạch, một số địa phương có cách làm sáng tạo trong triển khai như hình thành đội tiêm lưu động, đội phản ứng nhanh đến tiêm cho các nhóm ưu tiên tại các khu cách ly, phong tỏa; tiêm cho người trên 65 tuổi, người khó khăn, yếu thế…

Song song, công tác an sinh xã hội đã có những hỗ trợ, chia sẻ, động viên, giải quyết kịp thời; nhiều địa phương đã chủ động tổ chức chăm lo chu đáo đến từng hộ dân, triển khai các gói an sinh xã hội bảo đảm đến tận các hộ dân khó khăn, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết khác cho nhân dân.

Công tác an sinh được đẩy mạnh, đảm bảo chăm lo cho người dân thành phố với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau
Công tác an sinh được đẩy mạnh, đảm bảo chăm lo cho người dân thành phố với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau

Tuy kết quả bước đầu đạt được một số yêu cầu đặt ra, nhưng thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh thành phố vẫn còn rất phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải. Việc phong tỏa rộng và chậm gỡ phong tỏa gây quá tải cho công tác phòng, chống dịch. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc chưa kịp thời. Một số nơi tổ chức tiêm vắc-xin chưa bảo đảm các yêu cầu quy định của giãn cách, trở thành điểm nguy cơ lây nhiễm cao.

Qua đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm: quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian quý báu, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không lơ là, chủ quan... Tiếp tục phát huy sức mạnh tối đa mọi nguồn lực, kêu gọi, huy động sức dân để chăm lo cho dân và phải bảo toàn lực lượng tuyến đầu, tính mạng của người dân, nâng cao công tác điều trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong; bảo vệ vững chắc các vùng xanh và thu hẹp dần vùng đỏ.

Đồng thời, tăng cường công tác điều trị tích cực các ca F0 bệnh nặng, có triệu chứng; khai thác triệt để, tối đa công năng, tần suất hoạt động, trang thiết bị y tế có sẵn tại các trung tâm hồi sức tích cực hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 tuyến dưới theo phân tầng, phác đồ điều trị.

Ngành y tế chủ động phối hợp với các cơ quan tư vấn, các giáo sư, bác sĩ nghiên cứu xây dựng chiến lược, kịch bản cụ thể, chi tiết xử lý các tình huống, quy trình điều trị bệnh nhân. Công tác quản lý F0 không triệu chứng, F1 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh, bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng.

Tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, người trên 65 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm chủng, tổ chức các đội tiêm lưu động, lực lượng phản ứng nhanh để mở rộng chiến dịch tiêm vắc xin đến với người dân; đồng thời, tổ chức quản lý chặt chẽ các điểm tiêm cố định, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đạt theo chỉ tiêu đề ra (khoảng 70%).

TPHCM phấn đấu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng
TPHCM phấn đấu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng

Cùng với đó, bảo đảm kế hoạch mua sắm, cung cấp thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với các sở, ngành thành phố sớm lập các danh mục quy định cụ thể, chi tiết các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu để tạo cơ chế mở cho các doanh nghiệp triển khai sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách.

Tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống, tinh thần của người dân thành phố trong tâm dịch; các gói an sinh xã hội phải đến được tận nhà, trao đến tay các đối tượng được thụ hưởng, tránh không bỏ sót, hoặc chậm chăm lo.

Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện ưu tiên, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp; nghiên cứu giải quyết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, sản xuất phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI