TPHCM sẵn sàng triển khai thực hiện nghị quyết mới

23/06/2023 - 06:20

PNO - Dự kiến, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ năm (ngày 24/6), Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thay cho Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định, quy trình

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, nghị quyết mới này được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm bởi nó có tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Ở các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường Quốc hội, hầu hết đại biểu bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao về sự cần thiết thông qua dự thảo nghị quyết. Vấn đề còn lại là làm thế nào để nghị quyết sớm được triển khai, đưa vào cuộc sống.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang dần hoàn thiện kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông của TPHCM - Ảnh: Nguyễn Văn
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang dần hoàn thiện kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông của TPHCM - Ảnh: Nguyễn Văn

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, với Nghị quyết 54/2017/QH14, TPHCM chỉ có khoảng 1 tháng để cùng các đơn vị xây dựng dự thảo nghị quyết. Còn đối với dự thảo nghị quyết lần này, ngay sau khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ngay khi Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị được ban hành, UBND TPHCM đã có thời gian dài hơn để chuẩn bị. Do đó, mọi công việc đều được lên kế hoạch bài bản, đánh giá cẩn thận để khi nghị quyết thông qua là triển khai và hành động ngay.  

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, việc triển khai Nghị quyết 54 là bài học để xây dựng và triển khai hiệu quả nghị quyết mới. UBND TPHCM đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trung ương chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định, quy trình; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, cán bộ, công chức, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sau đó báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện hồ sơ.

Bên cạnh đó, thời gian qua, TPHCM cũng chủ động phối hợp với Ngân hàng Thế giới, các viện, trường trong và ngoài nước để nghiên cứu một số cơ chế, chính sách. Sở Nội vụ TPHCM đã làm việc với đối tác Singapore, các đơn vị trong nước để xây dựng đề án về nâng cao chất lượng công vụ nhằm củng cố đội ngũ tổ chức, hoàn thiện bộ máy nhân sự.

Đủ điều kiện để được thông qua 

Ông Phan Văn Mãi nói: “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết này kỹ lưỡng, chất lượng; dự thảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong quá trình thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao về sự chuẩn bị công phu, chu đáo cũng như đánh giá cao chất lượng dự thảo nghị quyết”.

Kênh Nước Đen (quận Bình Tân) được cải tạo hoàn thành vào năm 2022 giúp hàng trăm hộ dân nơi đây thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm. Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, TPHCM sẽ có điều kiện thực hiện nhiều công trình góp phần cải thiện đời sống người dân - Ảnh: Nguyễn Văn
Kênh Nước Đen (quận Bình Tân) được cải tạo hoàn thành vào năm 2022 giúp hàng trăm hộ dân nơi đây thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm. Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, TPHCM sẽ có điều kiện thực hiện nhiều công trình góp phần cải thiện đời sống người dân - Ảnh: Nguyễn Văn

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) nói: “Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, tôi cho rằng cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết mới cho TPHCM. Hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự thảo nghị quyết này đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp”. 

Theo ông, dự thảo nghị quyết đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển TPHCM được nêu trong Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị. Theo đó, do thực hiện thí điểm nên nội dung các cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định, nhưng chúng vẫn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Các cơ chế, chính sách đặc thù đều có tính vượt trội và được lựa chọn đề xuất trên cơ sở yêu cầu thực tiễn của TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Với khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM cũng như sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các ban, bộ, ngành trung ương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, khi được thông qua, nghị quyết mới sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần giúp TPHCM phát triển nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó”.

Sẵn sàng bắt tay thực hiện  

Ông Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay, UBND TPHCM đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết mới. Từ tháng 5/2023, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để chủ động thực hiện các nội dung cần thiết, không để bị chậm trễ.

Theo ông, nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua rồi mới tính tới các bước tiếp theo thì sẽ làm mất thời gian và sự năng động vốn có của mình. Kế hoạch của UBND TPHCM đã xác định nội dung cụ thể của các cơ chế, chính sách đặc thù, phân công từng đầu việc cho các sở, ban, ngành với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng để triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và yêu cầu nhiệm vụ, tương ứng với các nhóm lĩnh vực trong dự thảo nghị quyết mới, như tài chính - ngân sách, quản lý tài nguyên môi trường, ngành nghề thu hút đầu tư, tổ chức bộ máy... 

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm, ngay trong tháng 6/2023, các sở, ngành sẽ hoàn thiện 8 tờ trình để trình HĐND TPHCM xem xét thông qua trong kỳ họp giữa năm (tháng 7/2023), ngay sau khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Cũng trong tháng 7/2023, Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ triển khai nghị quyết mới. Trong quá trình triển khai, UBND thành phố sẽ sơ kết hằng năm để kịp thời đánh giá kết quả, điều chỉnh, bổ sung giải pháp để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết. 

Ông Trần Hoàng Ngân phân tích, nếu như Nghị quyết 54/2017/QH14 chủ yếu đề cập tới việc tăng nguồn thu thì dự thảo nghị quyết mới này tập trung vào huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào các dự án. Vì vậy, ngay từ bây giờ, UBND TPHCM đã có kế hoạch cho các dự án mời gọi nhà đầu tư. Điển hình như về cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, TPHCM đã có danh sách trên 20 dự án cần huy động vốn, với tổng mức vốn khoảng 20.000 tỉ đồng. 

Theo dự thảo nghị quyết, UBND TPHCM được áp dụng hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) đối với các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Ông Trần Hoàng Ngân cho hay, UBND TPHCM đã chỉ ra danh sách những tuyến đường cần áp dụng hình thức này, như Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Bình Tiên… Hiện tại, TPHCM chỉ chờ dự thảo được bấm nút thông qua để bắt tay vào triển khai thực hiện. 

Không nên quy định cứng thời gian thực hiện nghị quyết mới 

Đồng tình với sự cần thiết và các nhóm cơ chế, chính sách mới cho TPHCM, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng không nên quy định cứng thời gian thực hiện nghị quyết là 5 năm như trong dự thảo. Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phân tích, Nghị quyết 54 trước đây quy định thực hiện trong 5 năm nhưng với thời gian như vậy các nội dung chưa đạt được hết hiệu quả. “Nếu tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi không. Theo tôi phải thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2030, thậm chí đến 2045?”.

Giữa tháng Sáu vừa qua, TPHCM đã có văn bản đề xuất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ, sửa đổi thời gian thực hiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đến năm 2030, hoặc theo hướng không quy định cứng 5 năm. Để đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2030, UBND thành phố đề nghị Quốc hội xem xét quy định thời hạn hiệu lực của nghị quyết mới đến cuối kỳ quy hoạch.

Thời gian thực hiện nghị quyết mới chỉ 5 năm là tương đối ngắn, trong khi số lượng công việc triển khai là rất lớn. Chưa kể nhiều cơ chế, chính sách cần thời gian để triển khai, đánh giá đầy đủ tính hiệu quả của chính sách. Một số chính sách cần sự ổn định lâu dài để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Vì thế, thành phố đề xuất Chủ tịch Quốc hội ủng hộ, sửa đổi thời gian thực hiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đến năm 2030 hoặc theo hướng không quy định cứng thời gian là 5 năm. Thay vào đó, thành phố có thể định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Quốc hội để có ý kiến chỉ đạo, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung. M.Quang

Ý Kiến:

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng về nghị quyết mới

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA): 

Muốn thành công, TPHCM phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương 

TPHCM luôn là địa phương đi đầu trong thành lập các khu công nghiệp - khu chế xuất, có nhiều cảng, dẫn đầu xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ tốt, dân trí văn minh có thu nhập cao… Song các lợi thế này trong thời gian qua dần mất đi do sự phân quyền cho TPHCM chưa đủ mạnh. Các vấn đề khó khăn mà DN kiến nghị nếu ngoài thẩm quyền thì TPHCM phải tiếp tục kiến nghị trung ương, phải đi lòng vòng. Với nghị quyết mới, khi TPHCM đề xuất vấn đề gì thì các bộ ngành trung ương phải trả lời ngay, nếu quá thời gian đó thì TPHCM có quyền thực hiện, đồng nghĩa những khó khăn của DN trong thời gian tới sẽ nhanh chóng tháo gỡ. 

TPHCM đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 2 trung tâm đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ DN cải tiến công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Với nghị quyết mới, mục tiêu lớn này của TPHCM sớm thành hiện thực, không chỉ ngành gỗ mà tất cả các ngành nghề khác đều hưởng lợi. Ví dụ với ngành gỗ và ngành dệt may, TPHCM sẽ giống như thành phố Milan (Ý), trở thành một trung tâm thời trang dệt may, đồ gỗ của thế giới với các nhà máy đặt tại các tỉnh lân cận. Lúc này TPHCM sẽ không cạnh tranh với các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai hay Hải Phòng nữa mà phải so với Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia). Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi bản thân TPHCM phải có nội lực đủ mạnh, phải hợp tác phát triển trong sự tương quan với các tỉnh, thành còn lại chứ không thể đi một mình.  

Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM:
Gỡ các rào cản về thu hút nhân tài

Nghị quyết mới có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó các doanh nghiệp (DN) trông chờ là chính quyền thành phố đã đề xuất được sử dụng quyền thuê đất hằng năm làm tài sản thế chấp, chuyển nhượng; chủ động có chính sách thu hút nhân tài. 

Từ năm 2022 đến nay có gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN từ ngân sách 40.000 tỉ đồng nhưng tính đến cuối tháng 2/2023, gói này chỉ hỗ trợ cho được 1.780 khách hàng với gần hơn 250 tỉ đồng. Dù Chính phủ đã ban hành, Ngân hàng Nhà nước thúc giục giải ngân, lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị những khó khăn của DN… nhưng thực tế là các ngân hàng vẫn không dám thực hiện cho vay vì sợ rủi ro. Có DN thuê đất tại khu công nghiệp 50 năm, có đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị với giá hàng chục tỉ đồng nhưng phía ngân hàng vẫn chưa nhận thế chấp đất thuê này. Khi nghị quyết được phê duyệt, có thể vấn đề này sẽ được giải quyết. 

Thời gian qua, các thủ tục hành chính nói chung của DN bị chậm một phần cũng do thiếu nhân lực trong khi khối lượng công việc tại TPHCM cao hơn các địa phương khác. Với các DN, nhân tài chất lượng cao đang thiếu do gặp rào cản về chính sách. Tôi từng nghe không ít DN FDI than gặp khó khăn khi làm giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, thủ tục gia hạn visa. Với cơ chế mới, những khó khăn rào cản trong thu hút nhân tài sẽ được tháo gỡ. 

 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC): 

Doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay kích cầu

 HFIC là DN 100% vốn nhà nước, đảm nhận chức năng như huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với hình thức phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức tài chính, tiếp nhận nguồn tài trợ, nhận ủy thác nguồn vốn, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực ngành nghề mà TPHCM ưu tiên đầu tư. 
Tuy nhiên hoạt động của đơn vị này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. HFIC hoạt động như quỹ đầu tư nhưng lại chịu chi phối theo quy định về DN nhà nước, nguồn lợi nhuận thu được không được bổ sung vào nguồn vốn điều lệ, nguồn tài chính được giữ lại rất nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN. Hiện HFIC là đơn vị đang cho vay theo chương trình kích cầu đầu tư vốn của thành phố nhưng 2 năm vừa qua chương trình này bị 
gián đoạn. 
Nghị quyết mới có cơ chế, chính sách riêng là tăng vốn điều lệ cho HFIC, tạo điều kiện cho HFIC đẩy mạnh hỗ trợ DN vay vốn, được giữ lại nguồn vốn thu được từ việc cổ phần hóa các DN trực thuộc quản lý của thành phố, hoạt động theo quy định của quỹ đầu tư; khởi động lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư vốn để tái cấp vốn các dự án còn dang dở, cho vay mới với các dự án trong lĩnh vực phát triển của TPHCM. 

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành: 

Sẽ khơi thông điểm nghẽn nhà ở xã hội 

 Hiện trung ương và địa phương đang tập trung giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản TPHCM và các tỉnh. Từ năm 2022 về trước, cơ quan ban ngành còn e ngại trong việc giải quyết điểm nghẽn nhà ở xã hội. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, được sự chỉ đạo của Thủ tướng trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội thì TPHCM đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án nhà ở xã hội. Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã gỡ vướng được 9/156 dự án, trong đó có 3/9 dự án nhà ở xã hội của Lê Thành.

Các vấn đề vướng mắc của bất động sản nằm ở 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là vướng mắc tại TPHCM và thành phố đang đẩy nhanh giải quyết. Nhóm thứ hai vướng ở trung ương (các quy định về pháp luật). Nhóm thứ ba nằm ở nghị quyết 54. Nghị quyết mới sẽ có một quy định riêng cho phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết các vướng mắc. Chúng tôi hy vọng rằng nghị quyết này sớm được Quốc hội thông qua để TPHCM có cơ chế giải quyết thoáng hơn, đẩy nhanh pháp lý nhà ở xã hội. Như vậy TPHCM sẽ giải quyết 2 nhóm vấn đề bị vướng của bất động sản, nhóm còn lại phải chờ trung ương hoặc phải chờ sửa đổi luật về đất đai, bất động sản. 

Với những hành động quyết liệt gần đây, nhất là khi nghị quyết mới được thông qua, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc dần vào quý I và quý II/2024. 

Thanh Hoa (ghi)

Minh Quang  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI