Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm nghị quyết mới cho TPHCM

09/06/2023 - 06:45

PNO - Chiều hôm qua, 8/6, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị xem xét về thời hạn áp dụng thí điểm vì cho rằng, nếu chỉ thực hiện trong 5 năm sẽ khó khả thi. Có ý kiến đề nghị nên kéo dài tới năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nghị quyết thay thế được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh các công trình hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Nghị quyết thay thế được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh các công trình hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Nguyễn Văn

Cần phân quyền mạnh hơn cho TPHCM

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội) bày tỏ sự thống nhất cao đối với sự cần thiết ban hành nghị quyết mới cho TPHCM. Bà đánh giá, các chính sách này chưa thực sự đột phá, mạnh mẽ hay vượt trội như kỳ vọng của bà cũng như nhiều đại biểu và cử tri cả nước.

Góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền của TPHCM và TP Thủ Đức, đại biểu chỉ ra, dự thảo nghị quyết đã đề xuất thực hiện một số chính sách tích cực như việc quản lý liên thông với cán bộ công chức xã, thị trấn, tương tự như áp dụng với công chức phường theo Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc HĐND TPHCM, UBND TP Thủ Đức; phân quyền cao hơn ở một số nội dung cụ thể thuộc HĐND và UBND TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Thủy cho rằng, các quy định này còn khá lẻ tẻ. Để đẩy mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần sáng tạo, vì lợi ích chung của TPHCM trong giai đoạn mới, bà đề nghị: cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền thành phố trong công tác tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

Thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ quy định hay cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn cụ thể như Sở An toàn thực phẩm, Ban Đô thị thuộc HĐND thành phố trực thuộc, hay tăng thêm số lượng đại biểu HĐND… ngay tại nghị quyết này, đại biểu đề nghị Quốc hội phân quyền cho HĐND TPHCM được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp thành phố và cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc.

Ngoài ra, cần phân quyền cho UBND TPHCM được chủ động điều chỉnh số lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý… bảo đảm không vượt quá số biên chế đã được UBND TPHCM quyết định. Bà dẫn chứng, TPHCM là một đại đô thị với quy mô dân số trên 9 triệu người, lớn hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Trong đó, TP Thủ Đức có trên 1,2 triệu dân, thu ngân sách năm 2022 đạt 20.100 tỉ đồng. 11/16 quận, 4/5 huyện của thành phố có dân số trên 200.000 người. Trong đó quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có số dân trên 800.000 người. 48/312 xã, phường, thị trấn của thành phố có số dân trên 50.000 người; cá biệt phường Bình Hưng Hòa A có dân số 126.000 người, xã Vĩnh Lộc A có gần 165.000 người.

“Với quy mô như vậy, các cơ quan thuộc bộ máy hành chính các cấp nói chung và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM; UBND các quận, huyện trên địa bàn cần có đặc thù riêng để quản lý dân cư, điều tiết kinh tế, xã hội nói chung…” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Tính toán lại thời gian thực hiện nghị quyết

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phân tích, vấn đề phân cấp, ủy quyền đã đề cập trong dự thảo nghị quyết nhưng chưa rõ, cần phải phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ với TPHCM; giữa TPHCM với các thành phố, quận, huyện trực thuộc. Vấn đề phân cấp, phân quyền không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà cần áp dụng trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn… 

Do còn nhiều nội dung cần bàn nên đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị tính toán thời gian thực hiện nghị quyết. Theo dự thảo, thời gian áp dụng nghị quyết mới là 5 năm. Với nhiều nhóm chính sách như đã đề xuất, ông lo lắng, nếu hạn chế thời gian sẽ khó đảm bảo tính khả thi. Theo quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng, phải thí điểm trong thời gian từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cũng nêu, theo thông lệ, việc thí điểm chính sách đặc thù chỉ gói gọn trong 5 năm. Song, thời hạn này chỉ nên áp dụng với chính sách không có nhiều biến động. Ông nói: “Với các dự án chiến lược, đặc biệt, trọng điểm, không chỉ với riêng TPHCM mà với các tỉnh, thành khác trên cả nước thì thời gian 5 năm là quá ngắn”. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị cân nhắc mốc thời gian thí điểm và có thể giao trùng khớp thời kỳ quy hoạch 2021-2030. 

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng thống nhất không nên quy định thời hạn cụ thể áp dụng nghị quyết mới mà nên có cơ chế để Chính phủ định kỳ 2 năm hoặc 3 năm báo cáo với Quốc hội, từ đó có cơ sở đánh giá hiệu quả, kịp thời các chính sách thí điểm. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc kéo dài thời hạn nghị quyết là “ý kiến hay”, bộ sẽ nghiên cứu, trao đổi với các bên liên quan, nếu phù hợp sẽ xử lý và tiếp thu ý kiến này. 

Cam kết hỗ trợ TPHCM để đưa nghị quyết vào cuộc sống

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều thống nhất việc ban hành nghị quyết mới cho TPHCM, để thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh cũng như là cho cả nước. 
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan soạn thảo đã phối hợp hết sức chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và TPHCM để tham vấn, lắng nghe những cơ chế, chính sách phù hợp với thành phố. Tất cả các chính sách đều phải bám vào nguyên tắc, xoay quanh 3 vấn đề: khơi thông và huy động nguồn lực; phân cấp, phân quyền; cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian. 
Hiện nay, TPHCM đã xây dựng một chương trình và có kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết này. Chính phủ cam kết sẽ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố. Các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng thành phố để đưa nghị quyết vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và hiệu quả nhất từ các cơ chế, chính sách đặc thù. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 
Nguyễn Chí Dũng 

Không chỉ cần cơ chế đặc thù mà còn phải đặc biệt

TPHCM là đô thị đặc biệt. Với vị trí và tính chất như vậy, tôi thiết nghĩ, không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà phải vượt trước để thực sự là đầu tàu đa chức năng, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm những vấn đề mới trong thực tiễn. Với nghị quyết lần này, khi Quốc hội thông qua, tôi tin tưởng TPHCM sẽ sớm hiện thực hóa một cách hiệu quả, sinh động chủ trương của Đảng, Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, để Hòn ngọc Viễn Đông mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn.

 Đại biểu Quốc hội 
Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

Đề nghị bổ sung 4 cơ chế để TPHCM bứt phá hơn

Để rút ngắn và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đề nghị Quốc hội giao cho HĐND TPHCM quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn. 

Quốc hội giao cho HĐND TPHCM ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố để đón những doanh nghiệp lớn. 
Giao cho UBND TPHCM ban hành quy định về tuyển dụng, trả lương công chức thành phố gắn với tăng thu ngân sách, vì con người là gốc của mọi vấn đề. Nếu có cơ chế, chính sách tuyển dụng, trả lương đúng thì mới có con người “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ cho sự phát triển của thành phố. 

Về cơ chế lắp điện mặt trời trên mái nhà, đề nghị giao cho UBND TPHCM tính toán và cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn lắp đặt. Có thể chuyển điện lực TPHCM về cho thành phố quản lý.

Đại biểu Quốc hội 
Đinh Ngọc Minh (Cà Mau)

 Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI