TPHCM: Muốn phục hồi kinh tế, cần "phục hồi" con người

16/10/2021 - 14:34

PNO - Sáng 16/10, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc thúc đẩy chiến lược chăm sóc tinh thần dài hạn cho người dân trong các bối cảnh dịch bệnh là nhu cầu cấp thiết.

Tại TPHCM, liên quan đến các làn sóng dịch bệnh, đã có nhiều tổ chức, cá nhân triển khai các chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân; tuy nhiên vẫn còn mang tính đơn lẻ và dường như, chưa phải là vấn đề được chú trọng.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn - Trường Đại học Sư phạm TP nhận định: “Các tổn thương, di chứng về tinh thần không chỉ xuất hiện ở người nhiễm COVID-19 mà còn lan ra các nhóm nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, và từng người dân”.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn
GS.TS. Huỳnh Văn Sơn

Chịu tác động của dịch bệnh, từng người dân đều có nguy cơ rất cao xảy ra rối nhiễu tâm lý, làm suy giảm sức khỏe tinh thần mà hệ quả là giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Hơn thế, kết quả dự báo cho thấy sang chấn có thể tác động đến mức độ của chỉ số hạnh phúc gia đình, nhất là những xáo trộn về sinh hoạt gia đình đã tồn tại trong mùa dịch và sau mùa dịch.

“Những nghiên cứu cùng loại trên thế giới ước tính có 12 đến 18% các gia đình gặp vấn đề có liên quan về văn hóa, ứng xử, mâu thuẫn - xung đột có liên quan, chịu tác động bởi các khủng hoảng lớn như đại dịch. Đặc biệt là đối với trẻ em” - GS.TS. Huỳnh Văn Sơn khẳng định và cho rằng, đây là giai đoạn mà các chiến lược hỗ trợ, can thiệp tâm lý cho người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế trở nên cấp thiết.

Cũng theo GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, lực lượng tuyến đầu hay cả các chiến sĩ trực thuộc Bộ Tư lệnh TP trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển thi hài người mất vì COVID-19 cũng là một trong các đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thực tế, đã có chương trình hỗ trợ tâm lý cho chiến sĩ xử lý thi hài, giúp các chiến sĩ nhận diện cảm xúc của mình, cân bằng cảm xúc… bước đầu đã mang đến kết quả khá tích cực.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn nêu: "Tôi khuyến nghị xác lập chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần, đề xuất thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Đây là một động thái nhân văn cần được nhận thức một cách sâu sắc và thực thi bằng trách nhiệm cụ thể".

TS. Lê Minh Công - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP cho hay, qua các nghiên cứu cho thấy, cuối năm 2020, các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân đã tăng cao gấp 3 lần so với cuối năm 2019 - khi dịch bệnh chưa bùng phát.

TS. Lê Minh Công chỉ ra các nhóm cộng đồng bị tổn thương bởi sức khoẻ tâm thần. Đơn cử, bệnh nhân dương tính, người bị cách ly và nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu có thể trở thành đối tượng bị kỳ thị, làm gia tăng cảm nhận tiêu cực về hình ảnh bản thân và lo lắng về thái độ của mọi người đối với họ, có cảm giác tội lỗi với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, không chỉ hội thảo hôm nay, mà UBND TPHCM luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế phát triển TP từ các chuyên gia, nhà khoa học. Trước mắt, trong tháng 10 này, UBND TP sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2022-2025 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TPHCM thông qua.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp thu đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học. Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, không chỉ hội thảo hôm nay, mà UBND TPHCM luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế phát triển TP từ các chuyên gia, nhà khoa học. Trước mắt, trong tháng 10 này, UBND TP sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2022-2025 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TPHCM thông qua.

Các triệu chứng của bệnh lý COVID-19 cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng nhận thức và lo âu ở những người có các khó khăn về sức khỏe tâm thần trước đây, có thể dẫn đến các tình huống không thể kiểm soát được. Những bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện tâm thần, đặc biệt là những bệnh nhân phải nhập viện dài ngày trong các khu bệnh viện kín, có nguy cơ lây lan theo cụm cao (trường hợp 62 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà là một ví dụ).

Theo TS. Lê Minh Công, đối với trẻ em, các vấn đề sức khoẻ tâm thần có thể khá phức tạp, tiềm ẩn và kéo dài nhiều năm kể cả sau khi kết thúc dịch bệnh. Tình trạng sức khoẻ tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên gia tăng trong suốt thời gian dịch bệnh như bức bối, tức giận, đau khổ, lo lắng, thậm chí có các rối loạn tâm thần như các triệu chứng stress sau sang chấn, lo âu, trầm cảm, ám ảnh sợ. Cô đơn cũng là là cảm nhận ở nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và điều này có thể làm gia tăng các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tự sát, và nghiện chất.

Với người lao động, đặc biệt là lao động di cư có nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần và các vấn đề khác như nguy cơ tử vong, thương tật…

“Các phản ứng tâm lý và tình trạng sức khoẻ tâm thần của người dân khá đa dạng, từ gia tăng nỗi lo sợ và khủng hoảng, căng thẳng, đến các triệu chứng rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, ám ảnh sợ, stress sau sang chấn, và thậm chí hành vi tự sát. Tình trạng sức khoẻ tâm thần này có thể được ghi nhận ngay trong quá trình bùng phát dịch, nhưng cũng có thể kéo dài và thậm chí khởi phát một thời gian rất dài sau khi kết thúc dịch bệnh. Sự gia tăng các khủng hoảng và rối loạn tâm thần của người dân và nhóm dễ tổn thương có thể làm trầm trọng hoá các nguy cơ lây nhiễm, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của từng cá nhân, gia đình và xã hội” - TS. Lê Minh Công phân tích.

Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế

Theo TS Trương Minh Vũ Kỳ - Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TPHCM, liên quan đến hồi phục và phát triển kinh tế, TPHCM có 11 vấn đề cần phục hồi khẩn cấp: Y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục - đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi để huy động các nguồn lực cho TPHCM. Để phục hồi hiệu quả phải có bộ máy và con người. 

TS Trương Minh Vũ Kỳ đề xuất đổi tên “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19” hiện nay thành “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM”. Song song đó, để đáp ứng tính khẩn cấp, cần có sự điều chỉnh trong cách làm như cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương trong một số lãnh vực nhất định.

"Cần tạo cơ chế đội đặc nhiệm để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM; mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành" - TS Trương Minh Vũ Kỳ kiến nghị.

 

Cần hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và mồ côi

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, cùng với quan tâm các trẻ em mồ côi vì COVID-19, TPHCM rất cần quan tâm đến sinh viên có ba, mẹ mất vì COVID-19.

"Nhiều em sinh viên mồ côi đang rất bơ vơ, thậm chí sang chấn tâm lý và rơi vào cảnh không còn tiền để học tập. Các em cũng chưa thể đi làm thêm được vì vừa trải qua biến cố hoặc chưa thuận tiện kiếm việc làm thêm do nhiều nhà hàng, quán ăn chưa mở cửa trở lại, việc dạy thêm trực tuyến cũng không thuận lợi" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân thông tin và cho rằng, đối với các sinh viên này, rất cần các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp miễn học phí cho năm học 2021-2022. 

Với nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cũng rất cần được quan tâm hỗ trợ bằng mở rộng cửa cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, giúp các em có điều kiện đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Có như vậy, TPHCM và cả nước mới không bị đứt gãy nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI