TPHCM chuẩn bị đầy đủ kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao

29/11/2021 - 18:31

PNO - TPHCM đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản ứng phó khi F0 tăng cao trong thời gian tới.

 

TPHCM đi từng nhà, rà soát từng ngõ để vận động người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19
TPHCM đi từng nhà, rà soát từng ngõ để vận động người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Hiện TPHCM có 319 trạm y tế cơ hữu và bổ sung thêm 344 trạm y tế lưu động, về nhân sự sẽ lấy từ các trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện địa phương… Sở Y tế cũng sẽ tăng cường nhân lực cho địa phương ở các khu vực có F0 điều trị tại nhà tăng.

Hằng ngày, tổng đài 1022 nhánh 3 với hơn 200 bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà, ngoài ra tổng đài 1022 nhánh 4 còn hỗ trợ cho bà con cần được chăm sóc, tư vấn sức khỏe bệnh thông thường. TPHCM cũng đã khởi động lại hệ thống bác sĩ đồng hành với 1.500 bác sĩ tư vấn để kịp thời hỗ trợ cho người dân.

“Ngoài ra để hỗ trợ thêm cho các hệ thống y tế lưu động, mới đây Sở Y tế TPHCM đang tham mưu và trình UBND TP đề án thực hiện chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của y tế tư nhân. Nếu đề án được thông qua, TPHCM sẽ có thêm nguồn lực nữa để chăm sóc F0”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM nói thêm.

Về kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM, Sở Y tế đã có công văn gửi đến Bộ Y tế và nhận được văn bản trả lời là ban chỉ đạo phòng chống dịch rất quan tâm vấn đề này, tuy nhiên thời điểm hiện tại, Thành phố sẽ tập trung tiêm vắc xin cho các đối tượng chưa tiêm mũi 2 là các cháu từ 12-17 tuổi. TPHCM chủ trương phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tìm và thuyết phục, vận động người dân tiêm vắc xin nhằm đạt độ bao phủ tốt nhất.

Bà Huỳnh Mai nói: "Thời gian tới, khi Bộ Y tế có hướng dẫn về tiêm mũi 3, quan điểm của TPHCM là sẽ tiêm cho tất cả đối tượng đủ điều kiện theo hướng dẫn".

Về việc hệ thống các bệnh viện điều trị COVID-19 có đang quá tải không, bà Mai cho biết, qua theo dõi hàng ngày với số lượng nhâp viện ở tầng 2, 3 là 11.000 người, trong khi đó tổng số giường là trên 31.000 giường.

Về tình huống bác sĩ xin nghỉ việc thời gian qua, Sở Y tế cho biết nhân viên y tế xin nghỉ có tăng nhẹ, nếu năm 2020 tổng kết có 597 nhân viên y tế xin nghỉ, thì đến 10 tháng đầu 2021 có 968 người xin nghỉ.

Phân tích về vấn đề này, bà cho biết có sự tăng nhẹ nêu trên ở nhân viên y tế có nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình và yếu tố cá nhân. “Tuy nhiên, đối với ngành y tế, các bác sĩ không làm công sẽ ra làm tư nhân. Dù công hay tư thì cũng là phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bà nói.

Về sự lo lắng của người dân trước biến thể Omicron virus B1.1.529 phát hiện ở Nam Phi, Sở Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện các chuyên gia, nhà khoa học đang phối hợp với nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về virus này.

Trước tình huống số lượng F0 tại quận 7 tăng nhanh, đại diện cơ quan chức năng quận 7 xác định chăm sóc F0 tại nhà là nhiệm vụ trọng tâm. Dựa vào y tế cộng đồng, quận 7 đã vận hành y tế cơ sở đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho các trạm y tế lưu động.

Hiện tại, quận 7 có 21 trạm y tế lưu động, trong đó có trạm y tế lưu động tại phòng khám đa khoa, từ bệnh viện tư nhân và một phòng khám của khu chế xuất Tân Thuận. 

“Trong tuần này, quận bố trí thêm mỗi phường 2 trạm y tế lưu động, các tổ y tế tự quản, tổ chăm sóc F0. Trên thực tế, trước đây quận vận hành trạm y tế lưu động trực 24/24, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh, cao điểm quận có 34 trạm và xác định sẽ xây dựng thêm để chăm sóc tốt nhất cho F0 tại địa bàn”, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó chủ tịch UBND quận 7 nói.

Về trang thiết bị phục vụ cho hệ thống y tế, quận duy trì 12 xe cấp cứu, bình oxy, thuốc, các túi thuốc A, B, C và mới đây có thuốc Đông y, đảm bảo cấp thuốc đầy đủ cho F0 tại địa bàn. Trung tâm phòng chống dịch của quận cũng vận dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để chăm sóc F0 qua đường dây 73005999, và tiếp nhận thông tin từ F0 qua đường dây 73020499, nhân viên y tế chủ động gọi điện thoại đến F0 chăm sóc tại nhà cũng như tiếp nhận các cuộc điện thoại của F0 cần chăm sóc.

Sau khi gọi điện thoại nắm tình trạng sức khỏe của F0, nếu cần hỗ trợ y tế, tổng đài sẽ gọi cho nhân viên trạm y tế phường, nếu đường dây bận sẽ chuyển lên trung tâm y tế, hoặc phó chủ tịch quận phụ trách.

Khi F0 cần cách ly tập trung do bệnh tiến triển nặng, quận duy trì Bệnh viện dã chiến đảm bảo 150 giường ICU và sẵn sàng tiếp nhận thu dung cách ly tập trung 500 giường. Ngoài ra, còn có khu 300 giường dự phòng tình huống ca bệnh tăng cao.

Theo ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM - số ca mắc mới tại địa bàn Thành phố vẫn còn cao, có ngày hơn 1.400 ca mắc mới, có ngày 1.500 ca, có khi lên đến 1.700 ca một ngày. Số ca bệnh nhập viện cao hơn người xuất viện, ca tử vong cũng có xu hướng tăng trong những ngày qua.

“Dù vậy, TP khẳng định vẫn đang kiểm soát dịch bệnh, nhiều tuần liên tiếp TPHCM vẫn ở cấp độ dịch 2. Thành phố cũng đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.

"Trân trọng đề nghị người dân không hoang mang, cũng không được chủ quan lơ là mà phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế đặc biệt là 5K, cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất với những thói quen của mình như tụ tập la cà, không ngồi khoảng cách gần… tất cả các thói quen đó đều dẫn đến ca mắc mới tăng, mà ca mắc mới tăng cao thì nguy cơ tử vong càng cao”, ông Hải nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI