TPHCM: Cải thiện môi trường đầu tư - một yêu cầu cấp thiết

Chọn lọc dự án để kích cầu đầu tư

24/03/2021 - 06:31

PNO - TPHCM tiếp tục ưu tiên, kích cầu đầu tư đối với các dự án công nghệ cao, sử dụng lao động ít, giảm ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng cao.

Ngày 23/3, kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua dự thảo nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 8/10/2018 của HĐND TP.HCM về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020.

Không kích cầu các dự án gây thêm ô nhiễm

Trao đổi với chúng tôi bên lề kỳ họp, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất trong giai đoạn 2021-2025 và hồi phục sau đại dịch COVID-19, thực hiện tốt chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” gắn với mục tiêu tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh và hồi phục kinh tế, cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ lãi vay kích cầu, giúp DN có cơ hội phát triển, mở rộng đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND đề xuất HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND.

Trong năm 2021, chính quyền TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp kích cầu đầu tư - Ảnh: Đông Quân
Trong năm 2021, chính quyền TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp kích cầu đầu tư - Ảnh: Đông Quân

Trao đổi về sự hỗ trợ của UBND TP.HCM đối với các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn, ông Hoan cho rằng, kích cầu đầu tư là nhằm thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển đúng định hướng, tập trung phát triển chiều sâu, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ, giá trị gia tăng cao, dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, làm cơ sở phát triển các ngành công nghiệp khác.

“Đầu tư phải dựa trên cơ sở đổi mới, nâng cấp máy móc, trang thiết bị và công nghệ nhằm khắc phục hạn chế của công nghệ cũ. Môi trường là yếu tố được quan tâm trong ý nghĩa kích cầu. Chúng ta không thể cung cấp tiền cho các dự án làm ra sản phẩm gây ô nhiễm. Nghĩa là, tờ trình mới tiếp tục nhắm vào nhiều yêu cầu như công nghệ phải cao, sử dụng lao động phải ít, ô nhiễm môi trường phải giảm, giá trị gia tăng cao, đó mới là các tiêu chí ưu tiên để chọn các dự án trong gói kích cầu” - ông Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Hoan, nếu ngành da giày có các dự án đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ đạt được trình độ cao, hạn chế gây ô nhiễm, vẫn có thể tham gia trong danh mục kích cầu; còn nếu chỉ đầu tư thuần túy để mở rộng sản xuất và gây ô nhiễm thêm thì không được. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế cũng tương tự.

Xét duyệt sớm, giao đất nhanh

Tại hội nghị góp ý về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư hồi tuần trước, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đề nghị TP.HCM lập các phòng, ban, công bố số hotline để DN kịp thời đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án. “Hiện có nhiều quy định mới liên quan đến lĩnh vực bất động sản thay thế các quy định cũ nhưng thông tư hướng dẫn lại chưa ban hành, các quy định chồng chéo nhau. Pháp lý đầu tư là vấn đề then chốt quyết định môi trường đầu tư và ảnh hưởng lớn đến việc DN đầu tư hay không” - ông Hồng Anh nói.

Chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển - ảnh: Diệp Đức Minh
Chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển - ảnh: Diệp Đức Minh

Tương tự, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) - cho biết các khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM đang phát triển và có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan đến KCN đều chậm, khiến không ít nhà đầu tư chuyển sang các địa phương “nhanh và rẻ hơn”. Ông Việt Anh dẫn chứng: “Tôi biết có rất nhiều DN muốn đầu tư vào KCN Hiệp Phước do nằm gần đường cao tốc, nhưng thủ tục kéo dài quá lâu so với thời gian làm thủ tục đầu tư tại Long An, Đồng Nai nên họ chuyển đi”.

Ông Fred Burke - Phó chủ tịch Hiệp hội DN Hồng Kông (HKBAV) - nhận xét TP.HCM chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như mong đợi là do rào cản về quy trình thủ tục xin cấp phép xây dựng, tình trạng ngập nước, giao thông ách tắc, nhiều dự án chậm trễ. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, kéo dài trong các thủ tục về thuế, đất đai, xin giấy phép lao động, cấp visa cho người nước ngoài… 

Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP.HCM - muốn thu hút đầu tư, phải có đất đai. UBND TP.HCM quy hoạch tổng diện tích khoảng 5.900ha cho các KCN nhưng hiện chỉ có 17 KCN với diện tích 3.500ha, còn 2.400ha vẫn chưa giao đất và triển khai thực hiện. Riêng Khu công nghệ cao TP.HCM 900ha cũng đang rất cần thêm diện tích. Theo ông Bé, mọi thủ tục về đất đai liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đều kéo dài, ách tắc, trước hết là ở Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM và Chi cục Bảo vệ môi trường. 

Ông dẫn chứng, ở KCN Tây Bắc - Củ Chi, có DN đã đền bù, giải tỏa và có đất sạch 60/67ha nhưng hồ sơ xin sổ đỏ cả năm nay vẫn chưa được hồi âm. Ở KCN Hiệp Phước, hiện đã có 300ha đất công nghiệp, trong đó 200ha đất sạch để xây dựng nhà máy nhưng vẫn đóng băng, không làm được thủ tục cho nhà đầu tư thuê do vướng vấn đề trả tiền thuế đất một lần. Đất sạch tại KCN Lê Minh Xuân III và nhiều thửa đất sạch ở KCN Tân Phú Trung cũng không được làm sổ đỏ và DN cũng không được hồi âm, giải đáp. Hồ sơ về môi trường, nhất là giấy phép đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhiều DN nộp tại Chi cục Bảo vệ môi trường cũng bị kéo dài và không được hồi âm.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - thừa nhận liên quan đến môi trường đầu tư, có nhiều thủ tục hành chính, mỗi thủ tục tương ứng với quy định khác nhau. Chẳng hạn, để có được giấy phép chấp nhận đầu tư, cần có thủ tục thành lập DN và các thủ tục liên quan đến lao động, thuế, đất đai, xây dựng. “Riêng thủ tục đăng ký kinh doanh hiện đã rất nhanh chóng, tiện lợi, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ từ 1-3 ngày. Đối với hồ sơ đăng ký qua cổng điện tử, chúng tôi cố gắng giải quyết trong 24 giờ” - bà Mai nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 23/3, ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết các vấn đề liên quan đến đầu tư đều đã được chính quyền TP.HCM quan tâm và đã nêu 10 giải pháp trong kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 của thành phố. Ông nói: “Điều cần tập trung nhất hiện nay là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các quy trình thủ tục, kế đến là phát huy nguồn lực đất đai để đẩy nhanh việc giao đất, sử dụng đất nhanh nhất. Chúng tôi lắng nghe DN và ngược lại DN cần đồng hành với chính quyền”. 

Quốc Ngọc - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI