TP. Hồ Chí Minh: “Giặc chuột” hoành hành

01/07/2014 - 07:44

PNO - PN - Theo ghi nhận của chúng tôi, vừa qua, TP.HCM đã có hai trường hợp nhiễm vi rút Hanta do chuột cắn. Trong khi đó, tại nhiều nơi, người dân đang vô cùng vất vả đối phó với nạn “giặc chuột”.

edf40wrjww2tblPage:Content

TP. Ho Chi Minh: “Giac chuot” hoanh hanh

 Tấn công người, làm loạn khu dân cư

Chuột chạy khắp nơi bất kể ngày đêm, từ nhà bếp đến phòng khách, phòng ngủ, cắn phá mọi thứ… là tình hình đang diễn ra tại khu vực kênh Hy Vọng, P.15, Q.Tân Bình (ảnh). Con kênh dài khoảng 5km chạy ngoằn ngoèo qua các khu dân cư. 12 giờ trưa 26/6, chúng tôi có mặt tại đây. Dừng xe, bước thật khẽ ra bờ kênh, chúng tôi thấy hàng chục con chuột to tướng, béo núc đang trầm mình dưới dòng nước đen. Thấy động, cả đàn chuột chạy lên bờ, chui vào một ống thoát nước.

Cách đó khoảng 20m, nhiều tiếng sột soạt phát ra trong một bụi cỏ ven kênh. Nhặt một hòn đá quăng vào bụi cỏ, chúng tôi không khỏi rùng mình, một đàn chuột túa ra nhảy xuống kênh lội sang bờ bên kia, chui vào hang. Chúng tôi tiếp tục đi dọc con kênh thêm vài trăm mét, tiếng động phát ra đến đâu lũ chuột chạy đến đó. Nhà chị Nguyễn Thị Hải Yến (178B/11/9 Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình) có khoảng sân rộng đối diện con kênh. Trong sân, chị Yến đang cho con ăn, dưới mép kênh, một đàn chuột cả chục con lúc nhúc, chực chờ hạt cơm nào rơi xuống lập tức nhảy vào “nhặt” ngay. Nhiều con mình mẩy lở loét, lông rụng gần hết. “Nhiều bữa tui bận chăm thằng nhỏ, lũ chuột kéo đến bò lổm ngổm tìm thức ăn” - chị Yến kể.

Nhà bà Nguyễn Thị Giàu (ở cạnh nhà chị Yến), không biết bao nhiêu lần bị lũ chuột lục tìm thức ăn “đập” vỡ nồi niêu, chén đĩa trong nhà. Còn đồ đạc chúng cắn phá hư hỏng thì không kể hết. “Nhiều đêm tui ngủ dậy thấy trên giường đầy dấu chân chuột, thì ra đêm qua chúng đã chui vào phòng ngủ” - bà Giàu ngán ngẩm. Theo nhiều người dân nơi đây, họ đã làm đủ cách để diệt chuột nhưng lũ chuột không giảm mà ngày càng nhiều hơn.

Chị Lê Thị Thảo (122/6 đường số 14, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) cho biết, gần đây, khu vực nhà chị chuột sinh sôi nảy nở rất nhiều. Cách nay khoảng hai tuần, một lũ chuột năm, sáu con nửa đêm chui vào phòng ngủ cắn chảy máu chân một người trong nhà. Lo chuột sẽ tiếp tục kéo đến hoành hành, chị dùng lưới sắt bịt kín các lỗ hổng xung quanh nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau, chiếc ghế salon trong nhà chị vẫn bị chuột cắn rách nát, nhiều đồ ăn thức uống bị lũ chuột lục tung tóe. Kiểm tra, chị phát hiện một lỗ trống dưới chân tường. Thì ra sau khi chị bít các lỗ trống trong nhà, lũ chuột đã đào chân tường chui lên. Chị Thảo cùng nhiều hộ dân nơi đây đã làm đủ cách để diệt chúng nhưng chỉ bẫy được vài con, sau đó không còn hiệu nghiệm nữa.

Tương tự, theo người dân ở khu dân cư hai bên đường số 19, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, khoảng một tháng gần đây, chuột xuất hiện nhiều, cắn phá khắp nơi. Một người dân nơi đây cho biết, nhiều đêm đang ngủ, chuột đuổi nhau rầm rầm trên mái tôn.

Tại khu vực đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh chuột cũng hoành hành không kém. Anh Quốc V., ngụ ở đường D2 cho biết: “Hàng hóa, sách vở, quần áo... chúng cắn sạch không chừa thứ gì. Mới đây, tôi bị chuột bò vào phòng ngủ cắn chảy máu”. Trong khi đó, nhiều người dân ở khu vực cầu Đỏ, cầu Băng Ky (Q.Bình Thạnh) không chỉ khổ vì chuột sống mà còn khổ vì chuột chết. Nhiều người dân diệt chuột thả xuống kênh gây hôi thối.

TP. Ho Chi Minh: “Giac chuot” hoanh hanh

Ảnh: Phùng Huy

“Chiến sĩ” diệt chuột còn xây dựng kế hoạch

Vừa qua, TP.HCM đã có hai trường hợp nhập viện vì bị chuột cắn. Trong đó, chị Nguyễn Thị T. (51 tuổi, ở Q.Tân Phú) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị trong tình trạng sốt, mệt mỏi, nhức đầu và có dấu hiệu suy thận. Qua điều tra dịch tễ và xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM, các bác sĩ đã phát hiện chị T. dương tính với vi rút Hanta (vi rút ký sinh trên chuột). Trường hợp thứ hai, bệnh nhân ở Q.8 bị chuột cắn nhập viện cũng trong tình trạng sốt cao, suy thận. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này cũng nhiễm vi rút Hanta từ chuột.

Bên cạnh những ca xuất hiện biến chứng, bác sĩ Vũ Minh Quang - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Gần đây có một số trường hợp đến bệnh viện tiêm ngừa sau khi bị chuột cắn”. Theo bác sĩ Quang, chuột rất hiếm khi tấn công người. Nhưng khi bị chuột cắn, con người có nguy cơ đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, nhiễm trùng uốn ván, dịch hạch (do chuột cắn hoặc ký sinh bọ chét trên chuột hút máu truyền bệnh sang người), vi rút Hanta và các dạng sốt do chuột cắn. Sốt sau khi bị chuột cắn là bệnh do các vi khuẩn sống trong khoang hô hấp trên của chuột gây ra. Bệnh khởi phát sau 2 - 10 ngày bị tấn công.

Sáng 24/6, trên lộ trình từ Q.2 sang Q.3 và Q.5, chúng tôi bắt gặp hàng chục xác chuột chết bị vứt ra đường. Người ở gần những dòng kênh như Tàu Hũ, Lò Gốm, Nhiêu Lộc... cho biết họ vẫn thường gặp nhiều xác chuột chết nổi lềnh bềnh trên kênh. Theo các chuyên gia y tế, trên thân thể chuột thường có những loài ký sinh, mang nhiều mầm bệnh như bọ chét. Khi chuột chết, những động vật này sẽ thoát ra, tìm cách ký sinh trên động vật khác. Người đến gần sẽ bị bọ chét bám vào hút máu, truyền bệnh.

Chuột lộng hành cũng là cơ hội làm ăn của các công ty chuyên bẫy chuột. Nhân viên Công ty diệt chuột, côn trùng Á Châu - chi nhánh tại TP.HCM cho biết, thời điểm này dịch vụ diệt chuột khá đắt khách. “Có ngày công ty tôi nhận hàng chục đơn hàng bẫy chuột tại nhà. Công ty sẽ xuống khảo sát và ký hợp đồng. Anh muốn diệt chuột thì cứ gọi điện thoại, tôi sẽ cho nhân viên kỹ thuật xuống. Trung bình mỗi nhà sau khi đặt bẫy, đều bắt được trên dưới 20 con” - Thúy nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Dũng - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP TP.HCM cho biết, đầu năm 2014, TTYTDP TP đã “tổng tấn công” chuột trên khắp các quận huyện. Kết quả (chưa tính Q.3 và huyện Cần Giờ) đã diệt hơn 6.700 con chuột. Tuy nhiên, do chuột sinh sản nhanh, TP.HCM lại có nhiều kênh rạch, cống nước, bãi rác lộ thiên, công trình xây dựng… thuận lợi cho chuột làm ổ cũng như có nhiều nguồn thức ăn nên sau chiến dịch vài tháng thì chuột sẽ tăng số lượng trở lại. Hiện nạn chuột tại TP.HCM đã ở mức báo động, bởi theo Tổ chức y tế thế giới, giới hạn cho phép tối đa về mật độ chuột (tỷ lệ số chuột bẫy được/tổng số bẫy) là khoảng 6%. Trong khi đó, khảo sát sơ bộ tại một số quận huyện, tỷ lệ này bình quân là 20%.

Theo ông Lê Đình Dũng, thời gian qua, TTYTDP TP đã khảo sát và sẽ có kế hoạch triển khai xử lý cục bộ một số “điểm nóng”. Ngành y tế đã tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh khu vực sinh sống, bảo quản đồ ăn thức uống, sử dụng các loại bẫy lồng, bẫy sập, bẫy keo... để cùng diệt chuột. Cũng cần lưu ý bà con, khi bẫy được chuột, nếu chuột còn sống thì cẩn thận bắt kẻo bị chuột cắn. Nếu chuột chết, không nên vứt xác chuột tùy tiện mà nên dùng kẹp gắp hoặc đeo bao tay để cầm chuột, bỏ vào túi xốp, cột chặt lại và bỏ vào bô rác để nhân viên vệ sinh thu gom, xử lý. Sau đó, nhớ rửa tay bằng xà phòng để giữ vệ sinh, phòng bệnh.

 Tiến Đạt - Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI