TP.HCM: Học sinh lớp Một tăng vọt, lo chất lượng thụt lùi

01/08/2018 - 06:00

PNO - Năm nay, TP.HCM tăng 67.234 học sinh, trong đó bậc tiểu học dẫn đầu với gần 27.000 em.

Tính ra cần phải có thêm gần 800 phòng học, tương đương với khoảng 45 ngôi trường mới, để gánh số học sinh tăng thêm này. Thế nhưng, số phòng học mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Nhiều trường đành phải tăng sĩ số lên 50 học sinh/lớp, giảm lớp hai buổi, bán trú.

TP.HCM: Hoc sinh lop Mot tang vot, lo chat luong thut lui
Học sinh Trường tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp, ngôi trường “nổi tiếng” đông học sinh.

Bỏ xa chuẩn 35 học sinh/lớp

Đang là cao điểm tuyển sinh vào lớp Một, lớp Sáu, những nhà quản lý giáo dục ở 24 quận, huyện của TP.HCM như đang vào trận. Số học sinh đầu cấp cứ tăng lên từng ngày so với thống kê ban đầu, bởi từng ngày trẻ vẫn phải theo cha mẹ nhập cư vào thành phố kiếm sống, lập nghiệp.

Co kéo để có đủ chỗ học là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục ở các quận, huyện, cho nên “tăng học sinh theo học bán trú, hai buổi” vẫn chỉ là kế hoạch của tương lai. “Năm nay tuổi rồng vàng vào lớp Một, heo vàng vào lớp Sáu. Cho nên, trước mắt phải lo đủ chỗ học, dù học một buổi. Lớp hai buổi giảm đến mức tối thiểu. Chỉ tính riêng lớp Một diện tạm trú KT3, KT4 đã gần 6.000 em, nếu nhét mỗi lớp 50 em cũng phải có thêm 120 lớp học nữa, nghĩa là phải có thêm 3, 4 ngôi trường mới” - trưởng phòng GD-ĐT một quận cho biết.

Những quận, huyện đang đô thị hóa như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp… với hàng loạt chung cư cao tầng, khu dân cư mới tập trung đông dân, đồng nghĩa với việc đông trẻ con nên áp lực chỗ học đang đè nặng. Năm nay, TP.HCM tăng 67.234 học sinh, trong đó bậc tiểu học dẫn đầu với gần 27.000 em.

Tính ra phải cần có thêm gần 800 phòng học, tương đương với khoảng 45 ngôi trường mới, để gánh 27.000 học sinh tăng thêm này. Thế nhưng, tính đến ngày khai giảng năm học mới, dự kiến bậc tiểu học chỉ có thêm 369 phòng học. Đã vậy, đây không hoàn toàn là phòng học mới mà có đến 100 phòng diện xây dựng, sửa chữa thay thế. Như vậy, số phòng học mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.

Đầu năm học trước, số học sinh không có hộ khẩu TP.HCM là 294.239 em. Năm nay, diện này tăng thêm khoảng 15.000 em. Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt cao so với chuẩn của bậc tiểu học.  

Áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến: Cách nào?

Chỉ còn một năm nữa ngành giáo dục sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những điều kiện tiên quyết để lần đổi mới này đạt chất lượng là sĩ số phải lý tưởng để giáo viên có thể bao quát lớp và áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến. Thế nhưng, với thực trạng sĩ số mỗi năm mỗi tăng và hiện bỏ xa quy định về chuẩn trường tiểu học (35 học sinh/lớp), các lớp luôn đông nghịt học sinh, bàn ghế phải kê san sát đến mức không còn lối đi... thì không biết sẽ triển khai chương trình giáo dục mới như thế nào. Đó là chưa kể, đến đầu tháng Tám, các quận mới bắt đầu nhận học sinh chuyển trường từ các tỉnh khác. “Áp lực dữ lắm! Cứ đà tăng sĩ số như thế này thì thầy cô sẽ đuối, rất khó đổi mới” - ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, than.

Một phó phòng giáo dục chỉ ra: học sinh tiểu học ít nhất phải được học hai buổi/ngày mới có đủ thời gian học chính khóa lẫn kỹ năng, ngoại ngữ. Với thời lượng học một buổi, cô và trò “chạy” kịp nội dung chính khóa đã là may, những kỹ năng mềm hay ngoại khóa đều không có cơ hội tiếp cận. Đó là chưa kể, đa phần phụ huynh học sinh đều không thể để con ở nhà một buổi nên hễ được phân tuyến vào trường một buổi là họ tìm đường “chạy” sang trường khác gây ra cảnh hỗn loạn. 

Quá tải lớp Một ở các quận ven

Theo thống kê của Q.Bình Tân, năm học 2018-2019 số học sinh lớp Một vào khoảng 14.000, tăng 5.866 học sinh so với năm trước. Nếu xếp cho số này học một buổi thì cần 84 phòng học, nhưng nếu học hai buổi thì phải là 168 phòng. Trong khi đó, cả quận này chỉ có thêm 11 phòng mới tại Trường tiểu học Ngô Quyền. Bởi thế, các trường không chỉ giảm tỷ lệ học hai buổi, lớp bán trú, mà dự kiến sĩ số lớp Một trung bình toàn quận sẽ là 46 học sinh/lớp (tăng 2,6 học sinh/lớp). Các trường tiểu học An Lạc 1, Lê Công Phép, Bình Trị 1, Bình Trị 2, Bình Long, Bình Tân đều có sĩ số “kịch trần” với khoảng 50 học sinh/lớp.

Đó là chưa kể, P.Bình Trị Đông A có 1.190 trẻ đến tuổi vào lớp Một nhưng khả năng tiếp nhận của trường tiểu học trong phường này chỉ có 307 chỗ. Do vậy, ban tuyển sinh quận buộc phải sắp xếp học sinh vào học những trường lân cận có cự ly đến trường trên 4km. Trường tiểu học An Lạc 1 (Q.Bình Tân) thông báo không tổ chức bán trú lớp Một tiếng Anh và tiếng Anh tăng cường. Nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con buổi trưa phải “chạy” cho con sang học các quận khác. 

Quận Tân Phú năm nay tăng khoảng 2.000 học sinh tiểu học nhưng không có thêm phòng học mới, sĩ số trung bình 50 học sinh/lớp. Thêm vào đó, các trường sẽ giảm tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày. Toàn quận chỉ còn bốn trường tiểu học có 100% học sinh được học hai buổi/ngày là Tân Sơn Nhì, Hồ Văn Cường, Âu Cơ, Tân Hương. 

Tại Q.Gò Vấp, với 1.400 học sinh tăng thêm nhưng số phòng học không thay đổi khiến các trường buộc phải giảm tỷ lệ học hai buổi và phải biến các phòng chức năng thành phòng học, sắp xếp thời khóa biểu linh động để khai thác hết công suất 
phòng học.

Tại Q.Thủ Đức, một loạt trường hai buổi có bán trú phải chuyển xuống học một buổi như các trường tiểu học Bình Triệu, Đào Sơn Tây, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh…

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI