TP.HCM cử 39 bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới

04/12/2013 - 14:47

PNO - PNO - Ngày 4/12, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức buổi lễ ra quân triển khai Đề án luân phiên cán bộ y tế đợt 1 trên địa bàn quận 6, quận 9, các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.

TP.HCM cu 39 bac si tuyen tren ve ho tro tuyen duoi

Ảnh minh họa. Nguồn: Bacsitructuyen.org

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong đợt này, có 31 bác sĩ thuộc các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, nhãn khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, nội tổng quát, nhiễm, tai mũi họng của các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Đa khoa khu vực Củ Chi, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, Tai Mũi Họng và Mắt được đưa về bệnh viện tuyến quận huyện.

Ngoài ra, còn có 8 bác sĩ của Bệnh viện quận 9, Bệnh viện huyện Nhà Bè và Bệnh viện huyện Bình Chánh về hỗ trợ nhân lực cho các trạm y tế phường xã.

Các cán bộ y tế phải thực hiện chế độ luân phiên với thời gian tối thiểu 12 tháng. Mục tiêu chung của đề án là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế thành phố nói chung và tuyến y tế cơ sở nói riêng, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

Mục tiêu là tiến tới năm 2020, bảo đảm 100% trạm y tế phường xã đều có bác sĩ từ tuyến quận huyện về tăng cường, trên 70% cơ sở y tế quận huyện được cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến thành phố xuống hỗ trợ.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, mỗi cán bộ y tế được cử đi luân phiên, bên cạnh việc trực tiếp khám chữa bệnh hàng ngày cho người dân địa phương, còn có nghĩa vụ đào tạo, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho các bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới; nắm bắt tình hình bệnh tật, năng lực chuyên môn, kỹ thuật để chủ động đề xuất với ban giám đốc của bệnh viện về nhu cầu cần chuyển giao kỹ thuật.

Quá trình đi luân phiên còn giúp cán bộ đó hiểu và chia sẻ hơn với các đồng nghiệp đang công tác tại bệnh viện tuyến quận huyện và người dân vùng xa còn nhiều khó khăn, thiệt thòi… Đó cũng là cách rèn luyện y đức một cách thiết thực.

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI