Tòa án Pháp bác đơn kiện về chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

10/05/2021 - 16:59

PNO - Bà Trần Tố Nga đã kiện các công ty đa quốc gia ra tòa về việc giúp Mỹ sản xuất và cung cấp chất khai quang cực độc – dioxin - nhằm sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.

Tòa án Pháp hôm 10/5 đã phán quyết khiếu nại chống lại 14 công ty về việc sản xuất hoặc bán chất khai quang chất độc màu da cam cho Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam là "không thể thụ lý".

Phán quyết có lợi cho 14 công ty cho rằng phía bị đơn "có đủ cơ sở để tận dụng quyền miễn trừ theo thẩm quyền trong chiến tranh".

Vụ kiện do bà Trần Tố Nga - một phụ nữ Pháp gốc Việt – đưa ra, chống lại các công ty, trong đó có công ty hóa chất nông nghiệp Monsanto của Mỹ, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer của Đức.

Bà Trần Tố Nga đệ đơn kiện tại hệ thống tòa án Pháp, đòi trách nhiệm từ các công ty về những tổn thương mà bà, con bà và vô số nạn nhân Việt Nam khác phải gánh chịu.

Ở tuổi 79, bà Trần Tố Nga quyết định rằng đây là cuộc chiến cuối cùng vì bà là một trong những nhân chứng sống ít ỏi còn sót lại mang trong mình tác hại của chất độc dioxin
Ở tuổi 79, bà Trần Tố Nga quyết định rằng đây là cuộc chiến cuối cùng vì bà là một trong những nhân chứng sống ít ỏi còn sót lại mang trong mình tác hại của chất độc dioxin

Bà Nga từng làm phóng viên tại Việt Nam ở độ tuổi 20. Bà cho biết mình đang phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và một chứng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp.

Người phụ nữ 79 tuổi này cũng từng mắc bệnh lao hai lần, phát triển thành ung thư và một trong những con gái của bà đã chết do dị tật tim. Bà mô tả vụ việc là "cuộc chiến cuối cùng" của cuộc đời mình.

Luật sư đại diện của nhóm bị đơn bao gồm Monsanto, Me Jean-Daniel Bretzner, lập luận rằng tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia nước ngoài có chủ quyền theo khuôn khổ "chính sách phòng vệ" trong thời gian chiến tranh.

Một đại diện khác của Bayer được hãng tin AFP trích dẫn nói rằng "các nhà cung cấp trong chiến tranh" không phải chịu trách nhiệm. Các công ty đa quốc gia cho rằng việc sử dụng chất hóa học là trách nhiệm thuộc về quân đội Mỹ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải hàng triệu lít chất khai quang độc tính cao có chứa dioxin lên các khu rừng tại Việt Nam và Lào để ngăn chặn bước tiến của quân giải phóng.

Bốn triệu người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, Lào và Campuchia, theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nạn nhân.

Người dân chưa bao giờ được bồi thường và cho đến nay, chỉ có các cựu chiến binh Mỹ, Úc và Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam mới được bồi thường trong các phiên tòa từ năm 1987 đến năm 2013.

Linh La (theo DW, Laprovence, RT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI