Đôi bàn tay đàn bà có tạo nên hạnh phúc?

08/04/2019 - 06:00

PNO - Đàn bà yêu thương vị tha quá nhiều chỉ nuôi cái tôi của chồng của con mình ngày một lớn, thành hình khối nặng nề của sự ích kỷ nhẫn tâm? Chỉ với đôi tay yếu mềm của đàn bà liệu có đủ tạo nên hạnh phúc?

Bạn cúi xuống khuấy mải miết ly cà phê sữa đã tan không còn miếng đá nào: “Mình không biết phải làm gì bây giờ. Mình hiểu nỗi khổ tâm của anh ấy”. Tôi nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng với chiếc mũi cao và khuôn mặt trái xoan đã từng rất xinh của bạn, không khỏi ngậm ngùi. 

Bạn và chồng là một cặp thanh mai trúc mã. Hơn 20 năm trước, hay cho đến bây giờ, có dịp nghe bạn kể, nhìn cách bạn chăm sóc, nói chuyện hay ánh mắt dành cho chồng, tôi vẫn luôn cảm thấy một trường yêu thương tin cậy. Tôi còn nhớ ngày biết cả hai vợ chồng đều rất khó, thậm chí là không thể có con, bạn khóc nấc. Câu đầu tiên sau khi lau khô nước mắt của bạn là: “Mình thương anh ấy quá. Anh ấy mong có con biết chừng nào!”. 

Doi ban tay dan ba co tao nen hanh phuc?
Ảnh minh họa

Với đàn bà, làm mẹ là khát vọng bản năng. Hạnh phúc hay khổ đau với đàn bà - đặc biệt là đàn bà Á Đông - suy tận cùng cũng chỉ loanh quanh một đứa trẻ. Vậy mà trong tình thế tuyệt vọng ấy, cảm xúc đầu tiên bạn gọi tên là xót thương cho chồng mình.

Rồi vợ chồng bạn nhận con nuôi - một bé trai hãy còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi, nằm co ro trước cổng nhà thờ. Nhiều lần trong suốt 13 năm qua, kể từ ngày ngôi nhà bạn có tiếng khóc cười của trẻ thơ, tôi đã tin về những điều tuyệt diệu hiện hữu trên đời. 

Ấy vậy mà giờ bạn ngồi trước tôi, như cái cây héo rũ. Thằng bé dù đang năm cuối cấp nhưng cả ngày chỉ biết cắm mặt vào game. Bạn ngọt nhạt hết cách. Trong cơn say, chồng bạn đã nói hết sự thật và mắng con là “thứ trôi sông lạc chợ...” rồi đuổi nó đi...

“Đã từ rất lâu mình không còn nhớ con là không do mình đẻ ra. Mình yêu nó, chấp nhận cả cái tốt lẫn cái chưa tốt của nó. Anh ấy tốt, anh ấy cũng thương thằng bé. Thế nhưng đàn ông không giống như đàn bà mình. Anh ấy vẫn buồn và suốt bao nhiêu năm nay, thi thoảng mình lại thấy anh ấy nhìn thằng bé thở dài. Mình biết trong sâu thẳm, anh ấy khát khao một đứa con mang dòng máu của chính mình... Gần năm năm nay anh ấy hay nhậu, riết rồi thành thói quen mỗi ngày. Mình thấy thương anh ấy khi không vượt qua cái rào do chính mình dựng lên...”.

Bạn nói bằng giọng đều đều, không khóc. Tôi lại khóc. Tôi không biết giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống má mình vì thương bạn, thương thằng bé hay thương anh - cũng là bạn của tôi. Con bỏ đi. Bạn hoảng loạn chạy tìm khắp nơi. Đến cuối cùng, không hiểu điều gì mách bảo, gần hai giờ khuya, bạn tìm thấy thằng bé nằm co ro dưới gốc cây sa-kê trước cổng nhà thờ.

- Sao mẹ không bỏ con đi?

- Mẹ là mẹ của con, cả đời này mẹ cũng không bao giờ bỏ rơi con!

Bạn ôm choàng lấy con, ngỡ như đang ôm đứa trẻ đỏ hỏn ngày nào.

Khoảng cách giữa hai cha con ngày một lớn, không thể hàn gắn. Thằng bé ngày càng lầm lì, tìm mọi cách né tránh cha. Chồng bạn cũng im lặng. Không khí gia đình nặng nề căng thẳng. Thằng bé đến trường nhưng không học được mấy, thậm chí có những ngày nó không đi học, ngồi thu lu ở nhà, rồi lại cắm mặt vào game. “Mình yêu thương và thấu hiểu hai cha con nhưng vẫn không khiến gia đình bình yên hạnh phúc, sao vậy cậu?”, bạn buồn bã.

Thấu hiểu cảm thông cho người bằng cả trái tim yêu thương liệu đủ để bình an, đủ gầy dựng một mái ấm? Chuyện như nhà bạn không phải hiếm gặp, nhưng khi đứa trẻ không phải là con mình rứt ruột sinh ra thì phải chăng lại là một thử thách cho bản thân trước cái gọi là yêu thương người hay chỉ thương mình? Đàn bà yêu thương vị tha quá nhiều chỉ nuôi cái tôi của chồng của con mình ngày một lớn, thành hình khối nặng nề của sự ích kỷ nhẫn tâm? Chỉ với đôi tay yếu mềm của đàn bà liệu có đủ tạo nên hạnh phúc?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI