Tìm thông tin người thân điều trị COVID-19 như "mò kim đáy biển"

01/08/2021 - 20:23

PNO - Đa số bệnh nhân COVID-19 bị mất liên lạc là người lớn tuổi, đi lại khó khăn, ít sử dụng điện thoại… gia đình dùng nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.

Nhiều ngày không tìm được người thân

Từ khi anh trai bị COVID-19, anh Nguyễn Tuấn chỉ biết anh Y.L. (37 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Dã chiến Dĩ An, Bình Dương rồi không liên lạc được. Trước khi mất liên lạc, anh Tuấn chỉ kịp biết bệnh của anh L. tiến triển nặng phải thở oxy. 

“Đã 2 ngày 3 đêm rồi tôi vẫn chưa liên lạc được với anh ấy, không biết tình trạng sức khỏe của anh tôi hiện đang tốt xấu thế nào. Vợ anh ấy phải cách ly, các cháu tôi còn quá nhỏ lại ở nhà trọ chưa biết phải làm sao. Tôi tìm nhiều cách rồi vẫn bất lực”, anh Tuấn cho biết.

Cùng nỗi lo như anh Tuấn, chị Phùng Thị Vĩnh cũng chạy tới chạy lui xin vào một bệnh viện điều trị COVID-19 ở Bình Tân tìm mẹ nhưng không được. Mẹ của chị được phát hiện dương tính ngày 28/7, khi có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính đã được nhân viên y tế đưa đến bệnh viện. Ban đầu chị được cung cấp thông tin nơi mẹ chị được đưa đến. Quá cấp bách chị không nhớ bệnh viện nào, mẹ của chị lại lớn tuổi, không sử dụng điện thoại, đến nay chị không có thông tin gì về mẹ.

Tìm kiếm người thân đang cách ly, điều trị COVID-19 trong vô vọng, nhiều người đã lên mạng xã hội cầu cứu
Tìm kiếm người thân đang cách ly, điều trị COVID-19 trong vô vọng, nhiều người đã lên mạng xã hội cầu cứu

Gần 10 ngày anh Trương Hữu Minh hết tìm trên hệ thống cổng thông tin đến hỏi thăm nhiều khu cách ly tại quận 1, TPHCM vẫn chưa tìm được người thân. Quá bí bách, anh đành lên các trang mạng xã hội cầu cứu bởi người nhà đã lớn tuổi, đi lại khó khăn, không biết sử dụng điện thoại.

Anh nói: “Dì của tôi đã ngoài 70 tuổi, ban đầu dì là F1, tiếp xúc trực tiếp F0 nên phải cách ly. Dì chỉ sống 1 mình, khi biết dì phải cách ly y tế, chị họ của tôi xin phép cho dì cách ly tại nhà do cấu trúc nhà đáp ứng điều kiện. Cách ly tại nhà được khoảng 3-4 ngày, dì tôi có triệu chứng sốt, đau họng, nhức đầu, thở mệt,… nên chị tôi báo với y tế phường. Thêm 2 ngày nữa, dì tôi xét nghiệm kết quả âm tính nhưng tình trạng bệnh tăng nặng nên được chuyển đi khu cách ly”.

Theo anh Minh, dì của anh chỉ biết sử dụng điện thoại phím bấm, vào cách ly 2 ngày, người dì gọi về thông báo mình dương tính nên sắp được đưa đi bệnh viện điều trị. “Tôi hỏi lại bệnh viện nào, dì tôi không biết nên dặn khi bác sĩ đến đưa đi, dì phải gọi lại cho tôi liền để tôi hỏi bác sĩ. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày vẫn không thấy dì gọi, khi gọi lại thì thuê bao đến bây giờ. Tôi hỏi nhiều nơi vẫn chưa tìm ra được bệnh viện tiếp nhận. Đành phải đưa thông tin cá nhân, địa chỉ của dì và số điện thoại của tôi để nhờ giúp đỡ”, anh Minh sốt ruột.

Người dân ở quận Gò Vấp chờ lấy mẫu xét nghiệm
Người dân ở quận Gò Vấp chờ lấy mẫu xét nghiệm

Tương tự anh Minh, một tài khoản Facebook M.N. cũng đành lên mạng xã hội đăng thông tin của cụ ông 76 tuổi đang “mất tích”. Theo đăng tải, ban đầu cụ ông điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó chị nghe nói ông của chị được chuyển đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 6 ở Thủ Đức rồi lại nghe nói ông được chuyển về Bệnh viện An Bình nhưng cả nhà đã cố gắng tìm kiếm vẫn không được. 
Chị chia sẻ: “Do ông cao tuổi nên trước khi đi người nhà đã để cho ông cái điện thoại liên lạc nhưng lúc lên xe di chuyển đi ông làm rớt mất mà không hay”.

Cố gắng tìm người thân cho bệnh nhân

Nếu như nhiều gia đình đang ngày đêm sốt ruột vì người bệnh đột ngột mất liên lạc, thì ở các bệnh viện nhiều tình nguyện viên, phòng công tác xã hội, các bác sĩ cũng rất cố gắng tìm người thân cho bệnh nhân của mình. Ở các bệnh viện, nhiều trường hợp bệnh nhân ở các trạng thái khác nhau cũng dần “đứt kết nối” với gia đình bởi nhiều lý do như điện thoại hết pin, bị hư, bị mất trong lúc di chuyển, hoặc bệnh nhân trở nặng đột ngột phải thở máy, sử dụng oxy hỗ trợ,… thậm chí có trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch phải sử dụng thuốc an thần hoặc hôn mê khi chưa kịp liên lạc với người nhà. 

Hầu hết ở các bệnh viện dã chiến người bệnh được đưa đến nhiều, số ca bệnh tăng nhanh, việc bố trí phòng ở, kiểm tra tình trạng sức khỏe,... cập nhật thông tin người bệnh, thân nhân có sự gián đoạn. 

“Có ca bệnh trên đường đưa đến không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vừa vào tới bệnh viện đã trở nặng. Nhân viên y tế phải ưu tiên cấp cứu, trấn an những bệnh nhân gần đó. Chưa kể đến có nhiều bệnh nhân không nhớ số điện thoại người nhà, nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi cần thông báo tình trạng bệnh về gia đình bệnh nhân. Hiện tại khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi sẽ cố gắng khai thác về thông tin dữ liệu và cập nhật nhanh chóng lên hệ thống để tránh tình trạng “đứt liên lạc”, đại diện một bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 cho biết.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thông tin tìm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19
Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thông tin tìm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, số ca bệnh nặng đang tăng, khối lượng công việc tại đây rất lớn, các y bác sĩ đang ngày đêm giành giật từng mạng sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh viện cũng đang cố gắng triển khai việc cung cấp hệ thống tìm kiếm và thông tin tình trạng sức khỏe của người bệnh ở cả Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19. 

Bác sĩ Thức cho biết: “Ngày 27/7 hệ thống tiếp nhận thông tin tìm kiếm, cung cấp tình trạng người bệnh đã chính thức hoạt động. Mọi người có nhu cầu có thể vào Fanpage Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và Zalo Tìm người bệnh COVID BVCR Hồi sức”.

Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ khi hệ thống tiếp nhận thông tin tìm kiếm hoạt động, lực lượng hỗ trợ đã tiếp nhận và hồi đáp hơn 300 lượt thân nhân có nhu cầu tìm người nhà đang điều trị COVID-19 tại bênh viện. 

“Ngoài việc giúp người nhà tìm kiếm, chúng tôi cũng cung cấp thông tin sơ bộ về tình hình sức khỏe của bệnh nhân cũng như tiên lượng của bác sĩ để mọi người có thể yên tâm”, ông Hiển nói thêm.

Bên cạnh nỗ lực của bệnh viện, đội tình nguyện viên ở các bệnh viện cũng chủ động tìm giúp người bệnh cho các gia đình. Để động viên bệnh nhân, đội tình nguyện viên cho biết sẽ nhờ bác sĩ điều trị chuyển lời nhắn ngắn gọn từ gia đình vào phòng bệnh.

Sở Y tế TPHCM cho biết với số người mắc COVID-19 tăng dần, số khu cách ly tập trung và các cơ sở y tế điều trị được mở rộng, các trường hợp được chuyển đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận người nghi nhiễm và người nhiễm COVID-19 cũng tăng dần… thật không dễ dàng và không thể tra cứu thông tin của một người đang được cách ly một cách nhanh chóng để phục vụ cho công tác điều tra dịch tễ của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thấu hiểu nỗi lo lắng của thân nhân, bệnh nhân, từ ngày 19/7/2021, Sở Y tế TPHCM Sở Y tế cũng đã triển khai ứng dụng “Tra cứu thông tin COVID-19” nhằm giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu tra cứu nhanh thông tin người thân của mình đang cách ly, điều trị tại cơ sở y tế nào trên địa bàn thành phố. Đây là ứng dụng được tích hợp cùng phần mềm ứng dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI