Tìm lại công bằng cho bà nội trợ

05/08/2020 - 09:05

PNO - Mấy hôm nay mạng xã hội rộ lên dòng chia sẻ vui vui về việc những người phụ nữ ở nhà và được chồng đưa tiền hàng tháng, nhằm cổ vũ cho việc đi làm, tự do tài chính…

 Dường như xã hội vẫn chưa ngừng kêu gào phụ nữ tự lập, sống không dựa dẫm vào ai. Nhưng thực tế cuộc sống luôn là một sự lựa chọn. Quan trọng nhất là chúng ta chọn gì và sống thế nào với lựa chọn ấy. Nếu cuộc sống đặt bạn trước lựa chọn ở nhà nội trợ, bạn sẽ thế nào?

Muôn nẻo ở nhà nội trợ

Đó là cách họ chọn và tự thỏa hiệp với chính mình. Nói như An Thảo - từng là một giám đốc tài chính lừng danh: “Sáng đầu tiên nghỉ làm, vẫn bật dậy vội vội vàng vàng, chợt nhớ bắt đầu từ hôm nay, mình đã rẽ ngang mất rồi”. Lúc chọn rẽ ngang, ai cũng gieo một tiếng thở dài. Chẳng có một khảo sát nào chính thức về lý do bỗng dưng... nội trợ, nhưng với nhiều người, họ bám vào hai chữ “thiên chức” như một cách an bài của cuộc đời cho lựa chọn của mình. 

Hà, từng là trưởng phòng kế toán một công ty của Thái đặt tại Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa) chia sẻ trong một buổi gặp mặt các “bà nội trợ chuyên nghiệp”: “Ngay hôm ở nhà nấu cơm, mình lập tức trở thành “kèo dưới”.

Kèo dưới được định nghĩa rằng, mình sẽ không được tự quyết định chuyện nhà, không còn được tự ý chi xài mua sắm thoải mái, không được dang tay giúp đỡ ba mẹ em út như xưa. Kèo dưới ở đây nghĩa là phải hỏi ý kiến chồng mọi chuyện lớn nhỏ. Kèo dưới chính là một người... sống lệ thuộc vào chồng, kể cả cảm xúc của mình”.  

Chị kể, mỗi khi mẹ chồng ghé nhà, chị phải giả vờ tìm gì đó để làm, kẻo bà lại bảo kéo ghế ngồi xuống bà nói chuyện cho mà nghe. Những câu chuyện cực khổ của con trai bà phải nuôi vợ và ba đứa con, vậy mà chị còn nặng nhẹ mỗi khi chồng về muộn, hoặc nhậu nhẹt la cà với bạn bè là cớ làm sao?

“Cô mà làm được gì, bộ quần áo cũng chồng, đến bộ đồ lót cũng phải chồng đưa tiền cho mua” - bao lời nói cứ cứa vào da thịt chị khiến chị phải khuyên mình cố gắng chịu đựng. Ở nhà là do chị tự nguyện, chẳng phải so đo giữa tiền thuê giúp việc và chuyện mình ở nhà cái nào tiết kiệm hơn, vì chị làm ra gấp mấy lần tiền để có thể thuê giúp việc. Nhưng chị nghĩ rằng mình cần một lựa chọn dứt khoát.

Ở nhà, có thời gian đưa đón con, đỡ cảm giác lo lắng. Ở nhà có bàn tay đàn bà mọi thứ ấm áp hẳn lên. Nên nâng lên hạ xuống bao nhiêu lần quyết định của mình, chị vẫn chọn ở nhà dù có ra sao, tặc lưỡi động viên mình “thôi chờ hai đứa lớn thì tính tiếp”. 

Tiền nong là vấn đề đau đầu của các chị em nghỉ làm ở nhà nội trợ. Ảnh minh họa
Tiền nong là vấn đề đau đầu của các chị em nghỉ làm ở nhà nội trợ. Ảnh minh họa

Hôm đi họp lớp, mối tình đầu của chị ngày ấy đã giương mắt ngạc nhiên khi nghe chị bảo đang ở nhà chồng nuôi, chị về ấm ức khóc với chồng: “Không ở nhà thì em phải làm gì khi đã hơn mười năm nghỉ việc?”. 

Làm gì, làm gì… câu hỏi ấy đeo theo chị đi chợ, đón con và dai dẳng suốt bao nhiêu ngày tháng. Đi đâu, khi mọi thứ dường như đã đóng khuôn sẵn cho chị thế này?

Cả thế giới đang... chống lại bà nội trợ?

Một câu hỏi mà khi đặt ra đều khiến các phụ nữ đang làm công việc nội trợ bật cười. Họ dường như quên mất rằng chính mình đang lao động nghề, mà đã là lao động nghề chắc chắn phải được trả lương. Đó được xem là phần thu nhập lẽ ra họ phải được nhận khi còn làm việc.

Có một điều rất lạ, khi công cuộc đòi hỏi bình đẳng giới càng sôi nổi, thì khoảng cách giữa phụ nữ đi làm và phụ nữ ở nhà lại càng xa. Càng đòi hỏi xã hội ghi nhận sự nghiệp, thì định nghĩa nội trợ lại trở thành một khái niệm vô cùng tội nghiệp dành cho phụ nữ ở nhà.

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, đa phần công chức đi làm lúc ấy được lãnh thêm một phần trợ cấp cho vợ ở nhà nội trợ, lúc nam nữ còn nhiều khác biệt, xã hội đã ghi nhận nội trợ dường như là một nghề và đã được cơ quan của chồng trả lương.

Phần lương giúp đàn ông an tâm cống hiến sự nghiệp. Phần lương giúp phụ nữ có thu nhập, thấy công việc của mình có giá trị. Và chí ít hai chữ “nội trợ” ghi trong lý lịch của con không nhuốm màu thông cảm như bây giờ.

Lan kể rằng từ ngày nghỉ việc ở nhà, mỗi tháng chồng chuyển khoản cho Lan 20 triệu đồng, được xem là tiền sinh hoạt phí cơm nước học hành trong một tháng. “Ủa rồi còn tiền của cá nhân mình đâu, son phấn quần áo, tiền phụ cấp cho ba mẹ em út nữa đâu...”. Nếu vẫn đi làm, mỗi tháng cả nhà vẫn chi phí ngần ấy tiền. Giờ Lan nghỉ, mất đi khoản tiền mình làm được, vậy thì sao?

Có nhiều gia đình vẫn khăng khăng định nghĩa việc ở nhà của vợ lợi hơn, tiết kiệm được tiền thuê giúp việc, chu đáo tinh giản nên tiết kiệm được khối thứ. Nhưng rõ ràng chi phí cơ hội đã mất đi một nửa.

Vậy vợ sẽ sống thế nào? Khi hầu như mọi ông chồng chỉ nghĩ đến việc đưa cho vợ toàn bộ sinh hoạt phí và xem như hoàn thành tốt trách nhiệm. 

Theo định nghĩa bất thành văn của xã hội, chủ gia đình chính là người làm ra tiền nhiều nhất, thậm chí nếu phải mua bảo hiểm nhân thọ, mọi người chỉ nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho người tạo ra thu nhập cao nhất, trong khi, bản thân người nội trợ cũng cần được bảo hiểm và cũng có giá trị ngang người tạo ra thu nhập.

Lan nói rằng, con cái chị mặc nhiên cho rằng mẹ không thể quyết được những đòi hỏi bên lề của mình. Con gái 16 tuổi của Lan, khi thích một chiếc đồng hồ Apple Watch, đã tự động đặt hàng rồi mua.

Khi Lan hỏi tại sao con không xin ý kiến mẹ, cô bé thản nhiên trả lời: “Con đã được bố đồng ý, vì bố trả tiền chứ mẹ có trả đâu”. “Ừ, mẹ có trả đâu” đã khiến Lan thèm khát được kiếm tiền biết bao.

Hoặc chỉ cần chồng trả thêm tiền cho mình bằng số tiền nhẽ ra dùng để thuê giúp việc, mình đã có thể tự quyết một số điều cho cuộc sống này rồi. Trả lương cho công sức lao động phụ nữ bỏ ra, lương thay vì phải thuê người giúp việc nhà, lương cho những thành quả đạt được. Tại sao không?

Có làm thì có lương - chuyện hiển nhiên

Chị nói từ ngày lấy chồng, sinh liên tiếp ba đứa con nên hầu như chị lui về với con cái. Mỗi tháng anh chuyển cho chị 100 triệu đồng, vừa tiền cơm nước, vừa là tiền của chị. Chị mặc nhiên dùng tiền đó cho cá nhân mình, mua sắm, làm đẹp, cà phê với bạn bè.

Anh bảo chị: “Anh đủ sức trả lương cho người ta, chẳng lẽ không trả lương được cho vợ mình sao?”. Và chị hiển nhiên tin rằng, mình xứng đáng được lãnh lương cao, bởi những gì mình bỏ ra hằng ngày. Nếu không có chị, ai đưa đón con đi học đúng giờ?

Nếu không có chị, anh và các con làm sao có những bữa ăn tươm tất và nhiều dưỡng chất? Anh thừa biết những đóng góp của chị cho gia đình thay vì phải bươn chải ngoài kia kiếm tiền hằng tháng. Anh lãnh trách nhiệm làm ra tiền và trả lương cho vợ định kỳ. Chị an tâm chăm sóc con cái, vì tin rằng mình đang đóng góp quá lớn trong sự thành công của chồng.

Đâu phải ai ở nhà cũng được chồng trả lương. Ảnh minh họa
Đâu phải ai ở nhà cũng được chồng trả lương. Ảnh minh họa

Phạm Anh chia sẻ trong một hội thảo về những đồng tiền cô nhận được từ chồng khiến cô cảm thấy mình sung sướng thế nào, vì giá trị bản thân được ghi nhận. Ngày quyết định nghỉ việc, mẹ cô khóc vì lo cho con trở thành người lệ thuộc. 

Mẹ vẫn hay nói: “Lỡ mai này nó hết chuyển tiền thì sao?”. "Nó" ở đây là chồng cô. Cô tự tin trả lời: “Thì mình lại đi làm mẹ ạ”. Cô quan niệm hãy luôn tạo ra giá trị và cho chồng thấy giá trị của mình trong nhà, đừng cố gắng nghĩ đến hai từ nội trợ với những điều khó khăn nhất.

“Đều đặn hằng tháng anh chuyển vào tài khoản của tôi 7,5 triệu đồng, ít hơn lương hồi tôi đi làm 2,5 triệu - nhưng không sao, mình ở nhà thì chi phí sẽ không nhiều như xưa. Còn mọi khoản khác vẫn bình thường như trước giờ. Thế là tôi ở nhà, toàn tâm toàn ý vào mọi thứ. Có thời gian thì chạy qua phụ mẹ chồng chăm ba chồng bị tai biến nằm một chỗ - việc này là việc mà vợ chồng tôi gây nhau nhiều nhất, vì bận rộn nên nó trở thành một gánh nặng không thể vứt bỏ mà cũng không sao gánh vác trọn vẹn được.

Tôi thực sự thấy vui. Thế mà tại sao bấy lâu không nghĩ ra? Cái cảm giác không còn tất bật nữa, mà vẫn được làm việc, được trả lương, há chẳng phải là cảm giác của tất cả những bà nội trợ trên đời này mong chờ sao?”.

Gia đình, thực sự vẫn đang vận hành như một doanh nghiệp đó thôi. Có người trực tiếp tạo ra lợi nhuận, nhưng cũng có người âm thầm ở phía sau hỗ trợ. Có như thế mọi việc mới có thể chạy trơn tru theo đúng quỹ đạo của nó.  

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI