Thuốc lá điện tử “bủa vây” thanh thiếu niên

25/10/2021 - 08:25

PNO - Một tháng nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Mới đây nhất là nam sinh 15 tuổi bị co giật, hôn mê vì đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu mua trên thị trường. Đây là điều đáng báo động khi xu hướng hút thuốc lá điện tử đang gia tăng trong thanh thiếu niên nhưng giới trẻ lại không lường hết tác hại.

Đối tượng hút thuốc lá điện tử đang trẻ hóa

Nam sinh 15 tuổi nói trên là Đ.X.Đ., ở Thạch Thất, Hà Nội, được gia đình phát hiện ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 - 4 lần, mỗi cơn kéo dài 3 - 5 phút. Đ. được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa.

Sau khi tiến hành chụp CT Scanner sọ loại trừ tổn thương não, xét nghiệm khí máu cho kết quả bình thường, các bác sĩ cai an thần để bệnh nhân tự thở qua ống và tỉnh trước khi rút ống nội khí quản. Khi tỉnh lại, bệnh nhân khai đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu tự mua trên thị trường.

phần lớn thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử chưa nhận thức được tác hại của nicotine có trong những sản phẩm này
Phần lớn thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử chưa nhận thức được tác hại của nicotine có trong những sản phẩm này

Đáng nói, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử mà Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thanh thiếu niên ở nước ta sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp nhiều lần. Tuy cách tiếp cận khác nhau, song phần lớn thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử chưa nhận thức được tác hại của nicotine có trong những sản phẩm này. Hầu hết đều cho rằng thuốc lá điện tử không ảnh hưởng nhiều như thuốc lá truyền thống, vì chúng phả ra hơi chứ không phải ra khói, mùi vị lại rất dễ chịu. 

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Việt Nam, tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.

Thuốc lá điện tử được thiết kế với hình ảnh hấp dẫn, mẫu mã đa dạng, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị thu hút nhiều người trẻ sử dụng
Thuốc lá điện tử được thiết kế với hình ảnh hấp dẫn, mẫu mã đa dạng, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị thu hút nhiều người trẻ sử dụng

Rõ ràng, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tại nước ta đang trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi thích khám phá, muốn thử những thứ lạ và muốn khẳng định bản thân qua hình ảnh khói thuốc. Trong khi đó, việc tiếp cận với thuốc lá điện tử cũng trở nên dễ dàng từ mua trực tiếp ở cửa hàng đến “trao đổi” qua mạng xã hội hoặc các kênh mua bán trực tuyến. Điều này đặt ra thách thức trong kiểm soát cũng như hạn chế những tác hại mà thuốc lá điện tử gây ra cho sức khỏe của thế hệ trẻ.

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn các địa phương triển khai học trực tuyến nên hình ảnh các nhóm học sinh tụ tập hút thuốc lá điện tử ở quán nước bên ngoài cổng trường ít xuất hiện. Tuy nhiên, tại các hội nhóm mạng xã hội dành cho giới trẻ như Facebook, Instagram, TikTok… lại nhộn nhịp hơn bởi các bình luận và hình ảnh mua bán thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử. 

Thuốc lá điện tử quảng cáo nhắm tới thanh thiếu niên

Theo đại diện Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại thuốc lá điện tử chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và internet, các mạng xã hội, trang web, hội nhóm… sau đó đến tay thanh thiếu niên - những người trực tiếp sử dụng. 

thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có đặc điểm chung là chứa nicotine, một trong những chất có tính gây nghiện hàng đầu (chỉ sau heroin và cocain)
Thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có đặc điểm chung là chứa nicotine, một trong những chất có tính gây nghiện hàng đầu (chỉ sau heroin và cocain)

Một fanpage bán thuốc lá điện tử có hơn 5.000 người theo dõi thường xuyên đăng nội dung quảng cáo khá thu hút: “Hàng đẹp mới về. Không gây nghiện, an toàn khi sử dụng”; “Bên mình còn ít hàng xách tay, ngon - bổ - rẻ, ai cần inbox”; “Hàng đợt này về có đủ vị từ táo, dâu, trà sữa, bạc hà… anh em tha hồ chọn nhé”…

Người bán cũng không quên chia sẻ những hình ảnh hấp dẫn với mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá thành rẻ. Chưa kể, chúng còn được ngụy trang rất tinh vi bằng nhiều hình dạng như dụng cụ học tập, cây bút, chiếc USB…

Nghiên cứu về điều tra sức khỏe học đường do Trường đại học Y tế công cộng thực hiện tại Việt Nam năm 2019 cho thấy, ngoài tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13 - 17 tuổi là 2,6% (nam 3,6% và nữ 1,5%), tỷ lệ học sinh 15 - 17 tuổi hút thuốc lá điện tử khá cao là 3,1%. Tỷ lệ này ở nam sinh 15 - 17 tuổi là 4,8% và nữ sinh là 1,4%. 

Trên nhiều trang mạng còn sử dụng hình ảnh các KOL nổi tiếng - người có sức ảnh hưởng - để quảng cáo thuốc lá điện tử mục đích tạo sự tin tưởng đối với người cần mua. 

T.P.T. - một tài khoản Facebook thường xuyên xuất hiện trên các hội nhóm mua bán thuốc lá điện tử - cho biết, bản thân đang học lớp Mười tại một trường THPT ở Hà Nội và đã sử dụng thuốc lá điện tử được hai năm. Mới đầu, T. không biết gì về loại thuốc lá này, thậm chí không nghĩ đến việc sẽ tiếp cận chúng. Tuy nhiên, sau một thời gian bạn bè rủ chơi, giờ đã có cả mối quen để mua hàng.

Khi được hỏi địa chỉ cửa hàng cung cấp thuốc lá điện tử, T. không ngần ngại đáp: “Thời đại công nghệ 4.0 rồi, chỉ cần một cú nhấp chuột là có “shipper” đưa đến tận nơi. Chủ yếu mua bán trên mạng, hàng xách tay từ nước ngoài về”. 

Cũng thường xuyên mua thuốc lá điện tử trên mạng nhưng Đ.V.H. (học sinh lớp Chín, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) còn có cả chỗ mua rẻ và tiện hơn, đó là một số cửa hàng kinh doanh thuốc lá truyền thống gần trường học. 

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, cho biết, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin để đốt nóng chất lỏng chứa nicotine, dung môi hữu cơ, chất tạo hương vị khác. Dưới tác dụng của nhiệt, chất lỏng này sẽ hóa thành hơi để người dùng hút. Các chất lỏng thường được bán trên thị trường trong những lọ nhỏ gọi là “tinh dầu”. Thuốc lá điện tử hiện nay thường phổ biến ở dạng vape và pot. 

Theo bác sĩ Oanh, thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có đặc điểm chung là chứa nicotine, một trong những chất có tính gây nghiện hàng đầu (chỉ sau heroin và cocain).

Thuốc lá điện tử ban đầu được phát minh như một giải pháp thay thế cho những người hút thuốc lá truyền thống vốn rất độc hại. Tuy nhiên, việc tiếp thị và quảng cáo của người bán thường khiến thanh niên lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử an toàn và không gây nghiện, nhưng thực chất thiết bị vape được thiết kế để người dùng hít vào phổi một lượng nicotine lớn hơn và nhanh hơn. 

Hít hóa chất trong thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thông tin: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hút vape gây ra những tổn thương ở cấp độ tế bào trong phổi. Việc hít vào các chất hóa học có trong thành phần thuốc lá điện tử có thể gây các tổn thương không thể phục hồi ở phổi. Năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Mỹ đã ghi nhận một đợt bùng phát bệnh phổi có nguyên nhân từ vaping, trong đó có nhiều ca nặng và tử vong.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, người hút thuốc lá nói chung và vaping nói riêng sẽ có nguy cơ nhiễm COVID-19 và nguy cơ bệnh nặng cao hơn những người không hút thuốc. Nguyên nhân là do hút thuốc làm giảm khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng của cơ thể.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho rằng, thuốc lá điện tử cần được quản lý theo các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các cơ quan quản lý thị trường quản lý chặt sản phẩm này theo đúng các quy định. Tất cả các sản phẩm chứa nicotine nói chung cần được dán nhãn cảnh báo gây nghiện trên bao bì và cần có các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên trước tác hại của thuốc lá. 

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI